Phụ tải điện ở miền Bắc giảm, ở miền Trung và Nam tăng; IEA nhận định nhu cầu dầu sẽ đạt đỉnh trong vài năm tới; Xuất khẩu nhiên liệu từ Ấn Độ sang EU tăng 572% từ khi nổ ra xung đột tại Ukraine… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 15/6/2023.
Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn
Chuyển Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia về Bộ Công Thương
Bộ Công Thương vừa gửi tờ trình hỏa tốc đến Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) về Bộ Công Thương. Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng ban hành quyết định chuyển nguyên trạng A0 về Bộ; giao Bộ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, báo cáo Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 96/2022 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ.
Bộ Công Thương cũng kiến nghị giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo Chính phủ, bổ sung Nghị định 26/2018 quy định điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); chỉnh sửa, hoàn thiện và trình Thủ tướng phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành điện theo hướng chuyển đổi mô hình hoạt động.
Trước đó, ngày 6/6, Thủ tướng có Công điện số 517 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng điện mùa khô năm 2023 và thời gian tới, trong đó có giao Bộ Công Thương "điều chỉnh việc quản lý, chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia về Bộ Công Thương" trong tháng 6 và nghiên cứu các chính sách phù hợp, hiệu quả.
Phụ tải điện ở miền Bắc giảm, ở miền Trung và Nam tăng
Theo số liệu cập nhật ngày 15/6 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0), ngày 14/6, phụ tải toàn hệ thống điện có giảm hơn so với ngày hôm trước, nhưng vẫn ở mức cao, đạt 815,8 triệu kWh.
Trong đó, miền Bắc ước khoảng 375,4 triệu kWh, miền Trung khoảng 79.3 triệu kWh, miền Nam khoảng 360,4 triệu kWh. Công suất đỉnh hệ thống điện (Pmax) quốc gia đạt đỉnh vào lúc 14 giờ 30 mức 38.415,2 MW. Con số này ở miền Bắc là 16.704,8 MW (lúc 16 giờ), miền Trung là 3.937,3MW (lúc 14 giờ 30), miền Nam là 17.889,1 (lúc 14 giờ 30).
Như vậy, phụ tải ở miền Bắc đã giảm hơn so với ngày trước đó, trong khi phụ tải ở miền Trung và Nam tăng lên do thời tiết nắng nóng.
IEA nhận định nhu cầu dầu sẽ đạt đỉnh trong vài năm tới
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 14/6, nhu cầu dầu mỏ của thế giới vẫn đang tăng lên nhưng tốc độ tăng trưởng hàng năm dự kiến sẽ chậm lại chỉ còn 0,4% vào năm 2028. Nhu cầu dầu toàn cầu dự đoán sẽ đạt đỉnh trong vài năm tới ngay cả khi nhiều công ty năng lượng lớn công bố các kế hoạch chuyển đổi xanh mảng kinh doanh nhiên liệu hóa thạch.
Cụ thể, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt gần 106 triệu thùng/ngày vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng thu hẹp đáng kể từ 2,4 triệu thùng/ngày của hiện tại xuống chỉ còn 400.000 trong thời gian 5 năm tới. Nguyên nhân có thể do bị ảnh hưởng bởi nhiều tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu nghiêm ngặt hơn, sự tăng trưởng của thị trường xe điện và đặc biệt là sự thay đổi về cơ cấu của các nền kinh tế trên thế giới nhằm hướng tới tương lai bền vững hơn.
Trong bối cảnh đó, IEA cập nhật dự đoán hồi tháng 10 trước đó của mình rằng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ ổn định vào giữa những năm 2030. Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol nhận định: “Việc chuyển đổi sang nền kinh tế năng lượng sạch đang tăng tốc, với nhu cầu dầu toàn cầu có thể đạt đỉnh trước cuối thập niên này”.
Xuất khẩu nhiên liệu từ Ấn Độ sang EU tăng 572% từ khi nổ ra xung đột tại Ukraine
Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm tinh chế từ dầu mỏ như xăng máy bay và dầu diesel từ Ấn Độ sang Liên minh châu Âu (EU) đã tăng từ mức 1,1 triệu thùng vào tháng 1/2022 lên tới 7,4 triệu thùng vào tháng 4/2023. Đây là con số được Đại diện Cấp cao phụ trách Chính sách An ninh và Đối ngoại của EU - Josep Borrell công bố mới đây.
Mức tăng 572%, mặc dù ở mức thấp, trong xuất khẩu sản phẩm dầu mỏ trùng hợp với giai đoạn Ấn Độ gia tăng nhập khẩu dầu thô của Nga. Tỷ trọng dầu thô của Nga trong tổng lượng dầu thô nhập khẩu của Ấn Độ đã tăng từ 1,7 triệu thùng lên 63,3 triệu thùng kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra. Theo ông Josep Borrell, tỷ trọng dầu Nga trong tổng lượng dầu nhập khẩu của Ấn Độ chỉ chiếm 0,2% trước khi cuộc chiến nổ ra. Còn trong tháng 5 vừa qua, con số này đã lên tới 36,4%.
Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch, một tổ chức phi chính phủ tại Phần Lan mới đây đã ra một báo cáo cho rằng Ấn Độ là nơi “chuyển đổi” cho dầu thô của Nga trước khi trở lại thị trường Âu Mỹ. Đáp lại nhận định này, Bộ Dầu mỏ Ấn Độ khẳng định: “Là một quốc gia có chủ quyền, Ấn Độ được tự do nhập khẩu hoặc xuất khẩu hàng hóa theo các điều khoản của luật pháp quốc tế".
Theo https://petrotimes.vn/