(PetroTimes) - EVN huy động các nhà máy nhiệt bảo đảm điện tháng cuối năm; Sản lượng dầu của Mỹ có thể chạm mức hơn 13 triệu thùng mỗi ngày; Moldova có thể thay thế Ukraine nếu việc vận chuyển khí đốt Nga bị đình chỉ… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 10/12/2023.
EVN huy động các nhà máy nhiệt bảo đảm điện tháng cuối năm
Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết trong tháng 12/2023, sản lượng tiêu thụ điện bình quân ngày toàn hệ thống tháng 12 ở mức 773,3 triệu kWh/ngày, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2022. EVN sẽ tiếp tục bảo đảm cung ứng đủ điện, trong đó sẵn sàng bảo đảm cung ứng điện trong các kỳ nghỉ Lễ Noel và Tết Dương lịch.
EVN đặt mục tiêu là bảo đảm vận hành ổn định, an toàn, tin cậy hệ thống điện. Tiếp tục huy động cao tất cả các nhà máy nhiệt điện than, turbine khí; các nhà máy thủy điện khai thác theo tình hình thủy văn thực tế và định hướng điều tiết tối ưu, mục tiêu tích nước lên mực nước dâng bình thường vào cuối năm.
Về công tác nguồn điện, EVN sẽ tiếp tục tập trung lực lượng tại các công trường, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án nguồn điện trọng điểm, như: Nhiệt điện Quảng Trạch 1; Thủy điện Ialy mở rộng, Hòa Bình mở rộng; hoàn thiện các thủ tục thu xếp vốn cho dự án Thủy điện Trị An mở rộng. EVN cũng quyết liệt chỉ đạo và đôn đốc tiến độ chuẩn bị đầu tư, tiến độ thi công các công trình lưới điện trọng điểm khác.
Sản lượng dầu của Mỹ có thể chạm mức hơn 13 triệu thùng mỗi ngày
Các nhà phân tích tại Rapidan Energy ước tính sản lượng dầu của Mỹ sẽ đạt trung bình 13,3 triệu thùng/ngày trong năm tới, tăng từ mức trung bình 13 triệu thùng/ngày của năm 2023 và cao hơn mức kỷ lục hiện tại là 13,2 triệu thùng đạt được vào tháng 9/2023.
Hoạt động khai thác dầu đá phiến của Mỹ đã có một năm 2023 “bùng nổ” và dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài sang năm sau, khi Exxon Mobil và Chevron đang lên kế hoạch tăng cường đầu tư vào lưu vực Permian - khu vực khai thác dầu đá phiến lớn nhất Mỹ, trong năm 2024. Hơn nữa, trong năm nay, cả hai “gã khổng lồ” ngành dầu mỏ đã công bố các vụ sáp nhập lớn, để mua lại một số công ty sản xuất dầu đá phiến hàng đầu của Mỹ.
Nguồn cung dồi dào của Mỹ đã đẩy giá dầu thế giới đi xuống, bất chấp việc hai thành viên chính của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) là Ả Rập Xê-út và Nga vừa công bố tiếp tục cắt giảm sản lượng khai thác dầu trong năm 2024, nhằm nỗ lực nâng giá dầu.
Xuất khẩu nhiên liệu của Nga tăng vọt trong tháng 11
Theo dữ liệu của Bloomberg, xuất khẩu nhiên liệu Nga đã đạt mức 2,2 triệu thùng/ngày trong tháng 11, tăng khoảng 164.000 thùng/ngày so với tháng 10 - thời điểm nguồn cung dầu của nước này giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm.
Trong tháng 11, xuất khẩu dầu diesel và dầu gasoil cũng tăng 12%, đạt mức cao nhất trong 3 tháng là 894.000 thùng/ngày. Tuy nhiên, xuất khẩu dầu thô bằng đường biển trung bình trong 4 tuần của Nga đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 tháng, tính đến ngày 3/12, do ảnh hưởng từ các cơn bão ở biển Đen làm gián đoạn các chuyến hàng. Dù vậy, nhìn chung, tỷ lệ xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ đã tăng trong tháng 11 do nguồn cung dầu diesel và xăng tăng.
Tỷ lệ xuất khẩu nhiên liệu dầu nói chung trong tháng 11 tăng khoảng 4% lên 727.000 thùng/ngày, trong đó, tỷ lệ xuất khẩu các loại nhiên liệu lọc dầu như dầu khí chân không đã tăng lên mức cao nhất trong 6 tháng với khoảng 149.000 thùng/ngày.
Các nhà phân tích dự báo xuất khẩu dầu diesel của Nga từ các cảng biển Đen và biển Baltic trong tháng 12 sẽ tiếp tục tăng và dự kiến sẽ đạt khối lượng cao nhất kể từ tháng 7.
Moldova có thể thay thế Ukraine nếu việc vận chuyển khí đốt Nga bị đình chỉ
Moldova là quốc gia đang xây dựng đường lối đối ngoại hướng tới châu Âu và thể hiện quan điểm thân phương Tây. Tuy nhiên vẫn có thể đóng vai trò to lớn và hữu ích trong việc gắn kết Liên minh châu Âu (EU) với Nga. Nước cộng hòa này sẽ thay thế Ukraine làm quốc gia trung chuyển khí đốt của Nga nếu việc bơm khí đốt qua lãnh thổ Ukraine bị dừng lại.
Ông Vadim Cheban - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Moldovagaz thuộc sở hữu của Gazprom đã khẳng định công ty có thể đảm nhận việc đưa khối lượng lớn khí đốt của Nga sang EU và bỏ qua Ukraine nếu Kyiv quyết định không gia hạn hợp đồng trung chuyển vào năm tới, thông tin trên được đưa ra trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình địa phương.
Ông Cheban nhấn mạnh, Moldova muốn gia hạn hợp đồng hiện tại hơn, nhưng tương lai của nước này rất có thể đã được định trước. Ngoài ra công ty năng lượng mà ông lãnh đạo trong mọi trường hợp đều sẵn sàng kiểm soát việc vận chuyển khí đốt qua Ukraine đến lãnh thổ của họ và xa hơn tới các quốc gia châu Âu khác.
Theo https://petrotimes.vn/