Quy hoạch Điện VIII không được hợp thức hóa dự án vi phạm pháp luật; Đề xuất doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu được lấy từ nhiều nguồn; Dự trữ than của Nga đủ dùng trong 300 năm… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 24/4/2023.
Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương, cơ quan tư vấn lập quy hoạch khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia tại cuộc họp để tiếp tục hoàn thiện Quy hoạch Điện VIII… Ảnh minh họa: Vjst
Quy hoạch Điện VIII không được hợp thức hóa dự án vi phạm pháp luật
Ngày 23/4, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch Điện VIII) diễn ra vào ngày 21/4, với sự tham gia của nhiều cơ quan bộ/ngành và chuyên gia, nhà khoa học.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, cơ quan tư vấn lập quy hoạch khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia tại cuộc họp để tiếp tục hoàn thiện Quy hoạch Điện VIII trên cơ sở các nguyên tắc và nội dung cụ thể.
Bên cạnh đó, bổ sung nghiên cứu theo hướng quy hoạch động, mở với nguồn điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối, điện rác theo tiềm năng và khả năng tự sản, tự tiêu cùng với giải pháp cân bằng, ổn định hệ thống điện như thủy điện tích năng, pin tích điện, sản xuất hydrogen, amoniac xanh… đặc biệt cần có cơ chế để phát triển điện áp mái cho sinh hoạt ở khu vực có khả năng thiếu điện sinh hoạt trong những năm tới.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, cần làm rõ số liệu quy hoạch điện mặt trời các dạng áp mái, tự sản tự tiêu hoặc thực hiện theo hình thức mua bán điện trực tiếp, không được hợp thực hóa các dự án vi phạm pháp luật, các dự án phát triển thiếu đồng bộ giữa nguồn phụ tải, hạ tầng truyền tải và không hiệu quả về kinh tế…
Đề xuất doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu được lấy từ nhiều nguồn
Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, trong đó có nội dung sửa đổi Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu. Một trong những điểm mới của dự thảo là các đại lý bán lẻ xăng dầu sẽ được lấy hàng từ nhiều nhà cung cấp (thương nhân phân phối, doanh nghiệp đầu mối) thay vì chỉ một nguồn như hiện tại.
Dự thảo nghị định cũng sửa đổi tập trung vào sửa công thức tính giá và phương thức điều hành giá xăng dầu; thời gian điều hành/công bố giá; có các điều khoản chặt chẽ hơn, quy định phù hợp hơn về việc thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện đối với thương nhân kinh doanh đầu mối xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu. Các doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu cũng được yêu cầu thực hiện hóa đơn điện tử và kết nối dữ liệu hóa đơn điện tử với cơ quan thuế.
Dự thảo sửa đổi Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu được xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn. Việc sửa đổi quy định nhằm xử lý những bất ổn trên thị trường thời gian qua, để thực hiện mục tiêu bảo đảm nguồn cung, an ninh năng lượng quốc gia.
Kế hoạch triển khai Chương trình V-LEEP II giai đoạn 10/2022-9/2023
Bộ Công Thương mới đây đã ban hành Quyết định số 947/QĐ-BCT ngày 18/4/2023 phê duyệt Kế hoạch thực hiện hàng năm (giai đoạn 10/2022-9/2023) của Dự án Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam II (V-LEEP II).
Theo đó, trong giai đoạn 10/2022-9/2023, Chương trình V-LEEP II triển khai 33 hoạt động hỗ trợ kỹ thuật chính, trong đó 27 hoạt động kỹ thuật được tiếp nối và mở rộng từ giai đoạn 10/2021-9/2022 và 6 hoạt động kỹ thuật bắt đầu triển khai tại giai đoạn này theo đề xuất ưu tiên của các Cơ quan thực hiện và khả năng hỗ trợ của Nhà tài trợ.
Bằng cách mở rộng quy mô và phạm vi hỗ trợ kỹ thuật, V-LEEP II sẽ tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy quá trình chuyển đổi ngành năng lượng của Việt Nam theo hướng sạch, bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng và dựa trên các nguyên tắc thị trường thông qua việc tăng cường triển khai các hệ thống năng lượng tiên tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành năng lượng và thúc đẩy cạnh tranh trong lĩnh vực năng lượng.
V-LEEP II được kỳ vọng sẽ tiếp tục và tăng cường các hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để hiện thực hóa các mục tiêu tham vọng về chuyển đổi năng lượng bền vững. Đồng thời, dự kiến sẽ hỗ trợ huy động tài chính cho 2.000MW năng lượng tái tạo và 1.000MW từ các nhà máy nhiệt điện khí chu trình hỗn hợp và hiệu quả các dự án đầu tư sẽ giúp giảm 59 triệu tấn CO2 tương đương trong toàn bộ vòng đời dự án đầu tư.
Dự trữ than của Nga đủ dùng trong 300 năm
Trong cuộc họp với hội đồng Cơ quan quản lý tài nguyên liên bang, Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga Sergey Mochalnikov tuyên bố, dự trữ than của nước này đủ sử dụng trong 300 năm và không có mối đe dọa an năng lượng nào đối với Moskva.
Thứ trưởng Mochalnikov nói thêm rằng tất cả các nhu cầu trong nước về than hiện đang được đáp ứng bởi các nhà sản xuất nội địa. Tuy nhiên ông cũng lưu ý rằng xuất khẩu vẫn là nguồn thu quan trọng đối với ngành than của Nga. Nga sản xuất 443,6 triệu tấn than vào năm 2022, tăng 0,3% so với năm 2021. Xuất khẩu giảm 7,5% xuống 210,9 triệu tấn sau khi Liên minh châu Âu (EU) và Anh áp dụng lệnh cấm vận đối với than Nga vào tháng 8 năm ngoái.
Các nhà sản xuất than Nga đã tăng nguồn cung cho thị trường trong nước thêm 12,2% lên hơn 172 triệu tấn đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước 'thân thiện', đặc biệt là Trung Quốc. Các hợp đồng xuất khẩu than cho Trung Quốc được Nga thực hiện trong năm 2022 đã tăng lên hơn 11%, tương đương 59,5 triệu tấn. Ngay trong 3 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc tiếp tục nhập khẩu số lượng lớn than từ Nga, khoảng 8,8 triệu tấn trong tháng 2.
Nhiều quốc gia phụ thuộc năng lượng hạt nhân Nga sẽ phủ quyết lệnh cấm vận Nga
Tờ Financial Times mới đây cho biết, trước các cuộc đàm phán không chính thức về các gói trừng phạt Nga tiếp theo (sẽ bắt đầu trong tuần này), một quan chức EU nhấn mạnh: “Chúng tôi đã xong rồi. Nếu tiếp tục trừng phạt, chúng tôi sẽ phải cân nhắc miễn trừ cho một số nước thành viên. Thậm chí, số lượng miễn trừ có khi còn nhiều hơn các biện pháp trừng phạt".
Bên cạnh đó, theo tờ báo này, các đề xuất cấm vận tiếp theo đối với nền kinh tế Nga có thể sẽ bị phủ quyết bởi các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) “không thể sống thiếu” các ngành công nghiệp của nước này như năng lượng hạt nhân.
Financial Times cho rằng, những biện pháp sắp tới có thể sẽ chỉ giới hạn trong việc khắc phục những lỗ hổng trong các lệnh cấm vận hiện có và mở rộng danh sách 1.500 người cùng 200 tổ chức bị đóng băng tài sản.
Theo https://petrotimes.vn/