Nhiều nhà đầu tư nước ngoài mua công ty năng lượng mặt trời Việt Nam; Trung Quốc sẽ không được mua dầu từ kho dự trữ của Mỹ; Tây Ban Nha kích hoạt tất cả các nhà máy điện khí để ứng phó với nắng nóng… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 21/7/2023.
Ảnh minh họa
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài mua công ty năng lượng mặt trời Việt Nam
Theo báo cáo hoạt động kiểm soát tập trung kinh tế năm 2022 do Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia vừa phát hành, năm 2022 Bộ Công Thương nhận được 154 hồ sơ thông báo tập trung kinh tế (TTKT), tăng 18,46% so với năm 2021. Kết quả, có 133 hồ sơ được tiếp nhận với tổng số 397 doanh nghiệp (DN) tham gia, trong đó 180 DN nước ngoài, 217 DN trong nước.
Trong cơ cấu các giao dịch thông báo TTKT năm 2022, sự gia tăng hoạt động M&A trong lĩnh vực năng lượng tái tạo vượt trội, với số lượng giao dịch tăng gấp đôi. Tổng giá trị giao dịch đạt 676 triệu USD, tăng gấp 5 lần so với năm 2021. Cụ thể, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thẩm định 18 hồ sơ thông báo TTKT, tăng 20% so với năm 2021 và 600% so với năm 2020. Các giao dịch thông báo TTKT với hình thức mua lại là chủ yếu. Trong đó, DN nước ngoài mua lại DN trong nước chiếm đến 37,5%, nhà đầu tư chủ yếu đến từ Singapore, Hàn Quốc.
Hiện nay, xuất hiện xu hướng các DN nước ngoài mua gom các công ty năng lượng mặt trời tại Việt Nam. Điển hình là chuỗi giao dịch M&A trong lĩnh vực năng lượng mặt trời của Tập đoàn Sunseap. Do đó, cơ quan chức năng sẽ chú trọng giám sát chặt chẽ để kịp thời ngăn chặn nguy cơ hình thành DN có sức mạnh đáng kể trên thị trường điện mặt trời nối lưới tại Việt Nam.
Việt Nam ký kết bản ghi nhớ nhập khẩu than từ Lào
Bộ Công Thương Việt Nam ngày 20/5 đã ký kết bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực than với Bộ Năng lượng và Mỏ Lào. Theo đó, mỗi năm Việt Nam sẽ có thêm 20 triệu tấn than từ Lào tùy theo điều kiện thực tế của thị trường và nhu cầu mỗi bên. Đồng thời tăng cường chia sẻ kinh nghiệm nâng cao năng lực trong lĩnh vực khai thác, chế biến than.
Bản ghi nhớ có hiệu lực trong 5 năm, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại than giữa các doanh nghiệp hai nước, giúp Việt Nam thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng, giúp Lào khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Những năm qua hai nước cũng đã triển khai nhiều dự án đầu tư, hợp tác về năng lượng như phát triển các dự án thủy điện, liên kết lưới và nhập khẩu điện. Việt Nam có các đường dây 220 kV liên kết với Lào, tổng công suất nhập điện đến 2025 tối thiểu 3.000 MW và đến 2030 là 5.000 MW.
Trung Quốc sẽ không được mua dầu từ kho dự trữ của Mỹ
Trung Quốc sẽ bị chặn việc mua dầu từ các kho dự trữ khẩn cấp của Mỹ theo sửa đổi Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng vừa được Thượng viện Hoa Kỳ thông qua một cách áp đảo ngày hôm qua thứ Năm (20/7).
Việc sửa đổi luật trên diễn ra trong bối cảnh Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) của Mỹ đang ở mức thấp nhất trong 40 năm sau khi chính quyền Biden cắt giảm 180 triệu thùng vào năm ngoái để giúp kiềm chế giá dầu.
Nhà Trắng cho biết Bộ Năng lượng theo luật phải bán dầu từ SPR cho người trả giá cao nhất, bất kể người trả giá đó có phải là một công ty nước ngoài hay không. Họ cũng nói rằng việc giải phóng dầu từ kho dự trữ vào năm ngoái là cần thiết để giải quyết tình trạng tăng giá đột biến do xung đột ở Ukraine và sự gián đoạn nguồn cung sau đó.
Mỹ bán quyền khai thác điện gió đầu tiên ở Vịnh Mexico
Chính quyền Mỹ ngày 20/7 công bố thương vụ bán quyền khai thác điện gió ngoài khơi đầu tiên ở Vịnh Mexico nhằm tiếp tục thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo ở nước này. Buổi đấu giá sẽ diễn ra vào ngày 29/8.
Nhà Trắng cho biết khu vực bán quyền khai thác điện gió có gồm 1 lô diện tích rộng hơn 41.472 ha ở ngoài khơi bờ biển thành phố Lake Charles, bang Louisiana, và 2 lô khác với tổng diện tích gần 81.000 ha ngoài khơi bờ biển Galveston, bang Texas. Bộ Nội vụ dự báo các khu vực này có tiềm năng tạo ra khoảng 3,7 Gigawatt điện và năng lượng sạch đủ cung cấp cho gần 1,3 triệu hộ gia đình.
Trước đó, chính quyền Mỹ cũng đã tổ chức 3 cuộc đấu giá cho khai thác điện gió ở các vùng biển khác, trong đó có cuộc đấu giá lớn nhất từ trước đến nay tại nước này vào năm ngoái đối với các khu vực khai thác ngoài khơi bờ biển New York và New Jersey (Đại Tây Dương), thu hút số tiền đấu thầu kỷ lục 1,5 tỷ USD.
Tây Ban Nha kích hoạt tất cả các nhà máy điện khí để ứng phó với nắng nóng
Hiệp hội khí đốt Tây Ban Nha (Sedigas) ngày 20/7 cho biết nước này đã phải huy động tất cả các nhà máy điện khí đốt để đáp ứng nhu cầu điện gia tăng do nhiệt độ tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Tính riêng trong ngày 18/7, điện năng từ các nhà máy điện khí chiếm khoảng 30% tổng lượng điện của cả nước. Sedigas cho biết "cơ quan điều hành hệ thống đã phải huy động tất cả các đơn vị sản xuất khí đốt tự nhiên sẵn có để có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng điện".
Vào những ngày nắng nóng này, giờ cao điểm sử dụng điện tại Tây Ban Nha vào lúc 22h và đây cũng là thời điểm sản lượng điện từ các nhà máy năng lượng Mặt Trời rất thấp. Theo thống kê của Sedigas, từ ngày 1/6 đến ngày 19/7, sản lượng điện của các nhà máy điện khí chiếm khoảng 22% tổng sản lượng điện cả nước.
Trung Quốc khởi động dự án khoan sâu 10.000m tìm kiếm khí đốt
Từ ngày 20/7, Trung Quốc khởi động dự án khoan một giếng sâu hơn 10.000m dưới lòng đất tại tỉnh Tứ Xuyên ở phía tây nam nước này. Dự án được đánh giá là thách thức nhất trên thế giới do các giếng siêu sâu hơn 9.000m đã được coi như nằm trong số có nhiều trở ngại về mặt kỹ thuật nhất của ngành khí đốt.
Công ty PetroChina Southwest Oil and Gasfield là bên chịu trách nhiệm cho dự án khoan giếng Shendi Chuanke-1 với độ sâu dự kiến 10.520m ở lưu vực Tứ Xuyên. Nếu việc khoan thành công, một khu vực chứa khí đốt tự nhiên siêu sâu dự kiến sẽ được phát hiện.
Nhận định từ tờ China Electric Power News cho biết giếng thăm dò Shendi Chuanke-1 thuộc dự án khoan sâu Trái Đất - một phần của nỗ lực rộng lớn của Trung Quốc nhằm “cung cấp nền tảng và hỗ trợ quan trọng cho nghiên cứu khoa học và phát triển tài nguyên dầu khí trong tương lai của quốc gia”.
Theo https://petrotimes.vn/