Doanh nghiệp Việt Nam - Úc thúc đẩy cơ hội chuyển giao công nghệ năng lượng; Hydro xanh cần tăng lên gấp 6 lần trong vài thập niên tới; Iraq xuất khẩu hơn 100 triệu thùng dầu thô trong tháng 6/2023… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 2/7/2023.
Ảnh minh họa: TTXVN
Doanh nghiệp Việt Nam - Úc thúc đẩy cơ hội chuyển giao công nghệ năng lượng
Tọa đàm “Con đường đến khử carbon: Từ hiệu quả năng lượng đến các nguồn năng lượng thay thế”, nằm trong khuôn khổ chương trình tăng cường hợp tác kinh tế giữa Chính phủ Australia và Việt Nam (VEG), vừa được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp của Hiệp hội Trí thức và Chuyên gia Việt Nam tại Úc (VASEA) tổ chức, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hai nước tìm kiếm cơ hội hợp tác, chuyển giao công nghệ.
Tọa đàm đã chia sẻ và bàn thảo về các biện pháp hiệu quả, quy mô lớn, áp dụng được cho các doanh nghiệp cũng như hộ gia đình để tiết kiệm điện, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng, giảm chi phí sản xuất, giảm phát thải khí CO2, các nguồn năng lượng và nhiên liệu mới có tính bền vững và không tác động đến môi trường.
Đồng thời các chuyên gia cũng trình bày về các chính sách và công cụ quản lý mới kích thích cạnh tranh lần đầu tiên được áp dụng, ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý năng lượng, mô hình kinh doanh chia sẻ lợi nhuận trong đầu tư dự án năng lượng…
Hydro xanh cần tăng lên gấp 6 lần trong vài thập niên tới
Báo cáo có tựa đề "Hydro xanh: con đường dẫn đến phát thải ròng bằng 0" của của Deloitte liệt kê danh sách các nước và khu vực có kim ngạch xuất khẩu hydro xanh lớn nhất thế giới còn có Mỹ (63 tỷ USD), Australia (39 tỷ USD), Trung Ðông (20 tỷ USD)... Trong danh sách những quốc gia tiêu thụ hydro xanh, Trung Quốc nổi lên như một trong các thị trường chính.
Theo báo cáo, Trung Quốc cũng sẽ trở thành nhà nhập khẩu lớn nhất vào năm 2030, với khối lượng 13 triệu tấn mỗi năm. Việc nhập khẩu số lượng lớn hydro xanh sẽ cho phép nước này khử carbon trong các lĩnh vực hoạt động khác. Châu Âu cũng được cho là sẽ tiêu thụ khoảng 10 triệu tấn, kế tiếp là Nhật Bản và Hàn Quốc với 7,5 triệu tấn mỗi nước. Hai quốc gia châu Á này dự kiến sẽ nhập khẩu 90% nhu cầu hydro xanh từ năm 2030 đến năm 2050, do không có sẵn tài nguyên tái tạo và đất đai.
Báo cáo cũng cho thấy, các dự án hydro xanh đã được công bố đến nay chỉ đủ đáp ứng 25% nhu cầu của thế giới vào năm 2030, tức là 44 triệu tấn. Con số này cần được tăng lên gấp 6 lần trong vài thập niên tới để đạt mục tiêu không phát thải carbon dioxide, tương ứng với sản lượng khoảng 170 triệu tấn vào năm 2030 và gần 600 triệu tấn vào năm 2050.
Bắc Phi sẽ trở thành nhà xuất khẩu hydro xanh lớn nhất thế giới
Theo một báo cáo của Deloitte, nhờ có nguồn tài nguyên tái tạo dồi dào, nhu cầu trong nước thấp và vị trí gần châu Âu, khu vực Bắc Phi sẽ trở thành nhà xuất khẩu hydro xanh lớn nhất thế giới, chiếm tới gần 40% và dẫn đầu doanh thu của thương mại toàn cầu về hydro xanh vào năm 2050 với doanh thu 110 tỷ USD.
Trong khi đó, theo Chủ tịch COP28 Sultan Ahmed Al Jaber, châu Phi có nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng mặt trời, điện gió và địa nhiệt có thể khai thác nhằm bảo đảm tương lai bao trùm và thích ứng với khí hậu.
Trước tiềm năng về năng lượng tái tạo ở châu Phi, Chủ tịch COP28 cho rằng, các chính sách và quy định thông minh, tài chính đổi mới sáng tạo và tiếp thu các công nghệ sạch chính là chìa khóa để đẩy nhanh quá trình khử carbon trong các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp và sản xuất của châu Phi.
Iraq xuất khẩu hơn 100 triệu thùng dầu thô trong tháng 6/2023
Iraq đã xuất khẩu khoảng 100,59 triệu thùng dầu thô trong tháng 6/2023, đạt doanh thu 7,1 tỷ USD, Bộ Dầu mỏ nước này vừa cho biết. Bộ này trích dẫn số liệu thống kê từ Tổ chức Tiếp thị Dầu mỏ nhà nước Iraq, giá dầu thô trung bình của Iraq trong tháng 6/2023 là 71,1 USD/thùng.
Khoảng 98,72 triệu thùng đã được xuất khẩu từ các mỏ dầu ở miền Trung và miền Nam Iraq qua cảng Basra, và gần 1 triệu thùng từ mỏ dầu Qayyara ở tỉnh Nineveh phía Bắc, cùng với 299.445 thùng dầu đã được gửi đến nước láng giềng Jordan trong tháng 6/2023.
Vào cuối tháng 3, Iraq đã dừng xuất khẩu khoảng 450.000 thùng/ngày từ các cảng miền Bắc tới cảng Ceyhan trên Địa Trung Hải của Thổ Nhĩ Kỳ thông qua đường ống, sau khi thắng một vụ kiện kéo dài với Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm thỏa thuận chung khi cho phép Chính quyền Khu tự trị người Kurd (KRG) xuất khẩu dầu thô thông qua một đường ống dẫn đến cảng Ceyhan. Ngày 4/4, Chính phủ Iraq và Chính quyền KRG đã ký thỏa thuận về việc nối lại xuất khẩu dầu mỏ qua khu vực này. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn dừng dòng dầu xuất khẩu khẩu, muốn thương lượng trước khi nối lại hoạt động này.
Nhật Bản đối phó với nguy cơ thiếu điện
Các hộ gia đình và doanh nghiệp tại khu vực thủ đô Tokyo, Nhật Bản bắt đầu thực hiện giai đoạn tiết kiệm điện trong hai tháng 7-8/2023 do nguồn điện tại đây được dự báo sẽ hạn chế trong thời gian này.
Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra yêu cầu tiết kiệm điện trên cơ sở dự báo tỷ lệ công suất điện dự phòng trong khu vực do Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) quản lý này trong tháng 7 có thể giảm xuống còn 3,1%, chỉ cao hơn mức thấp nhất để duy trì nguồn cung ổn định nếu xảy ra đợt nắng nóng cực đoan một thập kỷ mới xuất hiện một lần trong khu vực này.
Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI), vì nhu cầu điện có thể dao động khoảng 3% so với mức nói trên, cần đảm bảo ít nhất một mức dự trữ 3%. Tỷ lệ này được dự báo sẽ tăng lên 4,8% trong tháng 8 tại khu vực do TEPCO phụ trách, trong khi ở các khu vực khác dự báo trên 5% trong tháng 7 và 8.