Quảng Trị kiến nghị chuyển dự án nhiệt điện than sang nhiệt điện khí; Nga sẵn sàng đàm phán nối lại nguồn cung khí đốt cho châu Âu; Trung Quốc cùng các “ông lớn” ngành năng lượng Nga thảo luận về việc phát triển các mỏ dầu khí… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 2/11/2023.
Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn
Quảng Trị kiến nghị chuyển dự án nhiệt điện than sang nhiệt điện khí
UBND tỉnh Quảng Trị đã kiến nghị Bộ Công Thương có văn bản đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cho phép chấm dứt thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Quảng Trị - sử dụng nhiên liệu than (dự án) do Công ty Điện lực Quốc tế Thái Lan (EGATi) đầu tư.
Tỉnh cũng đề nghị chuyển đổi dự án này sang nhà máy nhiệt điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu, đầu tư theo hình thức dự án điện độc lập (IPP); điều chỉnh quy mô công suất dự án từ 1.320 MW sử dụng nhiên liệu than lên công suất 1.500 MW dùng nhiên liệu khí LNG.
Trước đó, tháng 4/2023, UBND tỉnh Quảng Trị và EGATi thỏa thuận về việc chấm dứt dự án, do vướng mắc khách quan về thu xếp tài chính dự án, nguồn vốn và việc thực thi đầy đủ các cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đạt giảm phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 của chính phủ hai nước Việt Nam - Thái Lan.
Nga sẵn sàng đàm phán nối lại nguồn cung khí đốt cho châu Âu
Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolay Shulginov cho biết tại Diễn đàn Khí đốt Quốc tế St. Petersburg rằng, Nga chưa đóng cửa tuyến đường cung cấp khí đốt cho phương Tây mà sẵn sàng đàm phán về nguồn cung cho châu lục này và đang chờ đề xuất từ người mua, theo hãng thông tấn Nga Tass.
Theo ông Shulginov, Pakistan và Ấn Độ là một trong những khu vực hứa hẹn nhất cho khí đốt của Nga, cũng như việc trao đổi nguồn cung với Iran. Ông lưu ý: "Chúng tôi cũng có thể bổ sung nguồn cung trao đổi với Iran. Ngoài ra còn có một hướng đi đầy hứa hẹn - Ấn Độ, Pakistan. Chúng tôi chưa đóng cửa (hướng phương Tây) và vẫn coi mình là nhà cung cấp đáng tin cậy".
Trong khi đó, Chủ tịch điều hành Gazprom Alexey Miller cho biết, các công ty phương Tây mong muốn khí đốt của Nga bắt đầu chảy trở lại thị trường châu Âu. "Giới kinh doanh phương Tây mong muốn dòng khí đốt từ Nga quay trở lại. Tôi muốn lưu ý đến thực tế là, các nước phương Tây theo truyền thống luôn tiêu thụ nhiều hơn mức họ có thể khai thác. Họ không thể đảo ngược xu hướng này", ông Miller nói tại phiên họp toàn thể của diễn đàn.
Trung Quốc cùng các “ông lớn” ngành năng lượng Nga thảo luận về việc phát triển các mỏ dầu khí
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) hôm 1/11 cho biết nước này đang đàm phán với các công ty Nga gồm Rosneft, Gazprom và Novatek về việc hợp tác phát triển chung các mỏ dầu khí và kinh doanh hydrocarbon.
Nga đang trông chờ vào đường ống dẫn khí mới được đề xuất tới Trung Quốc để bù đắp cho khoản doanh thu bị mất ở châu Âu, nhưng những người trong ngành nhận thấy nhiều rủi ro chính trị khi Nga quá phụ thuộc vào một người mua duy nhất, đồng thời đặt câu hỏi rằng liệu họ có muốn biện minh cho khoản chi phí khổng lồ liên quan đến việc này hay không.
Xie Jun, Phó chủ tịch CNPC cho biết tại Diễn đàn Khí đốt Quốc tế ở Saint Petersburg: “Chúng tôi hiện đang thảo luận với Rosneft, Gazprom và Novatek các vấn đề liên quan đến kế hoạch phát triển chung các mỏ dầu, mở rộng công suất dự án đường ống dẫn khí và kinh doanh hydrocarbon”. Ông cho biết thêm rằng CNPC và Gazprom đang nỗ lực đẩy nhanh việc cung cấp khí đốt của Nga tới Trung Quốc thông qua tuyến Viễn Đông.
Ấn Độ tăng nhập khẩu dầu Ả Rập Xê-út, giảm dầu Nga
Nhập khẩu dầu thô Nga của Ấn Độ trong tháng 10 đã giảm 4% so với tháng trước, do nhập khẩu tăng từ Ả Rập Xê-út. Theo IBC, trích dẫn dữ liệu hàng hóa của Vortexa, Ấn Độ đã nhập khẩu 1,55 triệu thùng dầu thô của Nga mỗi ngày trong tháng 10, so với 1,62 triệu thùng/ngày trong tháng 9.
Sự sụt giảm trong nhập khẩu dầu thô từ Nga của Ấn Độ trong tháng 10 được cân bằng nhờ sự gia tăng nhập khẩu dầu của Ả Rập Xê-út. Ấn Độ đã nhập 924.000 thùng dầu thô/ngày của Ả Rập Xê-út trong tháng 10, so với 523.000 thùng/ngày trong tháng 9. Tổng lượng dầu thô nhập khẩu của Ấn Độ đạt 4,56 triệu thùng/ngày trong tháng 10.
Ấn Độ là nước nhập khẩu dầu lớn thứ ba trên thế giới. Ấn Độ cũng cho biết, Nếu giá phù hợp, sẽ xem xét nhập khẩu dầu của Venezuela sau khi Mỹ nới lỏng lệnh trừng phạt. Hãng Reuters dẫn lời Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ Hardeep Singh Puri cho biết tại một sự kiện trong ngành: "Thật tốt khi có thêm nguồn cung ra thị trường", đồng thời cho biết thêm: "Chúng tôi sẽ mua từ bất cứ nơi nào có dầu rẻ hơn".
Nga có thể ký kết thỏa thuận khí đốt 15 năm với 3 quốc gia Trung Á vào năm 2024
Chủ tịch điều hành của Gazprom Alexey Miller cho biết kế hoạch hợp tác khí đốt giữa Nga, Uzbekistan và Kazakhstan sẽ kéo dài trong 15 năm theo một thỏa thuận hợp tác có thể được ký kết vào giữa năm 2024, hãng thông tấn Tass của Nga đưa tin từ Diễn đàn Khí đốt Quốc tế St. Petersburg khai mạc ngày 1/11.
Ông Miller nói: “Chúng tôi đã đặt ra khung thời gian 15 năm cho sự hợp tác của chúng tôi với các đồng nghiệp đến từ Kazakhstan, Uzbekistan và Kyrgyzstan. Các cuộc họp và đàm phán đã diễn ra và sẽ tiếp tục tại diễn đàn nhằm ký kết các bản ghi nhớ trong giai đoạn hiện nay với mục tiêu thiết lập cơ sở hợp đồng ràng buộc về mặt pháp lý vào giữa năm 2024".
Đồng thời, cơ quan báo chí của Chính phủ Kazakhstan đưa tin Kazakhstan và Nga cũng đặt vấn đề về kế hoạch phát triển hơn nữa hợp tác giữa hai nước trong sản xuất điện, khai thác dầu khí và một số lĩnh vực khác.
Theo https://petrotimes.vn/