Dự báo tiêu thụ điện trong tháng 11 tăng hơn 7%; Khí đốt của Nga vẫn đang được cung cấp cho EU; Saudi Arabia đầu tư mạnh vào Nigeria… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 13/11/2023.
Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn
Dự báo tiêu thụ điện trong tháng 11 tăng hơn 7%
Thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, dự kiến trong tháng 11, sản lượng tiêu thụ điện bình quân ngày của hệ thống ở mức 763,5 triệu kWh/ngày, tăng 7,09% so với cùng kỳ năm 2022. EVN tiếp tục huy động các nhà máy nhiệt điện, các nhà máy thủy điện khai thác theo tình hình thủy văn thực tế để cung ứng đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng.
Theo thống kê của EVN, trong tháng 10/2023, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 24,28 tỉ kWh, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, sản lượng cao nhất đạt 857,9 triệu kWh, công suất cao nhất đạt 41.183MW.
Trong 10 tháng đầu năm 2023, EVN và các đơn vị đã khởi công 62 công trình và hoàn thành đóng điện, đưa vào vận hành 71 công trình lưới điện từ 110kV đến 500kV. Để chuẩn bị cho việc cung cấp điện năm 2024, EVN và các đơn vị thành viên đã tiến hành kiểm tra, rà soát toàn diện các tổ máy; thực hiện duy tu, bảo dưỡng định kỳ theo đúng kế hoạch; kịp thời sửa chữa, thay thế các thiết bị…
Khí đốt của Nga vẫn đang được cung cấp cho EU
Giám đốc điều hành của Gazprom Aleksey Miller mới đây tiết lộ rằng, trái ngược với tuyên bố của một số quốc gia châu Âu, khí đốt của Nga vẫn đang được cung cấp cho Liên minh châu Âu (EU). Thông tin kể trên được đưa ra trong một cuộc phỏng vấn, nơi ông Miller làm rõ rằng khí đốt đến châu Âu thông qua tuyến đường Ukraine và được phân phối sau khi đến trung tâm Baumgarten của Áo.
Ông Miller nói rằng, việc tiếp tục cung cấp khí đốt của Nga sang châu Âu được tạo điều kiện thuận lợi thông qua cơ sở hạ tầng tại trạm nén Soudja của Nga, sau đó đi qua Ukraine. Tuyến đường này vẫn hoạt động bất chấp những tuyên bố trước đó cho rằng Nga đã ngừng cung cấp khí đốt.
Ngoài ra, ông Miller còn tiết lộ rằng một số quốc gia EU được giấu tên vẫn tiếp tục nhận nguồn cung khí đốt của Nga do các thỏa thuận ràng buộc, đặc biệt phổ biến ở miền Nam và Đông Nam châu Âu. Ông cũng cho rằng, việc truy tìm điểm đến thực sự của khối lượng khí đốt này rất phức tạp do thiếu "màu sắc quốc gia". Khí đốt của Nga hiện vẫn đang được cung cấp đặc biệt cho các nước ở Nam và Đông Nam châu Âu.
Saudi Arabia đầu tư mạnh vào Nigeria
Ngày 10/11, Nigeria và Saudi Arabia đã đồng ý một loạt thỏa thuận hợp tác và đầu tư. Đặc biệt, Saudi Arabia đã cam kết đầu tư cải tạo các nhà máy lọc dầu của Nigeria đồng thời cung cấp hỗ trợ tài chính để duy trì việc cải cách giao thương với nước ngoài của chính phủ nước này. Các thỏa thuận đã thông qua tại cuộc gặp song phương giữa Tổng thống Nigeria Bola Tinubu và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman bên lề Hội nghị thượng đỉnh Saudi Arabia - châu Phi ở thủ đô Riyadh.
Bộ trưởng Thông tin Nigeria, Mohammed Idris cho biết Chính phủ Saudi Arabia cam kết sẽ gửi "một khoản tiền gửi ngoại hối đáng kể để tăng tính thanh khoản ngoại hối của Nigeria". Ngoài ra, ông Idris cho biết thêm Chính phủ Saudi Arabia, thông qua tập đoàn dầu khí Saudi Aramco, sẽ đầu tư vào việc cải tạo 4 nhà máy lọc dầu nhà nước đã xuống cấp của Nigeria, dự kiến sẽ hoàn thành trong vòng 2-3 năm.
Trước đó, ngày 9/11, hai nước đã ký một bản ghi nhớ về hợp tác trong ngành dầu khí, làm mối quan hệ kinh tế của họ thêm bền chặt. Hôm 9/11, người phát ngôn Ajuri Ngelale của Tổng thống Nigeria cho biết Tổng thống Tinubu phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Saudi Arabia - châu Phi ở Riyadh cũng đã hứa với các nhà đầu tư “một mức lợi tức cao nhất thế giới”.
Các hãng kinh doanh dầu lớn quay trở lại giao dịch dầu của Venezuela
Vài tuần sau khi Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với ngành dầu khí Venezuela, một số hãng kinh doanh dầu độc lập lớn nhất đã cung cấp các lô hàng dầu thô của Venezuela, kể cả cho người mua ở Mỹ. Các gã khổng lồ hàng hóa cũng đã đạt được thỏa thuận mua dầu thô từ các trung gian được công ty dầu mỏ nhà nước PDVSA của Venezuela chấp thuận.
Việc nới lỏng lệnh trừng phạt đã cho phép các hãng kinh doanh dầu lớn nhất thế giới quay trở lại Venezuela, trong khi nước này cũng được cho là đang đàm phán với các nhà cung cấp dịch vụ mỏ dầu quốc tế để giúp thúc đẩy khai thác.
Nguồn cung tăng từ Venezuela dự kiến sẽ làm thay đổi cân bằng thị trường dầu mỏ toàn cầu vì nhiều dầu thô hơn sẽ được chảy từ quốc gia Mỹ Latinh này, ít nhất là cho đến tháng 4 năm sau.
Theo https://petrotimes.vn/