Tin tức

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 12/6/2023

13/06/2023, 08:38
Chia sẻ:

Nguồn điện vẫn rất khó khăn; Israel đẩy mạnh sản xuất năng lượng mặt trời; Lô hàng dầu thô giảm giá đầu tiên của Nga đến Pakistan… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 12/6/2023.

bachho1                                                                                  Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn
 

Nguồn điện vẫn rất khó khăn

Số liệu thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, phụ tải toàn hệ thống điện ngày 11/6 đạt 746,8 triệu kWh. Trong đó miền Bắc ước khoảng 388,6 triệu kWh, miền Trung khoảng 72 triệu kWh, miền Nam khoảng 285,8 triệu kWh. Công suất đỉnh hệ thống điện (Pmax) vào lúc 21h30 đạt 34.555,9MW.

Trong ngày 11/6/2023, tổng sản lượng huy động từ thủy điện khoảng 107,3 triệu kWh, (miền Bắc là 49,5 triệu kWh); Nhiệt điện than huy động 449,8 triệu kWh (miền Bắc 273,9 triệu kWh); Turbine khí huy động 71,3 triệu kWh; điện năng lượng tái tạo trên 108 triệu kWh, trong đó điện gió là 41,2 triệu kWh, công suất cao nhất lúc 2h30 đạt 2.255,5 MW, điện mặt trời huy động 67,1 triệu kWh, công suất cao nhất lúc 14h00 đạt 4.356,8 MW. Nguồn điện dầu không phải huy động.

Bộ Công Thương cho rằng, mặc dù đã thực hiện các giải pháp quản lý vận hành, song do khó khăn về nguồn điện, nên công suất tiết giảm tối đa ở miền Bắc vào khoảng 2.744 MW. Hiện, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn liên tục chỉ đạo, đôn đốc, tìm mọi giải pháp để tăng cường vận hành các nguồn điện.

Israel đẩy mạnh sản xuất năng lượng mặt trời

Hội đồng Quy hoạch và Xây dựng Israel đã phê duyệt đề xuất của Bộ Năng lượng và Hạ tầng dành thêm 3.500 héc-ta đất để xây dựng các cơ sở sản xuất điện mặt trời, đồng thời bổ sung 1.500 héc-ta dành cho xây dựng các cơ sở điện mặt trời quy mô lớn, 1.000 héc-ta cho các cơ sở quy mô vừa.

Theo Bộ Năng lượng, quyết định trên sẽ đóng vai trò quan trọng giúp Israel đạt mục tiêu đến năm 2030 nguồn năng lượng tái tạo sẽ chiếm 30% tổng sản lượng điện. Với các quy định và rào cản hiện nay, từ năm 2025 trở đi nước này sẽ không thể xúc tiến các kế hoạch xây thêm các nhà máy điện mặt trời quy mô vừa và lớn. Trong khi đó, theo tính toán để đạt được mục tiêu chuyển đổi đến năm 2030, sản lượng điện mặt trời tại Israel sẽ phải đạt mức khoảng 17.000 megawatt.

Song song với việc thiết lập thêm các cơ sở trên mặt đất, Bộ Năng lượng sẽ tiếp tục thúc đẩy lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời trên các tòa nhà đô thị, đồng thời khai thác các địa điểm lưỡng dụng mới, như nghĩa trang, hàng rào, đường dành cho xe đạp...

Lô hàng dầu thô giảm giá đầu tiên của Nga đến Pakistan

Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif ngày 11/6 thông báo trên tài khoản Twitter cá nhân: “Vui mừng thông báo rằng chuyến hàng dầu thô giảm giá đầu tiên của Nga đã đến Karachi và sẽ bắt đầu xả dầu vào ngày 12/6. Đây là lô dầu (giảm giá) đầu tiên của Nga đến Pakistan và là sự khởi đầu của mối quan hệ mới giữa hai nước”.

Thỏa thuận dầu thô giảm giá này được cho là có ý nghĩa lớn đối với Pakistan, quốc gia đang đối mặt với cuộc khủng hoảng thanh toán và có nguy cơ vỡ nợ, trong đó nhập khẩu năng lượng chiếm phần lớn các khoản thanh toán bên ngoài của Pakistan. Nhập khẩu dầu thô của quốc gia này dự kiến đạt 100.000 thùng/ngày sau chuyến hàng đầu tiên nói trên.

Hiện chưa có xác nhận về phương thức thanh toán, nhưng Pakistan gần đây đã công bố kế hoạch cho phép trao đổi hàng hóa với Nga, Afghanistan và Iran. Theo các nhà phân tích, điều này có thể làm giảm nhu cầu về USD và nguy cơ buôn lậu các sản phẩm năng lượng xuyên biên giới.

OPEC+ phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa do thị trường bất ổn

Ngày 11/6, phát biểu tại Hội nghị Doanh nghiệp Ả Rập - Trung Quốc được tổ chức tại Riyadh, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê-út, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, nhấn mạnh Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, còn gọi là OPEC+, đang nỗ lực chống lại "những bất trắc" trên thị trường dầu mỏ, vốn đang hoạt động trái với các nguyên tắc cơ bản và buộc các nhà sản xuất dầu phải có biện pháp phòng ngừa.

Ông Abdulaziz nói thêm những bất ổn trên thị trường buộc OPEC+ phải tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Trước đó, tại cuộc họp cấp bộ trưởng ở Vienna (Áo) ngày 4/6, các thành viên OPEC+ thông báo sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng tự nguyện đến cuối năm 2024, giữa lúc những lo ngại về đà suy giảm tăng trưởng kinh tế đang ảnh hưởng tới triển vọng nhu cầu dầu thô.

Ả Rập Xê-út, quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, cho hay nước này sẽ thực hiện cắt giảm sản lượng tự nguyện thêm một triệu thùng/ngày vào tháng 7/2023, và động thái này có thể được gia hạn nếu cần thiết.

Theo https://petrotimes.vn/

Ý kiến của bạn