Tin tức

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 25/4/2023

27/04/2023, 10:13
Chia sẻ:

Biển Bắc sẽ là trung tâm năng lượng xanh lớn nhất thế giới; Litva kêu gọi Latvia, Estonia sớm rút khỏi hiệp ước lưới điện với Nga; Trung Quốc tăng mạnh điện than bất chấp cam kết giảm khí thải… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng ngày 25/4/2023.
 

nhip-dap-thi-truong-nang-luong-ngay-2542023-20230425162330                        Biển Bắc đã tăngmục tiêu điện gió đến năm 2030 từ 65GW lên 134GW. Ảnh minh họa: Windpowermonthly

Biển Bắc sẽ là trung tâm năng lượng xanh lớn nhất thế giới

 

Hội nghị thượng đỉnh Biển Bắc lần thứ hai diễn ra tại thành phố Ostend, Vương quốc Bỉ đặt ra mục tiêu tham vọng là tập hợp những nỗ lực của các quốc gia ở Biển Bắc (bao gồm cả Biển Celtic cũng như Biển Ireland) nhằm khai thác triệt để tiềm năng năng lượng và công nghiệp của mình và biến nó thành nhà máy điện lớn nhất ở châu Âu vào năm 2050.

 

Ngoài bốn quốc gia sáng lập: Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch và Đức, sự kiện năm nay ghi nhận sự tham gia của năm đối tác khác: Na Uy, Vương quốc Anh, Ireland, Pháp và Luxembourg. Việc mở rộng liên minh Biển Bắc này đã giúp nâng cao tham vọng lắp đặt các công viên điện gió ngoài khơi.

 

Như vậy, mục tiêu điện gió đến năm 2030 đã tăng từ 65GW lên 134GW, trong khi mục tiêu đến năm 2050 tăng từ 150GW lên 300GW. Theo Ủy ban châu Âu (EC), mục tiêu này cần khoản đầu tư 800 tỷ euro (884,5 tỷ USD). Để đạt được mục tiêu này, ngoài các trang trại gió, cần cả cơ sở hạ tầng kết nối, chuỗi công nghiệp, dự án hydro xanh.

 

Litva kêu gọi Latvia, Estonia sớm rút khỏi hiệp ước lưới điện với Nga

 

Litva (Lithuania) sẽ đưa ra quyết định về việc có sớm rút khỏi hiệp ước quản lý mạng lưới điện chung của Nga, Belarus và 3 nước vùng Baltic hay không trước ngày 6/8, dựa trên đánh giá các nghiên cứu về tác động tiềm tàng, Bộ trưởng Năng lượng Litva Dainius Kreivys cho biết hôm 24/4.

 

Ba quốc gia đã ký một thỏa thuận vào năm 2018 về tách khỏi hệ thống lưới điện BRELL thời Liên Xô với Nga và Belarus và tham gia vào lưới điện châu Âu vào năm 2025, nhưng Litva muốn đẩy nhanh việc thực hiện thỏa thuận này lên đầu năm 2024. Trong khi đó, Latvia và Estonia đều chưa đồng ý với một mốc thời gian sớm hơn.

 

“Tất nhiên, lý tưởng nhất là khi tất cả chúng ta cùng đồng bộ hóa với lục địa châu Âu, tất cả chúng ta - Litva, Latvia và Estonia, không loại trừ bất kỳ nước nào. Tôi hy vọng chúng ta sẽ tiếp tục tuân theo chính sách này, chiến lược này và sẽ giải quyết mọi vấn đề trong quá trình thực hiện”, Tổng thống Litva Gitanas Nausea nói với phóng viên.

 

Các cách giúp EU không phụ thuộc vào năng lượng của Nga

 

Ngày 24/4, phát biểu tại cuộc họp báo sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Biển Bắc diễn ra tại Bỉ, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã đánh giá rằng đây là năm xảy ra cuộc khủng hoảng năng lượng và nguyên nhân của vấn đề này bắt nguồn từ cuộc xung đột Nga-Ukraine.

 

Mặc dù vậy, theo bà von der Leyen, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã cùng nhau vượt qua cuộc khủng hoảng này cũng như thoát khỏi sự phụ thuộc của Khối vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.

 

Để làm được điều này, EU đã đa dạng hóa các nguồn cung năng lượng bằng cách chuyển sang các đối tác đáng tin cậy. Bên cạnh đó là tiết kiệm và đầu tư năng lượng tái tạo. Chủ tịch EC khẳng định, người dân EU hiện đã giảm 20% mức tiêu thụ năng lượng song điều quan trọng nhất là EU đã đầu tư rất nhiều vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.

 

Hungary tuyên bố sẽ phản đối lệnh trừng phạt đối với năng lượng hạt nhân của Nga

 

Ngày 24/4, Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế Đối ngoại Hungary Szijjarto Peter cho biết, Hungary sẽ không ủng hộ lệnh trừng phạt đối với năng lượng hạt nhân của Nga.

 

Theo Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế đối ngoại Szijjarto Peter, sở dĩ Hungary tuyên bố sẽ phản đối lệnh trừng phạt trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân đối với Nga, vì nếu có lệnh trừng phạt này việc đảm bảo an ninh năng lượng của Hungary sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian tới.

 

Ông Szijjarto Peter cũng tuyên bố Hungary phản đối việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, cho rằng điều này không giúp giải quyết được tình hình ở Ukraine, mà chỉ làm kéo dài chiến tranh. Động thái của Hungary là sự phản ứng trước lời kêu gọi của Litva đề nghị áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân và lời kêu gọi tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine.

 

Trung Quốc tăng mạnh điện than bất chấp cam kết giảm khí thải

 

Dù đã đặt mục tiêu giảm sử dụng than đá và phát triển các nguồn năng lượng sạch, Trung Quốc hiện đang đẩy mạnh sản xuất điện than nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, theo tờ Guardian của Anh.

 

Tờ Guardian dẫn số liệu cho thấy chính quyền Trung Quốc chính thức phê duyệt việc tăng mạnh điện than, việc cung cấp năng lượng trong quý I/2023 sẽ được ưu tiên hơn cam kết giảm khí thải từ nhiên liệu hóa thạch của quốc gia này trước đó.

 

Theo phân tích của tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace, từ tháng 1 đến tháng 3/2023, có ít nhất 20,45GW điện than đã được phê duyệt, tăng 8,63GW so với cùng kỳ năm trước và nhiều hơn của cả năm 2021 (chỉ 18GW điện than được phê duyệt).

Theo https://petrotimes.vn/

Ý kiến của bạn