Khẩn trương nghiên cứu thay đổi nhiên liệu sản xuất điện; Nhiều thành phố Trung Quốc kêu gọi tiết kiệm điện; Pakistan dùng nhân dân tệ mua dầu giảm giá của Nga… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 13/6/2023.
Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn
Khẩn trương nghiên cứu thay đổi nhiên liệu sản xuất điện
Bộ Công Thương đã tổ chức họp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, 3 Tổng công ty phát điện 1, 2, 3 cùng các chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện đốt than về triển khai thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP 26 cũng như lộ trình chuyển đổi năng lượng được nêu trong Quy hoạch Điện VIII.
Thông tin cuộc họp cho thấy, thực hiện chuyển đổi nhiên liệu từ đốt than sang amoniac và nhiên liệu sinh khối (hydrogen xanh) còn nhiều khó khăn, vướng mắc về công nghệ còn chưa hoàn thiện, khả năng cung cấp nhiên liệu còn hạn chế, giá biomass trên thị trường cao hơn giá than, chưa có cơ chế chính sách…
Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị nghiên cứu hợp tác và chủ động tìm kiếm các nguồn lực thay thế, các nguồn nhiên liệu thay thế như sinh khối, amoniac. Đồng thời giao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chủ trì với các đơn vị có liên quan tiếp tục nghiên cứu các cơ chế chính sách dựa vào những cam kết của các tổ chức quốc tế để đưa ra một số cơ chế chính sách ban đầu.
Trước đó, ngày 15/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII) tại Quyết định số 500/QĐ-TTg. Trong đó quy định về việc định hướng chuyển đổi nhiên liệu sang sử dụng nhiên liệu sinh khối và amoniac với các nhà máy nhiệt điện than đã vận hành 20 năm khi giá thành phù hợp và dừng các nhà máy có tuổi thọ hơn 40 năm nếu không thể chuyển đổi nhiên liệu.
Công suất thủy điện khu vực Bắc Bộ vẫn thấp
Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0), trong ngày 12/6, tổng sản lượng huy động từ thủy điện là khoảng 138,3 triệu kWh, tăng gần 29% so với con số ngày 11/6 là khoảng 107,3 triệu kWh nhờ mưa lớn. Phụ tải toàn hệ thống điện ngày 12/6 đạt 817 triệu kWh. Trong đó miền Bắc ước khoảng 401,9 triệu kWh, miền Trung khoảng 76,3 triệu kWh, miền Nam khoảng 338,2 triệu kWh.
Báo cáo của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp cũng cho biết, lưu lượng nước về các hồ trên cả nước ngày 12/6 tăng nhẹ so với hôm trước. Các hồ ở khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ có mức nước thấp, xấp xỉ mực nước chết. Tổng lưu lượng nước về các hồ thủy điện lớn miền Bắc tăng 28% so với ngày 11/6.
Tuy nhiên, lượng nước đổ về các hồ thủy điện khu vực Bắc Bộ không nhiều. Theo đại diện Nhà máy thủy điện Hòa Bình, lưu lượng nước đạt 103m, trong khi quy định mực nước tối thiểu là 81,9m nên công suất phát điện vẫn còn thấp. Trong khi đó, Nhà máy thủy điện Sơn La có lưu lượng về hồ đạt 320 m3/s, mực nước trên hồ thủy điện đạt 176,76m, nhưng lượng nước vẫn sát mực nước chết 176/175m nên vẫn dừng phát điện.
Nhiều thành phố Trung Quốc kêu gọi tiết kiệm điện
Theo hãng tin Global Times, các khu vực tây bắc, tây nam và miền trung Trung Quốc đang phải hứng chịu nhiệt độ cao kéo dài, trong khi khu vực phía nam và đông của quốc gia này vừa phải hứng chịu nhiệt độ cao, vừa phải trải qua những đợt mưa lớn, gây lo ngại thiếu điện.
Với nhiệt độ cao bắt đầu từ khá sớm, thời kỳ cao điểm tiêu thụ điện của Trung Quốc rất có thể sẽ kéo dài hơn trong năm 2023. Cụ thể, theo Hội đồng Điện lực Trung Quốc, phụ tải điện quốc gia cao nhất được dự đoán vào năm 2023 sẽ là 1,37 tỷ KW, tăng khoảng 80 triệu KW so với năm 2022. Tuy nhiên, nếu thời tiết cực đoan kéo dài trên diện rộng, phụ tải điện quốc gia cao nhất năm 2023 có thể tăng thêm khoảng 100 triệu KW so với năm 2022.
Lo ngại thiếu điện, chính quyền nhiều địa phương khuyến nghị tiết kiệm điện. Thành phố Mậu Danh ở phía nam tỉnh Quảng Đông, thành phố công nghiệp Giang Môn tại Quảng Đông hay tỉnh Hải Nam đều đã đưa ra một kế hoạch kêu gọi sử dụng ít năng lượng hơn trong thời gian cao điểm khi mức sử dụng nguồn cung tăng lên trong những tuần tới.
Pakistan dùng nhân dân tệ mua dầu giảm giá của Nga
Lô hàng dầu thô giảm giá đầu tiên của Nga đã đến cảng Karachi của Pakistan hôm 11/6. Bộ trưởng Dầu mỏ Pakistan Musadik Malik cho biết lô hàng này được thanh toán bằng đồng nhân dân tệ. Động thái này được xem là một sự thay đổi đáng kể trong chính sách thanh toán của Pakistan vốn do đồng USD chi phối.
Lô hàng dầu thô giảm giá đầu tiên của Nga chuyển đến cảng Karachi theo thỏa thuận mới được ký kết giữa Nga và Pakistan hồi đầu năm nay. Theo Bộ trưởng Malik, đây là thỏa thuận liên chính phủ đầu tiên giữa Pakistan và Nga, bao gồm 100.000 tấn dầu thô, trong đó 45.000 tấn đã cập cảng Karachi và số còn lại đang trên đường vận chuyển. Theo các báo cáo trước đó, Pakistan đồng ý với mức giá khoảng 50-52 USD/thùng thô của Nga.
Tỷ lệ hàng Nga xuất khẩu được thanh toán bằng nhân dân tệ tăng cao sau khi chiến sự Ukraine nổ ra. Các hãng xuất khẩu Nga hiện đang đẩy mạnh việc nhận thanh toán bằng nhân dân tệ, khoản vay của doanh nghiệp và tiền tiết kiệm của người dân cũng thực hiện bằng đồng tiền này.
Đức khẳng định việc xây dựng các trạm LNG mới trên bờ biển Baltic là cần thiết
Tại Hội nghị Kinh tế Ostdeutsches Wirtschaftsforum (OWF) diễn ra tại Bad Saarow, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết nước này sẽ phải thu hẹp quy mô hoặc thậm chí ngừng sản xuất công nghiệp nếu việc vận chuyển khí đốt tự nhiên của Nga qua Ukraine dừng lại vào năm tới.
“Không có kịch bản chắc chắn vạch rõ mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào”, ông Habeck nói. Bộ trưởng Kinh tế Đức cho rằng các nhà hoạch định chính sách ở Berlin cần tránh “lặp lại sai lầm tương tự khi cho rằng tình trạng thiếu năng lượng sẽ không ảnh hưởng đến nền kinh tế”.
Ông Habeck lý giải nếu Áo, Slovakia, Italy và Hungary cũng bị Nga cắt nguồn cung, Liên minh châu Âu (EU) sẽ yêu cầu Đức hỗ trợ theo các quy tắc chia sẻ khí đốt của khối, và điều này sẽ gây ra vấn đề cho người dùng công nghiệp. Ông nói rằng việc xây dựng các trạm khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới trên bờ biển Baltic là điều cần thiết để Berlin có thể nhập khẩu khí đốt từ Mỹ và Trung Đông. Tuy nhiên, cư dân địa phương và các nhóm hoạt động môi trường đã tìm cách ngăn chặn việc xây dựng.
Theo https://petrotimes.vn/