Bộ Công Thương đề xuất thay đổi thẩm quyền điều chỉnh giá điện; Giá dầu có thể hướng tới mốc 100 USD/thùng; EU lại đang lãng phí sản lượng năng lượng mặt trời… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 3/8/2023.
Bộ Công Thương đề xuất thay đổi thẩm quyền điều chỉnh giá điện
Tại Tờ trình sửa đổi Luật Điện lực gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Công Thương đề nghị ban hành cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân tại Luật Điện lực theo hướng giao Chính phủ quy định thay vì Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế điều chỉnh như hiện tại.
Việc thay đổi này, theo đề xuất của Bộ Công Thương là Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện, trong đó quy định cụ thể thẩm quyền điều chỉnh giá điện theo từng mức điều chỉnh giá.
Do đó, Bộ Công Thương đề xuất sửa đổi quy định tại Luật Điện lực liên quan đến cơ chế điều chỉnh giá điện theo hướng sửa đổi quy định về thẩm quyền ban hành cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân tại Luật Điện lực theo hướng giao Chính phủ quy định (dưới dạng Nghị định của Chính phủ) thay vì Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế điều chỉnh như tại Luật Điện lực hiện hành (Quyết định của Thủ tướng Chính phủ).
Việc này nhằm đảm bảo nguyên tắc chung là Chính phủ đóng vai trò ban hành thể chế pháp luật, cơ chế chính sách về điều chỉnh giá điện, phù hợp với định hướng tại Nghị quyết số 55-NQ/TW, phù hợp với thực tiễn điều chỉnh giá điện thời gian qua, phù hợp với Luật Tổ chức Chính phủ.
EVN đảm bảo cung cấp điện ổn định trong tháng 8
Dựa trên dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dự kiến sản lượng tiêu thụ điện bình quân ngày toàn hệ thống ở mức 825,8 triệu kWh/ngày, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2022. Tình hình cung cấp điện trong tháng 8 dự kiến vẫn tiếp tục được đảm bảo.
EVN cũng cho biết sẽ tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án Nhiệt điện Quảng Trạch I; các dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Ialy mở rộng, Trị An mở rộng; Thủy điện tích năng Bắc Ái.
Về lưới điện: Phê duyệt chủ trương đầu tư/điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án thuộc tuyến đường dây 500kV Quảng Trạch (Quảng Bình) - Phố Nối (Hưng Yên); giải quyết bàn giao mặt bằng thi công các trạm biến áp 500kV Vĩnh Yên, 220kV Bá Thiện; giải quyết vướng mắc về GPMB đường dây 500kV Sông Hậu - Đức Hòa; đóng điện mạch 2 đường dây 220kV Dốc Sỏi - Quảng Ngãi...
Giá dầu có thể hướng tới mốc 100 USD/thùng
Một số nhà phân tích tin rằng, giá dầu thô tương lai sẽ tiếp tục tăng thêm và có thể hướng tới mốc 100 USD/thùng, sau khi giao dịch trong phạm vi vài USD ở mức 80 USD/thùng từ đầu năm đến nay. Cụ thể, các nhà phân tích tại Socíeté Générale cho biết, dầu thô Brent có khả năng đạt 100 USD/thùng vào năm tới, trong khi các đối tác của họ tại Standard Chartered có dự báo ở mức 98 USD.
Khi được hỏi liệu giá dầu có thể một lần nữa tăng vọt lên ngưỡng 100 USD/thùng hay không, Tổng thư ký Diễn đàn Năng lượng quốc tế (IEF) lưu ý rằng, giá đã ở mức 80 USD/thùng và có khả năng tăng cao hơn từ đây. Ông không quên chỉ ra rằng, số dầu dự trữ trong các kho trên toàn cầu đã giảm mạnh hơn dự kiến. Đây là tín hiệu cho thị trường biết rằng, nhu cầu chắc chắn đang tăng lên.
Còn theo các nhà đầu tư và nhà phân tích, các yếu tố kỹ thuật cũng đang góp phần thúc đẩy đà tăng. Cho đến gần đây, hợp đồng tương lai dầu thô cho thấy vị thế bán ròng sâu nhất kể từ năm 2016, có nghĩa là nhiều nhà đầu tư đã sẵn sàng để hưởng lợi từ giá dầu rẻ hơn. Tuy nhiên, thị trường đã bắt đầu tái cân bằng, với một số quỹ phòng hộ ngừng đặt cược vào giá thấp hơn, và những người khác đặt cược rằng giá sẽ tiếp tục tăng.
EU lại đang lãng phí sản lượng năng lượng mặt trời
Mặc dù châu Âu tạo ra điện từ năng lượng mặt trời kỷ lục vào mùa hè này, nhưng các quốc gia phụ thuộc vào than đá như Ba Lan và Cộng hòa Séc lại đóng các nhà máy năng lượng mặt trời trong thời gian nhu cầu thấp bất ngờ, 17 tổ chức cho biết trong một bức thư ngày 1/8 gửi Ủy viên Năng lượng châu Âu Kadri Simson.
Theo các nhóm này, mặc dù giá năng lượng đã giảm xuống còn một phần nhỏ so với mức cao nhất của cuộc khủng hoảng, nhưng sự biến động vẫn tiếp tục làm rung chuyển thị trường trong bối cảnh rủi ro nguồn cung kéo dài và các sự kiện khí hậu. Cái gọi là định giá tiêu cực cũng có thể xảy ra đối với thị trường điện khi có quá nhiều công suất phát điện để đáp ứng nhu cầu.
Các nhóm này cho biết: “Sự biến động giá năng lượng không được giải quyết và giá âm quá thường xuyên sẽ đe dọa đến các khoản đầu tư vào các tài sản quang điện mặt trời mới". Các nhóm kêu gọi giới hạn lượng năng lượng mặt trời, thúc đẩy các dự án năng lượng mặt trời hybrid. Họ cũng kêu gọi thực hiện các biện pháp để đối phó với tình trạng định giá tiêu cực.
Thủ tướng Anh lên tiếng bảo vệ các chính sách về năng lượng
Trả lời phỏng vấn đài phát thanh LBC của Anh ngày 2/8, Thủ tướng nước này Rishi Sunak đã lên tiếng bảo vệ các chính sách của Chính phủ Anh về năng lượng trước sự chỉ trích của các nhà hoạt động môi trường. Ông Sunak lập luận rằng thành tích cắt giảm khí thải carbon của Anh tốt hơn so với các quốc gia trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7).
Anh đã thông qua mục tiêu đạt mức phát thải ròng khí carbon bằng 0 vào năm 2050 dưới thời cựu Thủ tướng Theresa May và đã nhanh chóng xây dựng ngành năng lượng tái tạo trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, việc phát triển năng lượng gió trên đất liền và ngoài khơi tại Anh đang gặp trở ngại do những thay đổi về mặt chính sách.
Điều này khiến một số nhà đầu tư trong lĩnh vực này lên tiếng yêu cầu Chính phủ Anh phải cải thiện các chính sách ưu đãi. Trong khi đó, Chính phủ Anh tiếp tục phát triển nhiên liệu hóa thạch và tháng 12 năm ngoái, Chính phủ Anh sau nhiều thập niên đã cho phép khai thác mỏ than mới nằm sâu trong lòng đất.
Theo https://petrotimes.vn/