Tin tức

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 27/7/2023

28/07/2023, 09:18
Chia sẻ:

Thúc đẩy hợp tác các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch Việt - Nhật; Ả Rập Xê-út có khả năng gia hạn cắt giảm sản lượng dầu; Thị trường dầu mỏ Mỹ trở nên sôi động… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 27/7/2023.

dau-khi-17742
                                                                                                            Ảnh minh họa
 

Thúc đẩy hợp tác các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch Việt - Nhật

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà sáng 27/7 đã tiếp ông Steven Winn, Giám đốc Chiến lược toàn cầu kiêm Giám đốc điều hành cấp cao Tập đoàn Năng lượng JERA (Nhật Bản) tại Trụ sở Chính phủ.

Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp năng lượng Nhật Bản và Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ trong triển khai những dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo theo Quy hoạch điện VIII trên tinh thần "chuyển giao công nghệ để cùng phát triển và chia sẻ lợi nhuận".

Ông Steven Winn cho biết, JERA đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực điện khí, điện gió ngoài khơi với công nghệ tiên tiến nhất. Lãnh đạo JERA mong muốn được tham gia quá trình chuyển đổi nhà máy điện than sang điện khí có phối trộn thêm các loại nhiên liệu mới như hydro xanh, amoniac xanh, sinh khối, kết hợp thu hồi, chôn lấp carbon… tại Việt Nam.

Ả Rập Xê-út có khả năng gia hạn cắt giảm sản lượng dầu

Ả Rập Xê-út - nhà khai thác hàng đầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã đưa ra đợt cắt giảm bổ sung trong tháng này nhằm hỗ trợ giá dầu cao hơn trong bối cảnh nhu cầu giảm. Nhóm người tham gia cuộc khảo sát của Bloomberg đã dự đoán Ả Rập Xê-út sẽ giảm bớt việc cắt giảm bằng cách khôi phục 250.000-500.000 thùng/ngày.

James Davis, Giám đốc Dịch vụ Dầu mỏ toàn cầu tại công ty tư vấn FGE, nói với Bloomberg: "Có nhiều bằng chứng cho thấy Ả Rập Xê-út bắt đầu nới lỏng các khoản cắt giảm vào tháng 9. Thị trường đang kêu gọi những thùng dầu này và các nhà máy lọc dầu đang tranh giành để nắm giữ chúng".

Việc cắt giảm sản lượng dường như đã phát huy tác dụng, với giá dầu tăng khoảng 12% trong tháng qua lên khoảng 83 USD/thùng. Tuy nhiên, giá dầu hiện tại có thể quá thấp đối với Ả Rập Xê-út vì nước này cần dầu thô ở mức 100 USD/thùng để cân bằng sổ sách.

OPEC+ đã hành động đủ để ổn định thị trường

Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất Suhail Al Mazrouei cho biết việc cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện của các nước xuất khẩu dầu có thể khiến giá dầu thô tăng cao và ảnh hưởng đến nhu cầu.

Ngoài ra, Bộ trưởng UAE cho biết ông không lo lắng về nhu cầu dầu mỏ và mô tả đầu tư hạn chế là thách thức lớn nhất. Nhận xét của Al Mazrouei được đưa ra khi Goldman Sachs ước tính nhu cầu kỷ lục trên thị trường dầu mỏ sẽ đẩy giá dầu thô lên cao hơn trong thời gian tới.

Daan Struyven, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu dầu mỏ của Goldman nói với CNBC: “Chúng tôi dự đoán mức thâm hụt khá lớn trong nửa cuối năm với mức thâm hụt gần 2 triệu thùng mỗi ngày trong quý thứ ba do nhu cầu đạt mức cao nhất mọi thời đại”. Ngân hàng dự báo dầu thô Brent sẽ tăng từ mức trên 80 USD/thùng hiện nay lên 86 USD/thùng vào cuối năm nay.

Thị trường dầu mỏ Mỹ trở nên sôi động

Theo công ty phân tích năng lượng Enverus hôm 25/7, trong quý thứ hai, các hợp đồng thăm dò và khai thác dầu đã thu về cho Mỹ số tiền 24 tỷ USD - cao gần gấp 3 lần so với quý đầu tiên. Nhờ triển vọng ổn định về giá dầu tại Mỹ, nhiều công ty cổ phần tư nhân đã bán lại một số tài sản.

Có đến 20 giao dịch có giá trị bình quân là 1,8 tỷ USD. Dầu thô theo hợp đồng tương lai đang được giao dịch trong khoảng 74-77 USD/thùng cho đến tháng 4/2024. Enverus cho biết, nhiều công ty cổ phần tư nhân đã rời khỏi hoạt động giao dịch dầu mỏ. Trong năm nay, chỉ có 10 công ty đầu tư vào thăm dò và khai mới được thành lập, so với 100 công ty/năm trong thập niên trước.

Ông Andrew Dittmar - Giám đốc của Enverus, cho biết hầu hết hoạt động M&A đều diễn ra trong lĩnh vực dầu đá phiến của Mỹ vì các công ty muốn tìm cách có thêm diện tích khai thác dầu. Ovintiv đã chi 4,3 tỷ USD cho 3 hợp đồng mua lại mỏ giếng dầu từ bể dầu Permian. Còn Civitas Resources chi tổng cộng 4,7 tỷ USD cho hai tài sản thuộc sở hữu tư nhân. Thỏa thuận lớn nhất trong quý là phi vụ Chevron mua lại PDC Energy với số tiền 7,6 tỷ USD.

Theo https://petrotimes.vn/

Ý kiến của bạn