Tin tức

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 13/12/2023

15/12/2023, 13:24
Chia sẻ:

Bộ Công Thương đề xuất chọn Quỳnh Lập - Nghệ An làm điểm đầu tư điện khí LNG; Lần đầu tiên các nước thông qua thỏa thuận về loại bỏ nhiên liệu hóa thạch; EIA hạ dự báo giá dầu Brent năm 2024 bất chấp việc cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 13/12/2023.

Bộ Công Thương đề xuất chọn Quỳnh Lập - Nghệ An làm điểm đầu tư điện khí LNG

Bộ Công Thương vừa có báo cáo thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tại báo cáo này, Bộ Công Thương đề xuất phát triển LNG tại Quỳnh Lập - Nghệ An vì có thuận lợi về mặt bằng.

Bộ Công Thương cho hay tư vấn lập Kế hoạch điện VIII đã xem xét, nghiên cứu địa điểm để phát triển Dự án LNG Quỳnh Lập/Nghi Sơn tại khu vực huyện Quỳnh Lập, tỉnh Nghệ An và thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Kết quả nghiên cứu cho thấy 2 khu vực địa điểm có các điều kiện kinh tế, kỹ thuật khá tương đồng và đều đáp ứng để phát triển một nhà máy điện LNG 1.500MW. Tuy nhiên, địa điểm Quỳnh Lập có điều kiện thuận lợi hơn do tận dụng được mặt bằng có sẵn, được quy hoạch phát triển nhà máy nhiệt điện than Quỳnh Lập. Vì vậy, Bộ Công Thương đề nghị đưa địa điểm Quỳnh Lập để phát triển dự án.

Lần đầu tiên các nước thông qua thỏa thuận về loại bỏ nhiên liệu hóa thạch

Các nước tham dự Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28) vừa thông qua một thỏa thuận về khí hậu, trong đó lần đầu tiên từ trước đến nay kêu gọi thế giới tiến tới từ bỏ nhiên liệu hóa thạch. Đây được xem là bước ngoặt đối với thế giới trong việc cắt giảm khí thải nhà kính gây biến đổi khí hậu.

Sau 2 tuần đàm phán khó khăn, dự thảo thỏa thuận này đã nhận được sự đồng thuận của gần 200 quốc gia tham dự COP28. Việc hội nghị đạt được thỏa thuận quan trọng này được cho là sẽ gửi thông điệp mạnh mẽ đến các nhà đầu tư, hoạch định chính sách rằng thế giới đã đoàn kết trong việc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch - điều mà các nhà khoa học cho rằng là cơ may tốt nhất cuối cùng để ngăn chặn các thảm họa khí hậu.

Thỏa thuận trên đặc biệt kêu gọi chuyển đổi việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng một cách công bằng, có trật tự và hợp lý, qua đó tiến tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Văn bản này cũng kêu gọi tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo trên toàn cầu vào năm 2030, đẩy nhanh nỗ lực giảm sử dụng than và tăng tốc các công nghệ như thu giữ và lưu trữ carbon để có thể làm sạch các ngành công nghiệp khó khử carbon.

EIA hạ dự báo giá dầu Brent năm 2024 bất chấp việc cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ngày 12/12 đã hạ dự báo giá dầu thô Brent chuẩn quốc tế năm 2024, bất chấp thỏa thuận sản lượng dầu được công bố gần đây từ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+).

Trong một báo cáo hằng tháng, EIA dự báo dầu Brent sẽ đạt trung bình 83 USD/thùng vào năm 2024, giảm 10 USD/thùng so với ước tính được công bố vào tháng trước là 93 USD/thùng. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2024, việc cắt giảm từ OPEC+, sẽ giúp tăng giá dầu thô Brent giao ngay lên trung bình 83 USD/thùng từ mức 78 USD/thùng trong tháng này.

Thỏa thuận OPEC+ ký kết ngày 30/11, trong đó có cả Ả Rập Xê-út và Nga, cho thấy mức cắt giảm 1,3 triệu thùng mỗi ngày (bpd) hiện tại và gần 1 triệu bpd trong mức cắt giảm tự nguyện mới của những nước khác.

Nga bình luận về động thái mới nhất của Liên minh châu Âu

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 12/12 cho biết, bất kỳ kế hoạch nào của Liên minh châu Âu (EU) nhằm trao cho các quốc gia thành viên quyền ngừng nhập khẩu khí đốt từ Nga sẽ không thành công và sẽ không gây thiệt hại cho nền kinh tế Nga.

Bà Zakharovanói nói trong một cuộc họp báo rằng bất kỳ động thái nào như vậy của EU sẽ chỉ dẫn đến việc chuyển hướng nhanh chóng nguồn cung cấp khí đốt của Nga sang các thị trường mới nổi. “Đây là một biện pháp phân biệt đối xử nữa đối với đất nước chúng tôi và biện pháp này sẽ chỉ dẫn đến sự tàn phá nền kinh tế của chính EU”, bà Zakharovanói nhấn mạnh.

Trước đó, tờ Financial Times đưa tin EU đã sẵn sàng trao cho 27 quốc gia thành viên của mình quyền ngừng nhập khẩu khí đốt từ Nga và Belarus. Ủy ban châu Âu từ chối bình luận về báo cáo này.

Giá trị M&A dầu khí của Mỹ tại lưu vực Permian đã đạt mức kỷ lục hơn 100 tỷ USD

Giá trị M&A dầu khí của Mỹ tại lưu vực Permian đã đạt mức kỷ lục hơn 100 tỷ USD trong năm nay sau một số thương vụ trị giá hàng tỷ USD, công ty tư vấn Wood Mackenzie cho biết trong một thông cáo báo chí ngày 12/12.

Chúng bao gồm các thương vụ như đề xuất của Exxon Mobil mua Pioneer Natural Resources PXD.N với giá 60 tỷ USD và thương vụ của Chevron với Hess, trị giá 53 tỷ USD.

Các thỏa thuận khác bao gồm lời đề nghị trị giá 4,5 tỷ USD của Permian Resources cho Earthstone Energy và 4,3 tỷ USD của Ovintiv cho ba thương vụ mua lại ở Lưu vực Permian. Civitas Resources cũng đã chi tổng cộng 4,7 tỷ USD vào hai tài sản thuộc sở hữu tư nhân ở Lưu vực Permian là Tap Rock Resources và Hibernia Energy III.

Theo https://petrotimes.vn/

Ý kiến của bạn