Bộ Công Thương đề xuất loạt ưu đãi cho điện mặt trời mái nhà; EVN dự kiến cắt giảm điện ở miền Bắc trong tuần tới; Sản lượng năng lượng tái tạo tăng cao trong năm 2023… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 18/6/2023.
Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn
Chính phủ duyệt dự án kéo điện cho Côn Đảo gần 5.000 tỷ đồng
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký quyết định về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo đó, chủ đầu tư dự án là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Mục tiêu dự án là đầu tư xây dựng dự án đảm bảo cung cấp điện ổn định và an toàn cho lưới điện trên đảo Côn Đảo, nhằm đáp ứng các mục tiêu phát triển của huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng và bảo đảm chủ quyền biển đảo quốc gia.
Dự án này sẽ xây dựng mới đường dây 110 kV, 1 mạch, từ ngăn xuất tuyến 110 kV tại trạm biến áp 220 kV Vĩnh Châu - tỉnh Sóc Trăng đến trạm biến áp 110/22 kV Côn Đảo. Mở rộng 1 ngăn lộ đường dây 110 kV tại trạm biến áp 220 kV Vĩnh Châu tỉnh Sóc Trăng. Xây dựng mới trạm biến áp 110/22 kV Côn Đảo bằng công nghệ GIS, quy mô 2x63 MVA. Vốn đầu tư của dự án khoảng 4.950 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự án từ năm 2023 - 2026. Hình thức đầu tư dự án là đầu tư công.
Bộ Công Thương đề xuất loạt ưu đãi cho điện mặt trời mái nhà
Bộ Công Thương vừa có báo cáo số 74/BC-BCT dự thảo Quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp tại Việt Nam. Bộ lựa chọn hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp để thực hiện trước.
Theo tờ trình, cơ chế khuyến khích phát triển nguồn điện này sẽ chỉ áp dụng cho hệ thống điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của các doanh nghiệp tại Việt Nam để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đề xuất các cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà như: sẽ được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh điện.
Các hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại công sở sẽ được ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện. Tổ chức, cá nhân đầu tư và sử dụng hệ thống này sẽ được miễn hoặc giảm các loại thuế, phí; được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định.
EVN dự kiến cắt giảm điện ở miền Bắc trong tuần
Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, mực nước về các hồ thủy điện dù đã cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp và chưa có thông tin lũ về trên các hồ ở miền Bắc. Do đó, EVN cho biết vẫn phải giảm nhu cầu sử dụng điện cho tới khi có nước về các hồ thủy điện. EVN dự kiến mức cắt giảm ở miền Bắc trong tuần tới là 2.000-2.500 MW. Song mức này thấp hơn khoảng 20-30% công suất tiết giảm bình quân những ngày đầu tháng 6 và bằng một nửa mức tiết giảm của ngày cao nhất 5.000 MW.
Theo báo cáo Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp ngày 18/6, một số hồ thủy điện lớn đã vượt mực nước chết, lưu lượng nước tăng nhẹ so với ngày hôm qua. Tuy nhiên, hiện lưu lượng nước về các hồ thủy điện thấp. Khu vực Bắc bộ, duyên hải Nam Trung bộ, Đông Nam bộ dao động nhẹ; khu vực Bắc Trung bộ giảm nhẹ; khu vực Tây Nguyên tăng nhẹ so với ngày hôm qua.
Dự báo lượng nước về các hồ trong thời gian tới chưa cao. Do đó, theo Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, các nhà máy thủy điện khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ chủ yếu điều tiết nước đảm bảo dòng chảy tối thiểu, phát điện cầm chừng để đảm bảo an toàn tổ máy khi vận hành, khó đáp ứng phát điện theo quy trình vận hành hồ chứa tại thời kỳ này.
Rosneft kêu gọi OPEC+ giám sát sản lượng xuất khẩu của các thành viên
Tại một phiên thảo luận của Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg hôm 17/6, ông Igor Sechin, người đứng đầu công ty dầu khí khổng lồ của Nga Rosneft PJSC, nhận định một số quốc gia trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (OPEC+) đã gửi tới 90% sản lượng của họ ra nước ngoài, trong khi sử dụng các loại nhiên liệu khác để tiêu thụ trong nước. Đối với Nga, tỷ lệ xuất khẩu dầu thô trong sản xuất chỉ là 50%.
Ông Sechin kêu gọi OPEC và các đồng minh cần giám sát không chỉ sản xuất của các nước thành viên mà còn cả xuất khẩu của họ. Lời kêu gọi được đưa ra khi các nhà quan sát dầu mỏ Nga vẫn nghi ngờ về cam kết của Moscow đối với việc cắt giảm sản lượng tự nguyện.
Nga tuyên bố cắt giảm sản lượng dầu thô vào đầu năm nay. Cụ thể, Moscow cam kết cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày kể từ tháng 2 và duy trì mức đó cho đến năm 2024. Tuy nhiên, Chính phủ Nga đã phân loại dữ liệu sản xuất dầu của quốc gia, gây khó khăn cho việc đánh giá tiến trình cắt giảm ngoài sự đảm bảo từ các quan chức năng lượng.
Sản lượng năng lượng tái tạo tăng cao trong năm 2023
Trong báo cáo mới công bố, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo sản lượng năng lượng tái tạo mới sẽ tăng 107 gigawatt (GW) so với năm 2022, lên hơn 440GW trong năm 2023.
Đóng góp phần lớn vào mức tăng này là việc triển khai mạnh mẽ các hệ thống năng lượng mặt trời và năng lượng gió, phản ánh nhu cầu tìm những giải pháp thay thế nhiên liệu hóa thạch. Tổng sản lượng năng lượng tái tạo trong năm 2024 dự kiến sẽ tăng lên 4.500GW.
Châu u ghi nhận mức tăng trưởng nhanh do cuộc khủng hoảng năng lượng liên quan đến xung đột tại Ukraine, trong khi các biện pháp chính sách mới được cho là sẽ giúp sản lượng của Mỹ và Ấn Độ tăng đáng kể trong 2 năm tới. Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục củng cố vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực này, đóng góp tới 55% tổng sản lượng năng lượng tái tạo tăng thêm trong năm 2023 và 2024.
Công ty Nga phát hiện nguồn tài nguyên lớn ở Bắc Cực
Các nguồn tài nguyên do Công ty Rosneft phát hiện ở vùng Bắc Cực lên tới khoảng 25 tỷ tấn dầu quy đổi - lãnh đạo công ty cho biết hôm 17/6. Lãnh đạo Igor Sechin của Rosneft đưa ra thông tin trên tại Uỷ ban năng lượng của Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (SPIEF).
Ông Sechin nhấn mạnh, với sự biến đổi khí hậu, cũng có những cơ hội mới liên quan đến việc tiếp cận các nguồn tài nguyên của khu vực Bắc Cực. Nơi các nguồn tài nguyên được Công ty Rosneft phát hiện lên tới khoảng 25 tỷ tấn dầu tương đương.
Tại SPIEF, ông Sechin nhấn mạnh đến năm 2045, mức tiêu thụ dầu trên thế giới sẽ tăng 15%, tức là khoảng 15 triệu thùng mỗi ngày. Ông khẳng định sự thiếu hụt dầu gia tăng và thiếu đầu tư vào ngành công nghiệp khai thác sẽ dẫn đến giá nguyên liệu thô cao hơn.
Theo https://petrovietnam.petrotimes.vn/