Tin tức

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 24/5/2023

25/05/2023, 11:32
Chia sẻ:

19 dự án điện gió, điện mặt trời đã được thống nhất giá tạm thời; Việt Nam tăng nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc; OPEC+ sẽ đẩy mạnh các biện pháp chống đầu cơ trên thị trường dầu mỏ… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 24/5/2023.

nhip-dap-thi-truong-nang-luong-ngay-352023-20230503164954Ảnh minh họa
 

19 dự án điện gió, điện mặt trời đã được thống nhất giá tạm thời

Lãnh đạo Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, tính đến ngày 24/5, trong số 37 hồ sơ đàm phán chủ đầu tư đã gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), có 19 nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp với tổng công suất khoảng 1.400 MW đã được Bộ Công Thương thống nhất mức giá tạm thời.

Các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã được thống nhất mức giá tạm gồm: VPL Bến Tre, Nam Bình 1, Yang Trung, Chơ Long, Hưng Hải Gia Lai, Hanbaram, Lạc Hòa 2, Hòa Đông 2, Phù Mỹ 1, Phù Mỹ 3, Viên An, Trung Nam Thuận Nam 450MW, Hướng Hiệp 1, Tân Phú Đông, Hiệp Thạnh...

Trong 37 hồ sơ đã gửi EVN, 28 hồ sơ đã đầy đủ và đã thống nhất phương pháp tính tương tự theo Thông tư 57, thông số đầu vào tiếp tục đàm phán. 9 hồ sơ vẫn chưa bổ sung được theo các yêu cầu pháp lý. Chủ đầu tư của 48/85 nhà máy điện chuyển tiếp vẫn chưa nộp hồ sơ đàm phán đến EVN.

Việt Nam tăng nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc

Từ 0h ngày hôm nay (24/5), phía Thâm Câu (Trung Quốc) chính thức đóng điện xuất khẩu sang Việt Nam qua đường dây 110kV Thâm Câu - Móng Cái với tổng công suất tối đa 70 MW và 30 triệu kWh/tháng. Trước mắt trong các tháng 5,6,7.

Theo đó, sau khi thực hiện ký kết hợp đồng, toàn bộ TP Móng Cái và huyện Hải Hà thuộc tỉnh Quảng Ninh sẽ sử dụng điện từ phía Trung Quốc cấp. Đây được xem biện pháp cấp bách nhằm giảm tải khó khăn về nguồn của hệ thống điện phía Bắc trong bối cảnh hiện nay.

Hiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đang đẩy mạnh nhập khẩu điện từ Lào qua cụm nhà máy thủy điện Nậm Kông và nhà máy thủy điện Nậm San.

OPEC+ sẽ đẩy mạnh các biện pháp chống đầu cơ trên thị trường dầu mỏ

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Qatar ở thủ đô Doha ngày 23/5, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê-út, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho biết, Tổ chức Các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, còn được gọi là OPEC+, sẽ triển khai các biện pháp hạn chế tình trạng đầu cơ trên thị trường dầu mỏ và phòng ngừa rủi ro trong tương lai.

Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê-út nhấn mạnh OPEC+ nên tích cực theo đuổi các mục tiêu quan trọng của khối này trong tương lai. Ông Abdulaziz bin Salman đồng thời lưu ý rằng thị trường đang trải qua những biến động liên tục và yêu cầu OPEC+ phải chủ động và đón đầu.

Các thành viên OPEC+ dự kiến sẽ tổ chức cuộc họp vào ngày 4/6 tại thủ đô Vienna của Áo để quyết định về các chính sách tiếp theo của khối.

Kiev kiên quyết duy trì việc vận chuyển dầu và khí đốt của Nga qua Ukraine

Chính quyền Kiev và Tập đoàn Năng lượng nhà nước Ukraine Naftogaz nhất quyết duy trì việc vận chuyển dầu và khí đốt của Nga, quá cảnh qua lãnh thổ Ukraine, bao gồm cả mục đích thu lợi nhuận từ việc này.

Tờ Washington Post cho hay, Naftogaz và các nhà lãnh đạo chính trị cấp cao nhấn mạnh rằng, Ukraine không thể và không nên đóng cửa các đường ống dẫn khí của Nga quá cảnh qua đây, vừa để thu phí trung chuyển, vừa "vì một số quốc gia ủng hộ Ukraine ở châu Âu vẫn phụ thuộc vào khí đốt của Nga".

Washington Post cũng lưu ý, dù Ukraine kêu gọi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Nga, và cắt đứt gần như tất cả các mối quan hệ kinh tế với Moskva, nên việc không từ bỏ vị trí trung chuyển khí đốt của Nga có "kỳ quái đến đâu, Ukraine vẫn khẳng định rằng, trên thực tế họ không có lựa chọn nào khác". Do đó, Kiev tích cực vận động hành lang để giữ nguồn thu từ trung chuyển dầu và khí đốt. Kiev khẳng định rằng các thỏa thuận hiện tại được xem là mang lại đòn bẩy nhất định cho Moskva.

Gazprom ghi nhận lợi nhuận giảm mạnh trong 2022

Tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Gazprom ghi nhận lợi nhuận ròng giảm hơn 41% trong năm 2022, ảnh hưởng bởi việc Nga tăng thuế dầu khí trong nửa cuối năm 2022.

Cụ thể, lợi nhuận ròng của Gazprom trong năm 2022 đạt 1.226 tỷ ruble (15,29 tỷ USD), trong khi mức lợi nhuận của năm 2021 là 2.093 tỷ ruble (26,1 tỷ USD). Theo lý giải của Gazprom, lợi nhuận của công ty chịu ảnh hưởng bởi việc Nga tăng các khoản nộp thuế trong nửa sau của năm 2022.

Ban lãnh đạo Gazprom cũng thông báo rằng công ty có thể chỉ trả cổ tức cho nửa đầu năm 2022 chứ không chia cổ tức cả năm do tình hình kinh doanh đi xuống. 

Theo https://petrotimes.vn/

Ý kiến của bạn