Chốt giá tạm cho 40 dự án điện gió, mặt trời chuyển tiếp; Ả Rập Xê-út mua 174.000 thùng xăng dầu từ Nga mỗi ngày; Nhập khẩu LNG của châu Âu đang gia tăng… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 28/5/2023.
Với những lợi ích thực tiễn, mô hình khai thác năng lượng gió đang được triển khai rộng khắp tại Việt Nam. Ảnh minh họa: TXXVN
Chốt giá tạm cho 40 dự án điện gió, mặt trời chuyển tiếp
Ngày 27/5, Công ty Mua bán điện (trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) đã hoàn thành đàm phán ký biên bản và ký tắt hợp đồng mua bán điện với 40/85 chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo đề xuất giá tạm 50% khung giá trần.
Cùng ngày, EVN có văn bản trình Bộ Công Thương xem xét, thông qua đối với 40 chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đề xuất giá tạm. Theo cơ quan quản lý, sau khi đàm phán xong, thống nhất giá thì sẽ được thanh quyết toán theo giá chính thức kể từ ngày phát lên lưới điện.
Đến thời điểm hiện tại, đã có 19 dự án (hoặc một phần dự án) tổng công suất 1.347 MW đã được Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm và ký hợp đồng mua bán điện. Ngoài ra, có 16 dự án đã nối lưới, đã và đang tiến hành thử nghiệm; trong đó có 5 dự án tổng công suất 391 MW đã hoàn thành thử nghiệm, đang thực hiện các thủ tục để phát điện thương mại.
Pin mặt trời xuất Mỹ tiếp tục được miễn 3 loại thuế
Thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), ngày 24/5, Hạ viện Mỹ đã tổ chức bỏ phiếu lại đối với Nghị quyết của Quốc hội, đề xuất bãi bỏ việc miễn thuế cho pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ một số nước Đông Nam Á (bao gồm Malaysia, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam), sau khi bị Tổng thống Mỹ Joe Biden phủ quyết ngày 16/5 vừa qua.
Quyền phủ quyết của Tổng thống Joe Biden chỉ có thể bị đảo ngược khi tỷ lệ thông qua đạt 2/3 số phiếu ở cả 2 Viện. Tuy nhiên, trong cuộc bỏ phiếu vừa qua tại Hạ viện, với 214 phiếu thuận và 205 phiếu chống (theo CNN), Hạ viện đã không thể đảo ngược quyền phủ quyết của Tổng thống Joe Biden.
Như vậy, nhà xuất khẩu pin năng lượng mặt trời từ các nước Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam) sang thị trường Mỹ tiếp tục được miễn thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp và chống lẩn tránh thuế.
Ả Rập Xê-út mua 174.000 thùng xăng dầu từ Nga mỗi ngày
Bloomberg dẫn báo cáo từ công ty phân tích Kpler cho biết, Ả Rập Xê-út đã nhập khẩu 174.000 thùng dầu diesel và xăng mỗi ngày từ Nga trong tháng 4, con số này trong tháng 3 chỉ khoảng 137.700 thùng. Kpler dự báo nhập khẩu dầu diesel và xăng từ Nga của Ả Rập Xê-út sẽ sớm tăng lên 191.200 thùng/ngày, đánh dấu mức tăng kỷ lục kể từ năm 2017.
Cũng theo Kpler, Ả Rập Xê-út đang nổi lên là nhà cung cấp xăng dầu số một của Liên minh châu Âu (EU), chính thức vượt qua Nga kể từ tháng 2/2023. Tuy nhiên, Ả Rập Xê-út không bán lại dầu diesel và xăng mua từ Nga cho EU vì hành động này sẽ bị coi là vi phạm các biện pháp trừng phạt do khối áp đặt đối với ngành xuất khẩu năng lượng của Moskva.
Theo nguồn tin của Bloomberg, việc Ả Rập Xê-út tăng sản lượng các nhà máy lọc dầu đã giúp nước này đáp ứng được các hợp đồng xuất khẩu xăng dầu sang EU. Mặt khác, Ả Rập Xê-út tăng sản lượng các mỏ khai thác dầu thô của nước này nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Nhập khẩu LNG của châu Âu đang gia tăng
Công suất nhập khẩu LNG của châu Âu dự kiến tăng 74% trong vài năm tới dựa trên các dự án đã công bố cho đến nay, Fitch Ratings cho biết trong một báo cáo mới.
Theo dự đoán của Fitch Ratings, lượng mua LNG của “lục địa già” sẽ tăng thêm lên 155bcm vào năm 2023, sau khi tăng 45bcm so với cùng kỳ lên 120bcm vào năm 2022. Đồng thời, châu Âu sẽ có thể đạt mức mức mua hàng cần thiết.
Trong năm 2023, giá khí đốt tự nhiên của châu Âu đã giảm đáng kể so với mức cao nhất được ghi nhận vào năm 2022. Thời tiết mùa đông ấm bất thường, nguồn cung LNG dồi dào và nhu cầu giảm dẫn đến mức lưu trữ khí đốt tự nhiên của EU trên mức trung bình. Các kho chứa khí đốt ở EU đang ở mức 65% công suất và rất có khả năng chúng sẽ đạt công suất tối đa trước mùa đông.
Ả Rập Xê-út và Nga căng thẳng về chuyện giảm lượng dầu
Ả Rập Xê-út, nhà lãnh đạo trên thực tế của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), đã bày tỏ sự tức giận với Nga vì cho rằng Điện Kremin không tuân thủ đầy đủ cam kết giảm sản lượng dầu để đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây. Wall Street Journal dẫn lời các nguồn tin cho biết các quan chức Ả Rập Xê-út đã phàn nàn điều này với các quan chức cấp cao của Nga và yêu cầu họ tôn trọng thỏa thuận giảm sản xuất dầu.
Xích mích giữa hai nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới xuất hiện trước thềm cuộc họp quan trọng giữa các thành viên của OPEC và nhóm các nhà sản xuất dầu do Nga dẫn đầu, được gọi là liên minh OPEC+, tại Vienna (Áo) vào ngày 4/6.
Liên minh này dự kiến sẽ thảo luận và công bố kế hoạch sản xuất cho nửa cuối năm trong bối cảnh có nhiều lo ngại rằng kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại, làm giảm nhu cầu năng lượng.
Nhật Bản muốn thu năng lượng mặt trời từ vũ trụ
Một dự án đối tác công - tư tại Nhật Bản đang có kế hoạch thử nghiệm công nghệ thu năng lượng mặt trời từ vũ trụ và truyền tải về Trái Đất, Nikkei Asia đưa tin hôm 27/5.
Năng lượng mặt trời sẽ được chuyển thành sóng vi ba - loại sóng có thể truyền qua mây, do đó đảm bảo sự ổn định bất chấp thời tiết - và chuyển xuống các trạm thu nhận trên Trái Đất. Các trạm này sẽ lưu trữ năng lượng dưới dạng hóa học.
Dự án đã thực hiện thành công thí nghiệm truyền tải năng lượng ở cự ly ngắn và sẽ thử nghiệm thêm ở các cự ly dài hơn trong tương lai. Trong năm tài khóa 2025, các nhà khoa học dự kiến sử dụng các vệ tinh nhỏ để thử nghiệm truyền tải năng lượng từ vũ trụ xuống mặt đất.
Theo https://petrotimes.vn/