G7 nhất trí tăng cường năng lượng tái tạo; Xuất khẩu dầu thô của Nga tăng trở lại; Italy khẳng định nước này vượt qua việc phụ thuộc vào khí đốt Nga… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 16/4/2023.
Figure 1G7 nhất trí tăng cường phát triển năng lượng tái tạo và đẩy nhanh việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch vào năm 2050. Ảnh minh họa: Thehill
G7 nhất trí tăng cường năng lượng tái tạo
Ngày 16/4, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tuyên bố nhất trí một số phương hướng lớn về phát triển năng lượng. Thông cáo được đưa ra sau hai ngày Hội nghị cấp Bộ trưởng của G7 tại thành phố Sapporo, miền Bắc Nhật Bản.
Trong thông cáo ngày 16/4, G7 nêu rõ đã nhất trí tăng cường phát triển năng lượng tái tạo và đẩy nhanh việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch vào năm 2050.
Theo đó, Bộ trưởng các nước G7 cũng công nhận sự cần thiết phải giảm tiêu thụ khí đốt, song cho rằng đầu tư vào lĩnh vực này có thể phù hợp để giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt tiềm tàng của thị trường.
Xuất khẩu dầu thô của Nga tăng trở lại
Hôm 15/4, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm tinh chế của Moscow đã tăng trong tháng 3 lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2020, tăng 600.000 thùng mỗi ngày.
Sự gia tăng này đã nâng doanh thu ước tính của Nga từ xuất khẩu dầu mỏ lên 12,7 tỷ USD vào tháng trước.
Tuy nhiên, báo cáo của IEA nhận định doanh thu từ năng lượng của Nga vẫn giảm 43% so với một năm trước, lý do chính là quốc gia này buộc phải bán các thùng dầu cho một nhóm khách hàng hạn chế - những vị khách này sẽ tìm cách thương lượng để được giảm giá nhiều hơn.
Italy khẳng định nước này vượt qua việc phụ thuộc vào khí đốt Nga
Bộ trưởng An ninh Năng lượng và Môi trường Italy Gilberto Pichetto Fratin cho biết nước này đang “vượt qua được việc phụ thuộc vào khí đốt của Nga”.
Trả lời phỏng vấn tờ Corriere della Sera, người đứng đầu ngành năng lượng Italy nhấn mạnh: “Trước đây, khoảng 40% nhu cầu khí đốt của chúng tôi do phía Nga cung cấp. Hiện nay, mức này chỉ còn chưa tới 10%. Thực tế, chúng tôi đang xử lý được việc phụ thuộc vào khí đốt của Nga nhờ cách tăng cường vào hệ thống TAP và từ châu Phi, với những thỏa thuận mới cùng Algeria và Libya”.
Bên cạnh đó, ông Pichetto Fratin cũng dự báo về giá khí đốt và điện của Italy trong thời gian tới. Cụ thể, các loại giá có thể tăng 5-15% trong quý III và 10-25% trong quý IV năm nay.
Lò phản ứng hạt nhân lớn nhất châu Âu hoạt động trở lại sau 18 năm
Lò phản ứng hạt nhân Olkiluoto 3 của Phần Lan, lò phản ứng hạt nhân lớn nhất châu Âu bị trì hoãn nhiều năm sẽ bắt đầu hoạt động bình thường trở lại vào ngày 16/4, nhà điều hành lò phản ứng này cho biết sẽ tăng cường an ninh năng lượng trong khu vực mà Nga đã cắt nguồn cung cấp khí đốt và điện.
Nhà điều hành OL3 - Teollisuuden Voima, thuộc sở hữu của công ty Phần Lan Fortum và một tập đoàn gồm các công ty năng lượng và công nghiệp, cho biết đơn vị này dự kiến sẽ đáp ứng khoảng 14% nhu cầu điện của Phần Lan, giảm nhu cầu nhập khẩu từ Thụy Điển và Na Uy.
Tin tức về việc khởi động OL3 được đưa ra khi Đức tắt ba lò phản ứng cuối cùng vào ngày 15/4, trong khi Thụy Điển, Pháp, Anh và các nước khác đang lên kế hoạch phát triển mới. Các nhà phân tích cho biết, Phần Lan - quốc gia Bắc Âu duy nhất có mức thâm hụt điện lớn, có thể mong đợi vào chi phí điện thấp hơn từ việc khởi động lại nhà máy.
Điện Ukraine khởi động xuất khẩu sang các quốc gia láng giềng
Theo hãng thông tấn Ukrinform, từ ngày 17/4, Ukraine có thể bắt đầu xuất khẩu điện sang Slovakia tổng cộng 200 megawatt mỗi giờ.
Phiên đấu giá đầu tiên để xuất khẩu điện sang Slovakia đã diễn ra ngày 15/4 với ngày giao hàng dự kiến là ngày 17/4.
Hôm 11/4, Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Herman Halushchenko cho biết, nước này đã nối lại xuất khẩu điện sang các nước châu Âu, một bước ngoặt lớn so với 6 tháng trước khi "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga đã ảnh hưởng đến các nhà máy điện.
Theo https://petrotimes.vn