(PetroTimes) - Giá dầu thế giới trong tuần (20/5-26/5) giảm trong phiên giao dịch đầu tuần. Tại phiên giao dịch giữa tuần, giá dầu tiếp tục kéo dài đà giảm. Thời điểm cuối tuần, giá dầu tăng trở lại nhưng ghi nhận mức giảm hàng tuần.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 26/5/2024 theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchange, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 7/2024 ở mức 77,8 USD/thùng, tăng 0,93 USD trong phiên.
Giá dầu Brent giao tháng 7/2024 đứng ở mức 82,16 USD/thùng, tăng 0,8 USD trong phiên.
Giá dầu thế giới trong tuần (20/5-26/5) giảm trong phiên giao dịch đầu tuần. Tại phiên giao dịch giữa tuần, giá dầu tiếp tục kéo dài đà giảm. Thời điểm cuối tuần, giá dầu tăng trở lại nhưng ghi nhận mức giảm hàng tuần.
Đầu tuần (20/5-21/5) giá dầu thế giới giảm khi các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết họ đang chờ thêm dấu hiệu cho thấy lạm phát đang giảm trước khi ngân hàng trung ương bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Mức thấp nhất ghi nhận được giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 7/2024 ở mức 79,24 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 7/2024 đứng ở mức 83,68 USD/thùng.
Tại Hội nghị Hiệp hội Ngân hàng Thế chấp ở New York, Phó Chủ tịch Fed Philip Jefferson và Phó Chủ tịch Giám sát Fed Michael Barr cho biết họ chưa sẵn sàng khẳng định xu hướng lạm phát sẽ quay trở lại mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương dù áp lực giá tiêu dùng của Mỹ đã giảm bớt trong tháng 4.
Các dữ liệu kinh tế của Mỹ gần đây đang củng cố khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 1 lần trong năm vào quý IV năm nay. Lãi suất thấp hơn sẽ làm giảm chi phí vay cho người tiêu dùng và doanh nghiệp, điều này có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nhu cầu về dầu.
Tổng thống Iran đã qua đời trong một vụ tai nạn trực thăng, tuy nhiên, chính sách dầu mỏ của Iran sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự ra đi đột ngột của ông.
Số liệu cho thấy xuất khẩu dầu thô của Ả Rập Xê-út tăng tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 3, đạt mức cao nhất trong 9 tháng. Thái tử Ả Rập Xê-út đã hoãn chuyến công tác tới Nhật Bản vì sức khỏe của vua.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) dự kiến sẽ tổ chức cuộc họp vào ngày 2/6.
Nga vẫn là nhà cung cấp dầu hàng đầu của Trung Quốc trong tháng 4 , với khối lượng tăng 30% so với một năm trước đó do các nhà máy lọc dầu tiếp tục thu tiền từ các lô hàng giảm giá, trong khi nguồn cung từ Ả Rập Xê-út giảm một phần tư do giá cao hơn.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết sản lượng khí đốt đã tăng 8% trong 4 tháng đầu năm nhưng sản lượng dầu giảm 1,8%, chủ yếu do cắt giảm sản lượng theo thỏa thuận với OPEC+.
Nga cho biết đã đình chỉ lệnh cấm xuất khẩu xăng dầu cho đến ngày 30/6 và sẽ dỡ bỏ lệnh cấm vào tháng 7 hoặc tháng 8.
Giữa tuần (22/5-23/5) giá dầu tiếp đà giảm khi các nhà đầu tư lo ngại rằng chi phí đi vay của Mỹ có thể tăng trở lại nếu lạm phát tăng cao, từ đó có thể ảnh hưởng đến nhu cầu dầu.
Mức thấp nhất ghi nhận được giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 7/2024 ở mức 76,85 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 7/2024 đứng ở mức 81,22 USD/thùng.
Biên bản từ cuộc họp chính sách cuối cùng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố hôm thứ Tư (22/5) cho thấy ngân hàng trung ương Mỹ sẽ duy trì lãi suất chính sách của họ hiện tại. Fed cũng đã đề cập đến việc sẵn sàng thắt chặt chính sách hơn nữa nếu rủi ro lạm phát xảy ra. Tuy nhiên, biên bản cuộc họp cũng cho thấy khả năng xảy ra một đợt tăng lãi suất khác là có thể.
Lãi suất cao hơn làm tăng chi phí đi vay, làm cạn kiệt nguồn vốn có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu mỏ.
Phil Flynn, nhà phân tích tại Price cho biết: “Thị trường rất tập trung vào nhu cầu xăng ở Mỹ vì có dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng đang cắt giảm nhu cầu vì lạm phát”.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thô của nước này đã tăng 1,8 triệu thùng trong tuần trước, so với ước tính giảm 2,5 triệu thùng.
Thị trường dầu thô giao ngay gần đây cũng đang chịu áp lực bởi nhu cầu lọc dầu yếu và nguồn cung dồi dào.
Nga cho biết họ đã vượt quá hạn ngạch sản xuất quy định của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) trong tháng 4 vì lý do kỹ thuật và sẽ sớm trình lên Ban thư ký OPEC kế hoạch để bù đắp cho sai sót này.
Nhóm OPEC+ hiện đang cắt giảm sản lượng 5,86 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 5,7% nhu cầu toàn cầu. Việc cắt giảm bao gồm 3,66 triệu thùng/ngày của các thành viên OPEC+ có hiệu lực đến cuối năm 2024 và 2,2 triệu thùng/ngày do một số thành viên cắt giảm tự nguyện, sẽ hết hạn vào cuối tháng 6.
Thời điểm cuối tuần (24/5-26/5) giá dầu tăng trở lại nhưng ghi nhận mức giảm hàng tuần.
Mức cao nhất ghi nhận được giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 7/2024 ở mức 77,8 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 7/2024 đứng ở mức 82,16 USD/thùng.
Dữ liệu của S&P Global cho thấy hoạt động kinh doanh của Mỹ đang tăng tốc trong tháng này. Tuy nhiên, các nhà sản xuất cũng báo cáo giá nhiều loại hàng hóa đầu vào tại Mỹ cũng tăng vọt, cho thấy lạm phát hàng hóa sẽ gia tăng trong những tháng tới.
Tim Evans, nhà phân tích năng lượng độc lập cho biết, những lo lắng về chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và sự gia tăng tồn kho dầu thô của Mỹ vào tuần trước đã đè nặng lên tâm lý thị trường.
Chủ tịch Fed Jerome Powell và các nhà hoạch định chính sách khác cho biết họ cảm thấy khó có khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm nữa. Lãi suất cao hơn làm tăng chi phí vay, từ đó làm chậm hoạt động kinh tế và làm giảm nhu cầu về dầu.
Tâm lý người tiêu dùng cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 5 tháng do lo ngại về chi phí vay vẫn ở mức cao, điều này cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng đã chậm hơn.
Các nhà phân tích tại Morgan Stanley lưu ý rằng nhu cầu dầu vẫn mạnh mẽ từ góc độ rộng hơn, đồng thời cho biết họ kỳ vọng tổng mức tiêu thụ dầu lỏng sẽ tăng khoảng 1,5 triệu thùng mỗi ngày trong năm nay.
Dennis Kissler, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách giao dịch tại BOK Financial cho biết, nhu cầu nhiên liệu cho mùa lái xe cao điểm mùa hè tại Mỹ dự kiến sẽ tăng bắt đầu từ cuối tuần này.
Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết, số giàn khoan dầu tại Mỹ, một chỉ số sớm của sản lượng tương lai, không thay đổi ở mức 497 giàn trong tuần này.
Trong khi đó, thị trường đang chờ cuộc họp trực tuyến vào ngày 2/6 của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) để thảo luận về việc có nên gia hạn mức cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 2,2 triệu thùng mỗi ngày hay không.
Phần lớn các nhà phân tích dự đoán rằng việc cắt giảm sản lượng hiện tại sẽ được kéo dài ít nhất đến cuối tháng 9.
Bộ trưởng Dầu mỏ Pedro Tellechea cho biết Venezuela đặt mục tiêu sản xuất 1,23 triệu thùng dầu mỗi ngày trong tháng 12, tăng thêm khoảng 290.000 thùng/ngày so với đầu năm nay, sau khi nước này bổ sung thêm các giàn khoan.
Tại thị trường trong nước, giá xăng dầu hôm nay được niêm yết phổ biến như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 22.277 đồng/lít; giá xăng RON 95-III không cao hơn 23.213 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 19.837 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 19.902 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 17.513 đồng/kg.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh tại kỳ điều hành giá của liên Bộ Tài chính - Công Thương chiều ngày 23/5. Trong đó, giá xăng E5 RON 92 tăng 162 đồng/lít; xăng RON 95-III tăng 78 đồng/lít. Giá dầu diesel giảm 36 đồng/lít; dầu hỏa giảm 6 đồng/lít; dầu mazut tăng 95 đồng/kg.
Theo https://petrotimes.vn/