Tin tức

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 24/7/2023

25/07/2023, 09:15
Chia sẻ:

Giá dầu sẽ tăng nhờ nhu cầu từ Trung Quốc và Ấn Độ; Các dự án điện gió lớn nhất thế giới rơi vào khủng hoảng; Indonesia vượt xa mức tăng trưởng đầu tư thượng nguồn trên thế giới… là những tin tức nổi bật về năng lượng ngày 24/7/2023.

GianPPD40000                                                                                                       Ảnh minh họa
 

Giá dầu sẽ tăng nhờ nhu cầu từ Trung Quốc và Ấn Độ

Phát biểu bên lề cuộc họp các Bộ trưởng Năng lượng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Tổng thư ký Diễn đàn Năng lượng Quốc tế (IEF) Joseph McMonigle cho hay giá dầu thế giới sẽ tăng trong nửa cuối năm do nguồn cung khó có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ.

Theo đánh giá của ông McMonigle, giá dầu tăng là do nhu cầu ngày càng cao từ Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới - và Ấn Độ. Tổng thư ký IEF cho biết khi kết hợp, Ấn Độ và Trung Quốc sẽ cần thêm tới 2 triệu thùng dầu mỗi ngày do nhu cầu tăng trong nửa cuối năm nay.

Khi được hỏi liệu giá dầu có thể một lần nữa tăng vọt lên ngưỡng 100 USD/thùng hay không, ông lưu ý rằng giá đã ở mức 80 USD/thùng và có khả năng tăng cao hơn từ đây. Ông chỉ ra rằng số dầu dự trữ trong các kho trên toàn cầu đã giảm mạnh hơn dự kiến. Đây là tín hiệu cho thị trường biết rằng nhu cầu chắc chắn đang tăng lên.

Tuy nhiên, ông McMonigle tin tưởng rằng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối khác (được gọi chung là OPEC+) sẽ hành động và tăng nguồn cung, trong trường hợp thế giới không chịu nổi “kịch bản mất cân bằng cung - cầu nghiêm trọng”.

Các dự án điện gió lớn nhất thế giới rơi vào khủng hoảng

Theo Bloomberg, trong tuần qua, Công ty Avangrid, đơn vị thành viên của Iberdrola (Tây Ban Nha), nhà phát triển điện gió lớn nhất thế giới, đồng ý nộp phạt 48 triệu đô la để hủy hợp đồng bán điện từ dự án điện gió Commonwealth Wind đã được lên kế hoạch thi công ở ngoài khơi bờ biển bang Massachusetts (Mỹ).

Trong khi đó, gói thầu cung cấp năng lượng gió ngoài khơi cho bang Rhode Island (Mỹ) của tập đoàn phát triển điện gió Orsted (Đan Mạch) không được phê duyệt do cơ quan năng lượng của bang này cho rằng lãi suất tăng cao, khiến chi phí gói thầu trở nên quá đắt đỏ. Cũng trong tuần, Vattenfall, công ty điện lực nhà nước Thụy Điển, tuyên bố rút khỏi kế hoạch phát triển dự án điện gió Norfolk Boreas ở ngoài khơi bờ biển nước Anh vì chi phí cao do lạm phát.

3 dự án điện gió xa bờ ở Anh và Mỹ bị hủy bỏ do chi phí đội lên cao so với dự kiến ban đầu trong bối cảnh lãi suất và lạm phát tăng. 3 dự án điện gió bị hủy bỏ nói trên có công suất tổng cộng dự kiến 3,5 GW, cao hơn 11% tổng công suất điện gió xa bờ hiện đang được triển khai ở các vùng biển của Mỹ và châu Âu. Nhưng những con số đó có thể sớm tăng lên.

Châu Á tăng mua dầu thô của Mỹ

Các nhà máy lọc dầu châu Á đã đặt mua khối lượng dầu thô Mỹ gần mức kỷ lục để giao hàng vào tháng 8, thay thế dầu Trung Đông, do giá cả cạnh tranh và nguồn cung dồi dào, theo các nguồn tin thương mại.

Các thương nhân cho biết khoảng 1,5-1,9 triệu thùng/ngày (bpd) dầu thô của Mỹ, chủ yếu là West Texas Middle (WTI) Midland, sẽ được chuyển đến châu Á vào tháng tới. Theo dữ liệu theo dõi vận chuyển từ Kpler, con số này sẽ kém hơn mức kỷ lục 2,2 triệu thùng/ngày được vận chuyển vào tháng 4.

Dòng dầu thô lớn của Mỹ đến châu Á được hỗ trợ bởi mức chiết khấu cao của WTI so với dầu tiêu chuẩn Dubai của Trung Đông, điều này giúp việc vận chuyển dầu từ Mỹ trở nên kinh tế hơn đối với khách hàng châu Á. Ngoài ra, dầu thô của Mỹ được săn đón hơn vì các nhà máy lọc dầu châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc, tìm cách thay thế dầu thô đắt đỏ của Ả Rập Xê-út sau khi gã khổng lồ nhà nước Saudi Aramco tăng giá bán chính thức (OSP) trong 2 tháng liên tiếp.

Indonesia vượt xa mức tăng trưởng đầu tư thượng nguồn trên thế giới

Ngành công nghiệp dầu khí thượng nguồn của Indonesia đã ghi nhận mức tăng trưởng đầu tư “đáng kể” là 21% lên 5,7 tỷ USD trong nửa đầu năm 2023, từ mức 4,7 tỷ USD được ghi nhận trong cùng kỳ năm 2022, theo The Jakarta Post.

Chủ tịch Cơ quan Điều tiết Dầu khí Thượng nguồn Indonesia (SKK Migas) Dwi Soetjipto đã mô tả mức tăng trưởng 21% là “đáng kể” khi so sánh với mức tăng đầu tư dầu khí toàn cầu chỉ là 5,4%.

Đến cuối năm 2023, tổng đầu tư dự kiến sẽ đạt 15,5 tỷ USD, tăng 28% so với khoản đầu tư thực hiện vào năm 2022 là 12,1 tỷ USD. Nếu điều này thành hiện thực, khoản đầu tư năm nay sẽ là thành tích cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. “Đây là một xu hướng tích cực đối với môi trường đầu tư dầu khí thượng nguồn ở Indonesia”, ông Dwi nhận định.

Theo https://petrotimes.vn/

Ý kiến của bạn