Tin tức

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 29/6/2023

30/06/2023, 08:18
Chia sẻ:

EU đạt bước tiến mới về dự luật năng lượng tái tạo; Dầu Nga chiếm gần một nửa lượng dầu nhập khẩu của Ấn Độ; OPEC tổ chức Diễn đàn năng lượng quốc tế vào ngày 5-6/7… là những tin tức nổi bật về năng lượng ngày 29/6/2023.

194436-gia-da-u-o-chau-a-gia-m-sau-do-quan-nga-i-du-thua-du-tru-
                                                                                      Ảnh mih họa: TTXVN

 

Đề xuất mô hình kho LNG trung tâm

Để thúc đẩy sự phát triển bền vững, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đề xuất hệ thống hạ tầng điện khí LNG của Việt Nam cần được phát triển theo mô hình kho LNG trung tâm (LNG Hub).

Theo đó, các kho LNG trung tâm công suất lớn cung cấp nguồn khí tái hóa cho các nhà máy nhiệt điện khí, kết nối đồng bộ với hệ thống đường ống trục vận chuyển khí tái hóa/hệ thống vận chuyển và phân phối LNG đường biển (đường biển/sông, đường bộ, đường sắt) đến các hộ tiêu thụ. Các nhà máy điện khí LNG sẽ đấu nối đường ống để nhận khí từ đường ống trục.

Với mô hình này, dự kiến chỉ cần 3 kho cảng LNG trung tâm (LNG Hub) công suất 3-6 triệu tấn/năm/kho (có khả năng nâng công suất lên 10 triệu tấn/năm để dự phòng mở rộng), đặt tại 3 khu vực chính là: Khu vực Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), khu vực Sơn Mỹ (tỉnh Bình Thuận) và khu vực phía Bắc (Bắc Trung Bộ).

EU đạt bước tiến mới về dự luật năng lượng tái tạo

Ngày 28/6, một ủy ban trong Nghị viện châu Âu (EP) đã ủng hộ các mục tiêu năng lượng tái tạo mới của Liên minh châu Âu (EU), với mục tiêu đến năm 2030, đạt 42,5% năng lượng đến từ các nguồn tái tạo thay vì ở mức 32% như hiện nay, nhưng phản đối việc cho phép các nhà máy amoniac của Pháp và các nước khác có thể được miễn trừ và tăng cường năng lượng hạt nhân. Theo kế hoạch, dự luật trên vẫn cần được toàn thể EP và các nước EU chính thức thông qua để có hiệu lực.

Trước đó, hồi tháng 3 năm nay, các nước EU và EP đã đạt được thỏa thuận về dự luật năng lượng tái tạo. Tuy nhiên thỏa thuận này đã bị Pháp và một số quốc gia khác trì hoãn trong nhiều tuần nhằm tìm kiếm sự công nhận lớn hơn đối với năng lượng hạt nhân - loại năng lượng phát thải carbon thấp nhưng không thể tái tạo.

Bế tắc được khai thông trong tháng này khi Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra cam kết bằng văn bản với Pháp rằng sẽ xem xét miễn trừ một số nhà máy amoniac nhất định khỏi các mục tiêu nhiên liệu tái tạo, theo đó cho phép các nhà máy này chạy bằng nhiên liệu hạt nhân. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng điều này không nên tạo tiền lệ nếu không toàn bộ quy trình lập pháp thông thường sẽ mất ý nghĩa.

Dầu Nga chiếm gần một nửa lượng dầu nhập khẩu của Ấn Độ

Theo dữ liệu từ Công ty phân tích Kpler, dầu Nga chiếm 46% tổng lượng dầu nhập khẩu của Ấn Độ vào tháng trước. Đây là “bước nhảy vọt đáng kinh ngạc” từ mức nhập khẩu dưới 2% trước khi phương Tây hạn chế mua dầu thô của Nga.

Các lô hàng từ Trung Đông - những nhà cung cấp dầu truyền thống của Ấn Độ - đã tụt lại phía sau Moskva, trong bối cảnh New Delhi tăng cường mua dầu của Nga với mức chiết khấu cao, sau khi các quốc gia phương Tây áp đặt mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô Nga xuất khẩu bằng đường biển.

Tuy nhiên, nguồn tin chỉ ra rằng không phải tất cả các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ đều tăng cường nhập khẩu dầu của Nga. Một số nhà máy này không xử lý được các hỗn hợp dầu thô nặng hơn. Hãng tin cho biết dù cấu trúc của các nhà máy lọc dầu vẫn là một yếu tố hạn chế, nhưng việc định giá dầu mỏ hợp lý và dòng vốn đầu tư để nâng cấp cơ sở hạ tầng có thể thay đổi tình hình trong vòng 3 hoặc 4 năm tới.

OPEC tổ chức Diễn đàn năng lượng quốc tế vào ngày 5-6/7

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ tổ chức Diễn đàn năng lượng quốc tế lần thứ 8 tại Vienna (Áo) trong 2 ngày 5-6/7. Diễn đàn năm nay có chủ đề "Hướng tới quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững và toàn diện". Trong khuôn khổ diễn đàn, sẽ diễn ra một loạt các hội nghị bàn tròn cấp cao, các phiên họp cấp bộ trưởng và triển lãm.

Tham dự hội nghị có bộ trưởng các nước thành viên OPEC và các nước tiêu thụ, sản xuất dầu khác cũng như đại diện các tổ chức quốc tế, công ty năng lượng và dầu mỏ, các học giả và chuyên gia. Tổng Thư ký OPEC Haitham Al Ghais, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman và Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất Suhail Mohamed Al Mazrouei sẽ là những diễn giả tại sự kiện này.

Những người tham gia sẽ thảo luận về cách thức giải quyết các vấn đề và thách thức chính mà ngành năng lượng và dầu mỏ phải đối mặt, bao gồm quá trình chuyển đổi năng lượng, xóa đói giảm nghèo năng lượng, an ninh năng lượng, chính sách biến đổi khí hậu, đầu tư, công nghệ và đổi mới.

https://petrotimes.vn/

Ý kiến của bạn