EIA dự báo dầu sẽ dư thừa trong năm nay; Điện gió và điện mặt trời tăng trưởng kỷ lục; Hà Lan quyết đoạn tuyệt với tất cả nhiên liệu hóa thạch từ Nga… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng ngày 13/4/2023.
EIA ngày 12/4 cho biết, vẫn kỳ vọng sản lượng dầu toàn cầu sẽ tăng 1,5 triệu thùng mỗi ngày trong năm nay. Ảnh minh họa: Hartenergy
EIA dự báo dầu sẽ dư thừa trong năm nay
Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) ngày 12/4 cho biết, vẫn kỳ vọng sản lượng dầu toàn cầu sẽ tăng 1,5 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2023, do sự tăng trưởng mạnh mẽ từ các quốc gia ngoài Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh, bao gồm Nga (OPEC+), phần lớn sẽ được thúc đẩy bởi Bắc và Nam Mỹ.
EIA dự báo, năm nay sản lượng dầu toàn sẽ ở mức trung bình 101,3 triệu thùng/ngày, trong khi mức tiêu thụ dầu toàn cầu ước tính là 100,87 triệu thùng/ngày. Theo EIA, lượng dư thừa trên thị trường sẽ bắt đầu giảm trong quý này, nhưng sẽ kéo dài đến hết quý III. Điều đó trái ngược với một số dự đoán khác, trong đó có chuyên gia của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho rằng, việc cắt giảm của OPEC+ sẽ khiến cầu vượt cung.
Theo EIA, nếu các đợt cắt giảm hiện tại của OPEC+ hết hạn vào cuối năm 2023, thì sản lượng dầu toàn cầu sẽ ở mức trung bình 103,25 triệu thùng/ngày vào năm 2024, trong khi mức tiêu thụ dự kiến là 102,72 triệu thùng/ngày, tức nguồn cung vẫn vượt xa nhu cầu vào năm tới.
Dự trữ dầu toàn cầu tăng 400.000 thùng/ngày vào năm 2022 và 1,1 triệu thùng/ngày trong quý đầu tiên của năm 2023, hầu như sẽ không thay đổi trong nửa cuối năm 2023. EIA dự đoán, tồn kho sẽ tăng trung bình khoảng 500.000 thùng/ngày bắt đầu từ năm 2024 nếu việc cắt giảm của OPEC+ hết hạn vào đầu năm sau.
Điện gió và điện mặt trời tăng trưởng kỷ lục
Một phân tích công bố hôm 12/4 bởi tổ chức tư vấn khí hậu độc lập Ember (trụ sở chính tại Anh, thành viên Mạng lưới môi trường của The Guardian) cho thấy trong năm 2022 có tới 12% năng lượng của thế giới đến từ năng lượng mặt trời và gió. Trong đó, năng lượng mặt trời là nguồn điện phát triển nhanh nhất trong năm thứ 18 liên tiếp, với mức tăng trưởng đạt tới 24% trong năm qua, so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng của điện gió đạt 17% vào năm 2022.
Phân tích dựa trên dữ liệu từ 78 quốc gia chiếm 93% nhu cầu điện toàn cầu, cho thấy có hơn 60 quốc gia đang cùng nhau tạo ra 10% tổng lượng điện gió và mặt trời. Năng lượng tái tạo và các nguồn điện hạt nhân chiếm 39% sản lượng điện toàn cầu năm 2022 và cũng là một mức kỷ lục mới.
Tuy nhiên sự phát triển này vẫn chưa đủ nhanh vì nhu cầu điện tăng cao theo từng năm, than đá và các nhiên liệu hóa thạch khác lấp khoảng trống còn lại khiến khí thải cũng lập kỷ lục mới. Nhà phân tích điện cấp cao Malgorzata Wiatros-Motyka của Ember, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: "Điện sạch sẽ định hình lại nền kinh tế toàn cầu, từ vận tải đến công nghiệp và hơn thế nữa".
Hà Lan quyết đoạn tuyệt với tất cả nhiên liệu hóa thạch từ Nga
Hà Lan đang xúc tiến để chấm dứt hoàn toàn nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nga, Bloomberg đưa tin hôm 12/4, trích dẫn một cuộc phỏng vấn với Bộ trưởng Năng lượng Hà Lan Rob Jetten.
Theo ông Jetten, quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) này đã ngừng ký hợp đồng mới về nhập khẩu LNG của Nga trong năm nay và đang tìm cách giảm bớt các hợp đồng đã có từ trước.
“Chúng tôi phải làm những gì có thể làm để đảm bảo không còn năng lượng hóa thạch Nga trong hệ thống của chúng tôi, và chúng tôi đã thành công với than đá, khí đốt và dầu mỏ”, Bộ trưởng Năng lượng Hà Lan nói, bổ sung thêm rằng chính phủ đang tích cực thảo luận với các công ty sử dụng các cơ sở này để loại bỏ dần các giao dịch LNG đã có từ trước, áp dụng cho cả hợp đồng giao ngay và hợp đồng dài hạn.
Thổ Nhĩ Kỳ đang giúp Bulgaria cách ly khí đốt của Nga
Thổ Nhĩ Kỳ đã vận chuyển chuyến hàng khí đốt tự nhiên đầu tiên đến nước láng giềng Bulgaria như một phần của thỏa thuận nhằm đa dạng hóa nguồn cung khỏi Nga. Đồng thời, đây cũng là tín hiệu tăng cường uy tín của quốc gia này với tư cách là trung tâm cung cấp nhiên liệu.
Theo cơ quan Anadolu của nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ, có khoảng 55 triệu mét khối khí đốt tự nhiên đã được gửi bằng đường ống qua Bulgaria, có nguồn gốc từ một lô hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng của nhà xuất khẩu Cheniere Energy (Mỹ).
Kể từ khi chiến sự Nga-Ukraine nổ ra, Bulgaria đã cố gắng đa dạng hóa nguồn cung khí đốt khỏi Nga, tuy nhiên vẫn bị hạn chế bởi các liên kết hạn chế với thị trường quốc tế. Vào tháng 1, Thổ Nhĩ Kỳ đã cho phép nước này tiếp cận các kho cảng LNG của mình, mở ra các tuyến đường cung cấp thay thế cho nước láng giềng. Công suất tối đa của thỏa thuận này là 1,5 tỷ mét khối - khoảng một nửa lượng tiêu thụ hàng năm của Bulgaria - có thể tăng lên nếu nhu cầu của quốc gia này tăng lên.
Ukraine cáo buộc Hungary hỗ trợ Nga bằng các thỏa thuận năng lượng
Quan chức cấp cao của Kyiv hôm 12/4 cảnh báo thỏa thuận thúc đẩy liên kết năng lượng của Hungary với Nga sẽ chỉ kéo dài chiến sự ở Ukraine, đồng thời kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) ngăn chặn hành động này.
“Mua thêm khí đốt từ Nga đồng nghĩa với việc đang trao cho họ nhiều điều kiện hơn để leo thang chiến tranh”, Oleg Ustenko, cố vấn kinh tế của Tổng thống Volodymyr Zelensky, nói. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto hôm 11/4 đã ký một loạt thỏa thuận năng lượng tại Moscow cho phép tăng nhập khẩu khí đốt sang Hungary.
Budapest hiện nhận được 4,5 tỉ mét khối khí đốt mỗi năm theo hợp đồng dài hạn hiện có với Gazprom. Thỏa thuận mới sẽ cho phép tập đoàn khí đốt của Nga giao cho Hungary khối lượng khí đốt lớn.
Theo https://petrotimes.vn/