OPEC+ bất ngờ hoãn cuộc họp đến ngày 30/11; Trung Quốc giảm mua dầu thô của Venezuela; Sản lượng LNG của Nga sẽ tăng từ năm sau… là những tin tức nổi bật về năng lượng ngày 23/11/2023.
Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn
OPEC+ bất ngờ hoãn cuộc họp đến ngày 30/11
Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) đã hoãn một cuộc họp cấp bộ trưởng sang ngày 30/11 thay vì ngày 26/11, do các nhà khai thác gặp khó khăn trong việc thống nhất về mức sản lượng. Cuộc họp này dự kiến sẽ thảo luận về việc cắt giảm sản lượng dầu, các nguồn tin của OPEC+ cho biết. Thông tin trì hoãn bất ngờ này đã khiến giá dầu trượt dốc.
Ba nguồn tin của OPEC+ cho biết điều này có liên quan đến các nước châu Phi. OPEC+ cho biết sau cuộc họp gần đây nhất vào tháng 6 rằng hạn ngạch sản lượng năm 2024 của Angola, Nigeria và Congo phụ thuộc vào sự đánh giá của các nhà phân tích bên ngoài.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS cho biết: “Sự mập mờ không bao giờ tốt cho thị trường tài chính, với việc thị trường hiện phải chờ lâu hơn để biết rõ những gì OPEC+ sẽ làm trong năm tới”. “Việc hoãn cuộc họp cũng cho thấy có một số quan điểm bất đồng giữa những người trong nhóm”, Giovanni Staunovo nói thêm.
Sản lượng dầu của Venezuela tăng mạnh
Hướng tới khai thác 1 triệu thùng dầu mỗi ngày sau khi Washington nới lỏng các lệnh trừng phạt, các quan chức Bộ Dầu mỏ Venezuela mới đây cho biết sản lượng đã đạt 850.000 thùng/ngày và nước này đang trên đường phục hồi thị phần, Reuters đưa tin. Khối lượng khai thác đạt được theo tuyên bố của Bộ Dầu mỏ Venezuela ngày 22/11 tăng so với sản lượng tháng 10 là 786.000 thùng/ngày.
Phát biểu bên lề hội nghị dầu mỏ ở Caracas, Thứ trưởng dầu mỏ Venezuela, Erick Perez, nói rằng quá trình phục hồi đang trên đà cải thiện, nhấn mạnh sự khởi đầu đầy hy vọng của việc xuất khẩu khí đốt tự nhiên từ dự án khí đốt ngoài khơi mỏ Dragon cùng Trinidad và Tobago.
Theo Forbes, các nhà kinh doanh dầu mỏ đã "đổ xô" mua dầu thô của Venezuela kể từ khi Washington tạm thời nới lỏng các lệnh trừng phạt vào ngày 18/10, càng củng cố thêm triển vọng của nước này với việc gia hạn giấy phép mới cho các công ty dịch vụ dầu mỏ vào ngày 16/11. Bốn giấy phép dành cho các công ty dịch vụ mỏ dầu để duy trì tài sản hiện có của họ ở Venezuela đã được gia hạn đến ngày 16/5/2024, dẫn đến các cuộc đàm phán với các nhà cung cấp quốc tế để giúp đẩy mạnh khai thác.
Trung Quốc giảm mua dầu thô của Venezuela
Việc Mỹ đình chỉ các lệnh trừng phạt đối với dầu của Venezuela đã làm cho các khách hàng lớn nhất của họ lo lắng. Các nhà máy lọc dầu độc lập của Trung Quốc, hiện đang trì hoãn thực hiện các giao dịch mua mới trong bối cảnh giá chào bán có sự chênh lệch lớn, các nguồn tin giao dịch cho biết.
Hai nguồn tin từ Trung Quốc cho biết, người bán và người mua Trung Quốc hiện đang gặp khó khăn trong việc thống nhất về giá cả. Sức mua của Trung Quốc cũng chậm lại trong bối cảnh nhu cầu nhựa đường theo mùa thấp - sản phẩm chủ chốt được làm từ dầu thô nặng của Venezuela. “Thị trường đang hỗn loạn”, một giám đốc tại một nhà máy lọc dầu độc lập của Trung Quốc cho biết.
Các nguồn tin cho biết kể từ khi lệnh trừng phạt Venezuela bị đình chỉ, phạm vi chiết khấu đã trở nên khó lường. Giá các lô hàng của Venezuela đến Trung Quốc vào đầu năm 2024 sắp được đưa ra, với mức chiết khấu từ 9 đến 19 USD/thùng so với dầu Brent ICE, một phạm vi rộng bất thường. Các nguồn tin cho biết thêm, khi bị trừng phạt, dầu thô Venezuela được giao dịch ở mức thấp hơn khoảng 20 USD/thùng so với giá dầu Brent ICE trên cơ sở giao hàng tại tàu (DES) đến Trung Quốc cho đợt giao hàng tháng 10.
Sản lượng LNG của Nga sẽ tăng từ năm sau
Phó Thủ tướng Alexander Novak cho biết sản lượng khí đốt hóa lỏng (LNG) của Nga sẽ giữ nguyên vào năm nay nhưng tăng trưởng vào năm 2024 nhờ dự án Arctic LNG 2, hãng thông tấn Nga Tass đưa tin.
Theo ông Novak, Nga dự định tăng sản lượng LNG từ 33 triệu tấn trong năm nay lên 100 triệu tấn mỗi năm vào năm 2030, với khối lượng đó sẽ được bảo đảm bởi các dự án đã lên kế hoạch. "Nga đã trở thành nhà sản xuất LNG lớn thứ tư với thị phần 8% trên thị trường toàn cầu. Kế hoạch là tăng sản lượng LNG lên 100 triệu tấn vào năm 2030, với thị phần trên thị trường toàn cầu tăng lên 20%," ông nói với Thượng viện Liên bang Nga (Hội đồng Liên bang).
Phó Thủ tướng Novak cũng cho biết sản lượng LNG của Nga sẽ đạt khoảng 33 triệu tấn trong năm nay, không thay đổi so với năm ngoái. Tuy nhiên, con số này dự kiến sẽ tăng bắt đầu từ năm tới do việc triển khai hệ thống đầu tiên của dự án Arctic LNG 2.
Nigeria và Đức ký 2 thỏa thuận năng lượng
Hôm thứ Ba 21/11, các công ty Nigeria và Đức đã ký 2 thỏa thuận tại Berlin, trong đó có thỏa thuận năng lượng tái tạo trị giá 500 triệu USD và thỏa thuận xuất khẩu khí đốt, nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia, một phát ngôn viên của Tổng thống cho biết.
Cụ thể, Ngân hàng thương mại Union Bank of Nigeria và Tập đoàn DWS của Đức đã ký biên bản ghi nhớ về năng lượng tái tạo. Người phát ngôn Ajuri Ngelale cho biết thỏa thuận này nhằm mục đích khai thác 500 triệu USD đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo trên khắp Nigeria, chủ yếu ở các cộng đồng nông thôn.
Biên bản ghi nhớ thứ hai về quan hệ đối tác xuất khẩu khí đốt đã được thống nhất giữa Riverside LNG của Nigeria và Johannes Schuetze Energy Import AG của Đức. Theo thỏa thuận này, Nigeria sẽ cung cấp 850.000 tấn khí đốt tự nhiên cho Đức hằng năm và dự kiến sẽ tăng lên 1,2 triệu tấn. Đợt giao hàng đầu tiên sẽ diễn ra vào năm 2026. Thỏa thuận này sẽ giúp xử lý khoảng 50 triệu feet khối khí đốt tự nhiên mỗi ngày.
Theo https://petrotimes.vn/