Tin tức

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 14/6/2023

15/06/2023, 10:30
Chia sẻ:

10 nhà máy điện tái tạo phát điện thương mại lên lưới quốc gia; Nga nối lại xuất khẩu dầu sang Triều Tiên; Nhật Bản tăng giá điện cao nhất lên tới 42%… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 14/6/2023.

5-quan-niem-sai-lam-ve-nang-luong-gio                                                                                     Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn
 

10 nhà máy điện tái tạo phát điện thương mại lên lưới quốc gia

Theo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến hết ngày 13/6 có 11 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã gửi hồ sơ công nhận ngày vận hành thương mại (COD). Trong đó, có 10 dự án, phần dự án với tổng công suất 536,52MW đã hoàn thành thủ tục COD, chính thức được phát điện thương mại lên lưới.

Tuy nhiên, theo EVN, sản lượng điện mà các dự án năng lượng tái tạo đã cung ứng cho lưới điện quốc gia là khá ít. Chẳng hạn, trong ngày 11/6, sản lượng điện tiêu thụ trong ngày của toàn hệ thống là 751 triệu kWh thì sản lượng điện phát của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã COD chỉ có hơn 3,2 triệu kWh.

Như vậy, sản lượng điện phát của các dự án chuyển tiếp đã COD chỉ chiếm 0,43% sản lượng điện toàn hệ thống. Tính chung, sản lượng điện phát lũy kế của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp tính từ thời điểm COD đến ngày 12/6 đạt khoảng 29.270mWh.

10 dự án, phần dự án nói trên gồm các nhà máy: Điện mặt trời Phú Mỹ 1, Phú Mỹ 3; Điện mặt trời Thiên Tân 1.2, Thiên Tân 1.3; Điện mặt trời tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận; Điện gió Tân Phú Đông 1; Điện gió Hướng Hiệp 1; Điện gió Nhơn Hội - Giai đoạn 2; Điện gió Hướng Linh 7; Điện gió Hiệp Thạnh.

Nga nối lại xuất khẩu dầu sang Triều Tiên

Ủy ban Trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) ngày 13/6 cho biết, lần đầu tiên sau hơn 2 năm Nga đã nối lại việc xuất khẩu dầu tinh chế sang Triều Tiên. Nga đã xuất khẩu một lượng nhỏ xăng, các sản phẩm dầu mỏ và than đá sang Triều Tiên vào tháng 12 năm ngoái.

Hội đồng chuyên gia về Triều Tiên thuộc Ủy ban Trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ cho hay, Moscow đã cung cấp tổng cộng 67.300 thùng dầu tinh chế cho Triều Tiên trong khoảng thời gian từ tháng 12/2022 tới tháng 4/2023. Nga cung cấp cho Triều Tiên tổng số sản phẩm dầu mỏ như sau: 3.225 thùng vào tháng 12/2022, 44.655 thùng vào tháng 1/2023 và 10.666 thùng vào tháng 2. Trong tháng 3 và tháng 4, Moscow xuất khẩu lần lượt 5.140 thùng và 3.612 thùng.

LHQ yêu cầu các nước thành viên báo cáo về việc cung cấp, bán, chuyển tất cả các sản phẩm dầu tinh chế cho Triều Tiên như một phần của Nghị quyết 2397, được thông qua vào năm 2017. Hội đồng Bảo an LHQ cũng áp đặt giới hạn với Triều Tiên, chỉ cho phép nước này nhập khẩu 500.000 thùng dầu mỏ tinh chế một năm. Giới hạn này được đưa ra sau khi Bình Nhưỡng tiến hành các vụ thử tên lửa tầm xa và hạt nhân.

Nhật Bản tăng giá điện cao nhất lên tới 42%

Chính phủ Nhật Bản đã cho phép 7 công ty điện lực lớn nhất cả nước tăng giá điện sinh hoạt kể từ tháng 6 từ 14-42% tùy từng khu vực. Công ty Điện lực Tokyo Holdings (TEPCO), chịu trách nhiệm cung cấp điện cho thủ đô, được chấp thuận tăng giá ít nhất so với các công ty điện lực khác.

Thực tế, các công ty điện lực ở Nhật Bản - quốc gia khan hiếm tài nguyên đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu khi chi phí nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch phi mã trong năm ngoái. Tuy nhiên, việc tăng giá điện sẽ kéo theo giá cả của các mặt hàng khác tăng theo, tác động tới lạm phát ở nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.

Ông Takahide Kiuchi, cựu thành viên ban lãnh đạo Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), chuyên gia kinh tế tại Viện Nghiên cứu Nomura, cho rằng việc tăng giá điện có thể làm tăng lạm phát lên 0,42%. Lạm phát ở Nhật trong tháng 4 là 3,1%.

Mỹ muốn mua thêm ít nhất 12 triệu thùng dầu cho dự trữ chiến lược

Một nguồn tin ngày 13/6 cho hay chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hy vọng sẽ mua được ít nhất 12 triệu thùng dầu để bổ sung vào Kho Dự trữ Dầu Chiến lược (SPR) trong năm nay, bao gồm 6 triệu thùng đã thông báo trước đó.

Chính phủ Mỹ đang từ từ mua lại dầu bổ sung cho SPR sau khi bán hơn 200 triệu thùng vào năm 2022, bao gồm một đợt bán kỷ lục 180 triệu thùng để đối phó với giá dầu tăng cao sau khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine. Đợt bán ra đó đã đẩy mức dự trữ dầu trong SPR của Mỹ xuống mức thấp nhất kể từ năm 1983.

Trước đó, một phát ngôn viên của Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) cho biết Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội mua dầu bổ sung khi điều kiện thị trường và những hạn chế trong hoạt động của SPR cho phép. Hai trong số bốn địa điểm của kho dự trữ gồm Bayou Choctaw ở Louisiana và Bryan Mound ở Texas, dự kiến sẽ được bảo trì cho đến cuối năm nay, làm hạn chế việc mua lại của kho dự trữ.

Nga nối lại nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ

Tập đoàn Năng lượng Gazprom của Nga mới đây cho hay đã nối lại nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ sau khi hoàn thành việc bảo trì hàng năm theo kế hoạch.

Thông báo có đoạn: "Việc bảo trì theo kế hoạch đối với đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ, dự kiến trong khoảng thời gian từ ngày 5/6 đến ngày 12/6, đã được hoàn thành. Việc vận tải khí đốt đã được nối lại vào hôm nay". Trước đó, Gazprom nhấn mạnh rằng việc thực hiện bảo trì theo lịch trình đã được tất cả các bên liên quan đồng ý từ trước.

Vào nửa cuối tháng 5, việc sửa chữa theo lịch trình cũng được thực hiện trên một đường ống dẫn khí Dòng chảy Xanh nối Nga với Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo https://petrotimes.vn/

Ý kiến của bạn