Quy hoạch điện VIII chính thức được phê duyệt; Mỹ sẽ mua 3 triệu thùng dầu thô cho kho dự trữ xăng dầu chiến lược; Iraq mời thầu quốc tế phát triển các mỏ dầu khí… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 16/5/2023.
Nhà máy lọc dầu của Gazprom tại ngoại ô Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN
Quy hoạch điện VIII chính thức được phê duyệt
Ngày 15/5, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Quy hoạch điện VIII quy hoạch phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải ở cấp điện áp từ 220 kV trở lên, công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, năng lượng mới trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm cả các công trình liên kết lưới điện với các quốc gia láng giềng.
Quy hoạch điện VIII ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, đạt tỷ lệ khoảng 30,9-39,2% vào năm 2030, hướng tới mục tiêu tỷ lệ năng lượng tái tạo 47%. Định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5%. Phát triển các nguồn điện từ năng lượng tái tạo và sản xuất năng lượng mới phục vụ xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2030, quy mô công suất xuất khẩu điện đạt khoảng 5.000-10.000 MW.
Quy hoạch VIII cũng nhấn mạnh, định hướng phát triển mạnh điện gió ngoài khơi kết hợp với các loại hình năng lượng tái tạo khác (điện mặt trời, điện gió trên bờ...) để sản xuất năng lượng mới (hydro, amoniac xanh...) phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Ước tính công suất nguồn điện gió ngoài khơi để sản xuất năng lượng mới vào khoảng 15.000 MW vào năm 2035 và khoảng 240.000 MW vào năm 2050. Ưu tiên phát triển điện mặt trời mái nhà không giới hạn công suất…
EVN phê duyệt giá mua điện tạm thời cho 2/85 nhà máy năng lượng chuyển tiếp
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới thông tin, trong 31 dự án nộp hồ sơ, có 15 dự án hoàn thiện hồ sơ và đang tiến hành thỏa thuận giá điện với EVN; 11 dự án chưa gửi đầy đủ hồ sơ và cần làm rõ một số vấn đề liên quan đến pháp lý của dự án; 5 dự án mới gửi hồ sơ đang được EVN rà soát.
Đã có 16 nhà đầu tư đề xuất về việc áp dụng mức giá tạm trong thời gian đàm phán. Trong đó, đã có 6 nhà máy điện đã họp và thống nhất mức giá điện tạm thời với EVN bao gồm: Nhà máy điện gió Nam Bình 1, Nhà máy điện gió Viên An, Nhà máy điện gió Hưng Hải Gia Lai, Nhà máy điện gió mặt trời Phù Mỹ 1, Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ 3 và Nhà máy điện gió Hanbaram.
Ngày 10/5 vừa qua, EVN đã phê duyệt giá tạm thời cho Nhà máy điện gió Nam Bình 1 và Nhà máy điện gió Viên An.
Mỹ sẽ mua 3 triệu thùng dầu thô cho kho dự trữ xăng dầu chiến lược
Bộ Năng lượng Mỹ vừa cho biết sẽ mua 3 triệu thùng dầu thô cho kho dự trữ xăng dầu chiến lược (SPR) để giao hàng vào tháng 8/2023 và yêu cầu gửi đơn hàng trước ngày 31/5. Theo thông báo, giao dịch mua dầu thô mới sẽ được giao đến địa điểm Big Hill SPR ở Texas vào khoảng tháng 8/2023.
Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm đã báo hiệu cho các nhà lập pháp vào cuối tuần trước rằng Bộ có thể sớm bắt đầu mua lại dầu cho kho dự trữ sau đợt bán kỷ lục vào năm ngoái, khi giá tăng đột biến đã đẩy mức dự trữ dầu xuống thấp nhất kể từ năm 1983.
Chính quyền Mỹ cho biết sẽ bắt đầu mua dầu cho kho dự trữ khi giá dầu luôn ở mức 67-72 USD/thùng hoặc dưới mức này, tức là thấp hơn nhiều so với mức đã được bán, để người nộp thuế có thể nhận được một số lợi ích.
Iraq mời thầu quốc tế phát triển các mỏ dầu khí
Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Hayan Abdul Ghani ngày 15/5 đã mời các công ty năng lượng quốc tế tham gia thăm dò và khai thác 13 mỏ dầu khí cùng các lô dầu khí tại quốc gia này. Thông báo của Bộ Dầu mỏ nêu rõ 13 địa điểm trên thuộc các tỉnh Basra, Maysan, Wasit, Salahudin, Nineveh và thủ đô Baghdad.
Asim Jihad - người phát ngôncủa Bộ Dầu mỏ cho biết các công ty quốc tế quan tâm đến các dự án trên có thể gửi yêu cầu chậm nhất là ngày 15/6 tới.
Từ năm 2009, Iraq đã cho phép đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dầu khí. Theo Bộ trưởng Ghani, trữ lượng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của nước này đã tăng thêm lần lượt 10 tỷ thùng và khoảng 226 tỷ m3, lên mức tương ứng là 155 tỷ thùng và khoảng 3.964 tỷ m3. Tuy nhiên, số liệu này chưa được Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) mà Iraq là thành viên xác nhận.
Venezuela sắp trở thành nước có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn thứ tư thế giới
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro ngày 15/5 tuyên bố quốc gia Nam Mỹ này đang chuẩn bị chứng nhận hơn 50 mỏ khí đốt tự nhiên được tìm thấy dọc bờ biển phía Bắc, với tổng trữ lượng ước tính đứng thứ tư thế giới.
Phát biểu trên truyền hình quốc gia, Tổng thống Maduro hoan nghênh các nhà đầu tư trên khắp thế giới, trong số đó có công ty Eni của Italy và công ty Repsol của Tây Ban Nha đã được cấp giấy phép xuất khẩu khí hóa lỏng tự nhiên tại khu vực được gọi là vành đai khí đốt Caribe này.
Theo Tổng thống Maduro, Venezuela có tất cả lượng khí đốt mà châu Âu cần. Trước đó, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Venezuela (PDVSA) đã ký thỏa thuận với các doanh nghiệp Eni và Repsol để xuất khẩu khí hóa lỏng tự nhiên sang các thị trường quốc tế thông qua giấy phép Cardón IV.
Theo https://petrotimes.vn/