Thế giới đối mặt với khoảng cách lớn trong tiếp cận năng lượng; Dòng chảy dầu thô của Nga vào thị trường quốc tế không suy giảm; Mỹ - Ả Rập Xê-út thảo luận về hợp tác năng lượng sạch… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 7/6/2023.
Ảnh minh họa: Nguyễn Trương Sơn
Thế giới đối mặt với khoảng cách lớn trong tiếp cận năng lượng
Trong báo cáo được Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) phối hợp cùng Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA), Ủy ban Thống kê của Liên Hợp Quốc (LHQ), Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 6/6, bất chấp những nỗ lực và một số tiến bộ, thế giới tiếp tục đối mặt với khoảng cách lớn trong vấn đề tiếp cận năng lượng.
Bản báo cáo cũng cảnh báo rằng thế giới vẫn chưa đi đúng hướng để đảm bảo việc tiếp cận năng lượng sạch và phù hợp cho mọi người vào năm 2030, một trong những mục tiêu phát triển bền vững được tất cả các thành viên LHQ đề ra năm 2015. Báo cáo lưu ý, dù số người sống không có điện đã giảm một nửa trong thập kỷ qua, tuy nhiên, con số này vẫn ở mức cao, khoảng 675 triệu người trong năm 2021.
Trong báo cáo, Phó Tổng giám đốc WB, ông Guangzhe Chen, cho biết thế giới đang chứng kiến “đà giảm tốc gần đây trong vấn đề điện khí hóa toàn cầu”. Giám đốc điều hành IEA Fatih Biro đánh giá: “Trong khi quá trình chuyển đổi năng lượng sạch diễn ra nhanh hơn nhiều người nghĩ, thì vẫn còn nhiều việc cần phải làm để cung cấp khả năng tiếp cận bền vững, an toàn và phù hợp cho các dịch vụ năng lượng hiện đại cho những người đang sống không có điện”.
Dòng chảy dầu thô của Nga vào thị trường quốc tế không suy giảm
Các lô hàng dầu thô của Nga vận chuyển bằng đường biển trung bình trong 4 tuần đoạn tính đến ngày 4/6 tăng cao đáng kể. Cụ thể, tăng lên 3,73 triệu thùng/ngày từ mức 3,68 triệu đã điều chỉnh trong giai đoạn tính đến ngày 28/5. Bên cạnh đó, dòng chảy đến các thị trường quốc tế cao hơn 1,4 triệu thùng mỗi ngày so với cuối năm 2022. Kể từ tháng 2, tháng cơ sở cho việc cắt giảm sản lượng đã cam kết, các lô hàng cũng đã tăng mạnh.
Các đối tác OPEC+ của Moscow đã tìm kiếm sự rõ ràng và minh bạch từ Nga về sản lượng dầu thô của nước này. Họ lưu ý rằng Nga đã cam kết chấp nhận đánh giá lại mức sản xuất của tháng 2 bởi các nguồn thứ cấp của OPEC. Đánh giá hiện ở mức 9,83 triệu thùng/ngày. Theo Bloomberg, có rất ít bằng chứng cho thấy động thái cắt giảm 500.000 thùng dầu/ngày được Nga thực hiện. Dòng chảy dầu thô của Nga vào thị trường quốc tế tiếp tục không suy giảm, điểm đến chính được cho là châu Á, duy nhất một quốc gia châu Âu.
Các chuyến hàng trung bình trong 4 tuần tới các khách hàng châu Á của Nga, cộng với những chuyến hàng trên các tàu không có điểm đến cuối cùng, đã tăng lên 3,42 triệu thùng mỗi ngày trong giai đoạn tính đến ngày 4/6. Xuất khẩu dầu thô bằng đường biển của Nga sang các nước châu Âu tăng cao hơn. Cụ thể, tăng 83.000 thùng/ngày trong 28 ngày tính đến ngày 4/6, với Bulgaria là điểm đến duy nhất. Những con số này không bao gồm các chuyến hàng đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Mỹ - Ả Rập Xê-út thảo luận về hợp tác năng lượng sạch
Theo hãng tin Reuters, ngày 6/6, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Thái tử Ả Rập Xê-út Mohammed bin Salman đã thảo luận về hợp tác kinh tế và năng lượng sạch, trong bối cảnh hai nước có những bất đồng trong nhiều vấn đề.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nói: "Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh rằng mối quan hệ song phương của chúng tôi được củng cố... Hai bên đã thảo luận về việc tăng cường hợp tác kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ và năng lượng sạch".
Hồi năm ngoái, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết mong muốn tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Ả Rập Xê-út dựa trên lợi ích và trách nhiệm song phương, trong khi vẫn đảm bảo tuân thủ các giá trị cơ bản của nước Mỹ.
Ấn Độ hỗ trợ hơn 455 triệu USD cho các dự án lưu trữ năng lượng bằng pin
Một số nguồn tin Chính phủ Ấn Độ cho biết theo chương trình đã được công bố đầu năm nay, nước này sẽ tung ra gói ưu đãi tài chính trị giá 37,6 tỷ rupee (455,2 triệu USD) cho các công ty thực hiện những dự án lưu trữ năng lượng bằng pin với tổng công suất 4.000 MWh.
Chương trình trên nhằm thúc đẩy các dự án lưu trữ năng lượng bằng pin. Đây là một phần quan trọng trong kế hoạch của Ấn Độ nhằm nâng công suất năng lượng tái tạo của quốc gia Nam Á này lên 500 GW vào năm 2030 và giảm chi phí lưu trữ năng lượng bằng pin từ mức 5,5-6,5 rupee/bộ hiện nay.
Cụ thể, chương trình sẽ thúc đẩy các dự án lưu trữ năng lượng bằng pin để giảm chi phí thông qua hình thức đấu thầu cạnh tranh. Chính phủ sẽ cung cấp ưu đãi dưới hình thức trợ cấp trong 3 năm để bù đắp những rủi ro cho các công ty thực hiện những dự án cơ sở hạ tầng thiết yếu nhưng sau đó không đem lại tính khả thi về mặt kinh tế. Chính phủ cũng dự kiến chương trình trên sẽ thu hút các khoản đầu tư tư nhân trị giá 56 tỷ rupee.
Ai Cập ký thỏa thuận 10 tỷ USD với UAE xây nhà máy điện gió khổng lồ
Ai Cập ngày 6/6 đã ký một thỏa thuận với công ty năng lượng sạch Masdar của Các tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) để khởi động dự án xây dựng một nhà máy điện gió ở tỉnh Sohag với khoản đầu tư trực tiếp lên tới 10 tỷ USD.
Dự án này sẽ được triển khai bởi công ty Masdar và các đối tác Ai Cập bao gồm công ty năng lượng tái tạo Ai Cập Infinity Power và tập đoàn xây dựng Hassan Allam Utilities. Nhà máy mới sẽ được xây dựng trên diện tích 3.000 km2. Dự án sẽ sản xuất 47.790 GWh năng lượng sạch hàng năm sau khi hoàn thành.
Theo Bộ Điện lực và Năng lượng tái tạo Ai Cập, nhà máy năng lượng tái tạo này là một trong những dự án trọng điểm sẽ giúp Ai Cập xuất khẩu điện thông qua mạng lưới kết nối điện với châu Âu, cũng như sản xuất hydro xanh bằng cách tối đa hóa việc sử dụng các loại năng lượng khác nhau.