Tin tức

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 10/6/2023

11/06/2023, 10:45
Chia sẻ:

Tình trạng cắt điện ở miền Bắc được cải thiện; Nhiều nước châu Á thiếu điện nghiêm trọng; Anh áp giá sàn đối với thuế lợi nhuận tăng thêm của ngành dầu khí… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 10/6/2023.

nhip-dap-nang-luong-20230508192223                                                                          Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn
 

Tình trạng cắt điện ở miền Bắc được cải thiện

Theo thông tin từ Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia (AO), ngày 10/6, tổng công suất nguồn khả dụng miền Bắc đạt 20.321 MW, trong đó công suất khả dụng của thủy điện là 5.244 MW.

Tình trạng cắt điện ở miền Bắc được cải thiện, Miền Nam và miền Trung vẫn được đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện. Việc huy động các nhà máy nhiệt điện tại miền Bắc tăng thêm 1.000MW.

Tuy nhiên, theo đánh giá của AO, sự cố nguồn điện vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao tại nhiều nơi, nhất là nhiệt điện than do nắng nóng gay gắt, nhu cầu phụ tải tăng cao, các tổ máy phải huy động liên tục. Do đó người dân, doanh nghiệp cần đẩy mạnh chương trình tiết kiệm điện, nguồn nước nhằm tránh áp lực cho hệ thống điện quốc gia, nhất là ở miền Bắc.

Từ ngày 10/6, tiến hành thanh tra việc quản lý và cung ứng điện của EVN

Từ ngày 10/6, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương tiến hành thanh tra chuyên ngành về quản lý và cung ứng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Trước đó, ngày 9/6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với Đoàn thanh tra chuyên ngành về quản lý và cung ứng điện của EVN nhằm triển khai cụ thể những yêu cầu, nội dung và thời gian thanh tra.

Để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu đoàn thanh tra làm việc công tâm, khách quan dựa trên quy định của pháp luật và quy định, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, cơ quan chức năng; tình hình và kết quả thực hiện của EVN.

Theo đó, cần làm rõ việc cung ứng, chủ động nhiên liệu cho các nhà máy điện; vận hành hệ thống điện; huy động các nguồn điện (về mặt kỹ thuật), tính công bằng; vấn đề truyền tải điện; thực hiện huy động các nguồn năng lượng tái tạo chuyển tiếp.

Cần có khung pháp lý để phát triển hydro xanh ở Việt Nam

Thông tin tại hội thảo đánh giá toàn diện về sản xuất hydro xanh từ các nguồn năng lượng mặt trời, năng lượng gió và tiềm năng sử dụng tại Việt Nam do Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) và Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) vừa tổ chức cho thấy hydro xanh mang lại nhiều hứa hẹn cho các nước đang phát triển như Việt Nam với tiềm năng năng lượng tái tạo cao và tốc độ tăng trưởng nhanh về năng lượng tái tạo.

Theo tính toán của Viện Năng lượng, nhu cầu sử dụng hydro xanh cho các ngành sản xuất của Việt Nam là rất lớn. Ước tính, ngành thép sẽ cần 9,5 triệu tấn hydro xanh vào 2050, ngành xi măng là 1,8 triệu tấn, ngành lọc hóa dầu là 179.000 tấn. Sản xuất điện cũng có nhu cầu hơn 19,5 triệu tấn vào 2050.

Tuy nhiên, sản xuất và sử dụng hydro xanh là một lĩnh vực mới đối với Việt Nam. Mặc dù Việt Nam đã chuẩn bị một số dự án đầu tư hydro xanh, nhưng vẫn cần có khung pháp lý toàn diện và nghiên cứu và phát triển công nghệ nhiên liệu hydro xanh cũng như mức tiêu thụ tiềm năng trong các ngành công nghiệp khác nhau…

Nhiều nước châu Á thiếu điện nghiêm trọng

Nhiều quốc gia châu Á đang chịu đựng nắng nóng cực đoan. Nhiệt độ phá vỡ kỷ lục khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Nghiên cứu của tổ chức hợp tác quốc tế World Weather Attribution chỉ ra rằng, biến đổi khí hậu làm tăng 30 lần khả năng xảy ra các đợt nắng nóng cực đoan ở châu Á.

Nhiệt độ tăng cao kỷ lục cũng là thách thức lớn cho nhiều quốc gia châu Á như Bangladesh, Ấn Độ, Thái Lan, Hàn Quốc... Nguồn cung ứng điện năng không được đảm bảo do nhu cầu sử dụng điện tăng vọt. Nhiều nước đã phải áp dụng các giải pháp như cắt điện luân phiên, giới hạn cung ứng điện cho sản xuất, kêu gọi chiến dịch tiết kiệm… để ứng phó với tình trạng khan hiếm điện.

Các phương án nêu trên có thể giải quyết khó khăn trước mắt. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách cũng cần đề ra giải pháp dài hạn, bởi hiện tượng nắng nóng cực đoan được dự đoán tiếp diễn với tần suất và mức độ cao hơn.

Anh áp giá sàn đối với thuế lợi nhuận tăng thêm của ngành dầu khí

Ngày 9/6, Chính phủ Anh đưa ra mức giá sàn đối với thuế lợi nhuận tăng thêm ngoài dự kiến đối với các hãng sản xuất dầu khí, cho rằng mức sàn là cần thiết để hỗ trợ đầu tư và tăng cường an ninh năng lượng của Anh.

Năm 2022, mức thuế áp cho lợi nhuận thu được ngoài dự kiến đối với các hãng dầu khi đã tăng lên 75% trong giai đoạn đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng năng lượng. Mức thuế này sẽ trở lại mức trước khủng hoảng là 40% nếu giá dầu và khí đốt giảm xuống dưới mức trung bình dài hạn theo Cơ chế Đầu tư An ninh Năng lượng. Theo đó, mức giá sàn đã được đặt ở mức 71,4 USD/thùng đối với dầu thô và 0,54 bảng Anh/BTU. Giá năng lượng sẽ cần trung bình dưới mức hai mức trên trong hai quý liên tiếp để kích hoạt giảm thuế suất.

Giảm nhẹ thuế đánh vào phần lợi nhuận ngoài dự kiến có thể gây tranh luận giữa các nhà vận động về chi phí sinh hoạt khi người tiêu dùng tiếp tục phải đối mặt với các hóa đơn năng lượng cao. Thứ trưởng Bộ Tài chính Anh Gareth Davies cho biết “điều quan trọng là chúng tôi đảm bảo đầu tư vào nguồn cung trong nước của chính mình, bảo vệ hàng chục nghìn việc làm của người Anh đi kèm với nó”.

Theo https://petrotimes.vn/

Ý kiến của bạn