Tin tức

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 4/11/2023

06/11/2023, 10:37
Chia sẻ:

Petrovietnam thúc đẩy hợp tác với các đối tác Âu, Mỹ về chuyển đổi năng lượng; Doanh thu dầu khí của Nga đạt mức cao nhất trong 18 tháng; Chỉ có Qatar, Nga, Mỹ mới có khả năng đảm bảo đáp ứng nhu cầu LNG toàn cầu… là những tin tức nổi bật về năng lượng ngày 4/11/2023.

bachho1Ảnh minh họa
 

Petrovietnam thúc đẩy hợp tác với các đối tác Âu, Mỹ về chuyển đổi năng lượng

Trong thời gian từ ngày 27 đến 31/10, đoàn công tác của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) do Phó Tổng giám đốc Dương Mạnh Sơn dẫn đầu tham gia tháp tùng Phó Chủ tịch Ủy Ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh thăm và làm việc với các đối tác tại CHLB Đức và Vương quốc Hà Lan. Tham gia cùng đoàn công tác có đại diện lãnh đạo các đơn vị PVGAS, PV Power và Công ty TNHH Kho cảng LNG Sơn Mỹ.

Tại CHLB Đức, đoàn có buổi làm việc với ông Jan-Benjamin Spitzley - Giám đốc Đối ngoại cao cấp và các lãnh đạo của Công ty Siemens Energy. Petrovietnam đề nghị Siemens xem xét khả năng hợp tác chuyển giao công nghệ để thực hiện dự án xuất khẩu năng lượng tái tạo từ Việt Nam sang Singapore. Siemens cho biết đang xem xét dịch chuyển các nhà máy năng lượng tái tạo của mình từ Trung Quốc sang các quốc gia khác. Do vậy đây sẽ là cơ hội để hai bên xem xét khả năng hợp tác trong thời gian tới.

Tại Amsterdam, Hà Lan, đoàn làm việc với lãnh đạo cấp cao Tập đoàn AES (Hoa Kỳ). Hai bên đã chia sẻ về định hướng đầu tư, phát triển và nhu cầu tìm kiếm đối tác cung cấp giải pháp tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo; hệ thống lưu trữ điện cho năng lượng tái tạo; cung cấp giải pháp về hydrogen…

14 doanh nghiệp công nghệ và năng lượng tái tạo Anh đến Việt Nam

Theo Đại sứ quán Anh tại Hà Nội, phái đoàn năng lượng Vương quốc Anh, gồm 14 doanh nghiệp Anh trong lĩnh vực công nghệ và dịch vụ năng lượng tái tạo, đã đến tiếp xúc và thảo luận cơ hội hợp tác với các đổi tác tiềm năng tại Việt Nam.

Chương trình làm việc của Phái đoàn bắt đầu tại Hội nghị Năng lượng gió ASEAN Wind Energy - nơi quy tụ gần 30 công ty tham gia. Tại đây, Đại sứ Anh tại Việt Nam, Iain Frew đã nhấn mạnh cam kết của Chính phủ Anh trong việc trở thành đối tác chuyển đổi năng lượng của Việt Nam thông qua các sáng kiến song và đa phương. Tiêu biểu là Chương trình Quan hệ Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Công bằng (JETP) được kì vọng sẽ điều phối 15,5 tỉ USD nhằm hiện thực hóa quá trình chuyển đổi xanh tại Việt Nam.

Phái đoàn cũng đã tham dự Diễn đàn Kinh tế Xanh tổ chức bởi Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu (EuroCham) và các buổi trao đổi trực tiếp với các nhà phát triển dự án để tham luận về cơ hội và thách thức của ngành công nghiệp tiềm năng này. Tại đây, ông Denzel Eades, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Anh tại Việt Nam, phát biểu: "Vương quốc Anh tin tưởng vào tiềm năng của thị trường điện gió ngoài khơi tại Việt Nam và các bước tiến tích cực về mặt chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực này trong thời gian qua. Các doanh nghiệp Anh với kiến thức chuyên môn sâu rộng rất mong được đóng góp vào thị trường sôi động này".

21 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp phát 761,7 triệu kWh lên lưới

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đến ngày 3/11/2023, số lượng dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện (EVNEPTC) để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện vẫn là 81/85 dự án, với tổng công suất 4.597,86 MW. Trong đó, có 69 dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp với tổng công suất 3.927,41 MW đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần. EVN và chủ đầu tư các dự án điện chuyển tiếp đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng mua bán điện (PPA) với 63/69 dự án; trong đó Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 62 dự án với tổng công suất 3.399,41 MW.

Số lượng dự án chuyển tiếp đã hoàn thành thủ tục COD, chính thức được phát điện thương mại lên lưới là 21 dự án/phần dự án điện gió, điện mặt trời với tổng công suất 1.201,42 MW. Lũy kế đến ngày 3/11/2023, các dự án năng lượng tái tạo (NLTT) chuyển tiếp hoàn thành thủ tục COD đã phát điện thương mại lên lưới với sản lượng điện tính từ thời điểm COD đạt gần 761,7 triệu kWh.

Cũng theo EVN, đến thời điểm hiện tại, có 24 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 30 dự án chuyển tiếp đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 40 dự án chuyển tiếp đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư. Như vậy, hiện vẫn còn 4 dự án điện chuyển tiếp với tổng công suất 136,70 MW chưa gửi hồ sơ đàm phán.

Doanh thu dầu khí của Nga đạt mức cao nhất trong 18 tháng

Doanh thu từ dầu khí của Nga tăng vọt trong tháng 10 lên mức cao nhất kể từ tháng 4 năm 2022 do giá dầu cao và việc chính phủ tạm dừng trợ cấp cho các nhà máy lọc dầu, Bloomberg đưa tin. Bộ Tài chính cho biết hôm 3/11 rằng số tiền thu ngân sách từ thuế đánh vào dầu khí đã tăng gần 28% trong tháng trước so với cùng kỳ, lên 1,63 nghìn tỷ rúp (17,6 tỷ USD). Thuế đánh vào dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ - chiếm gần 91% tổng doanh thu từ hydrocarbon trong tháng trước - đã tăng hơn gấp đôi.

Các ngành công nghiệp dầu khí của Nga mang lại nguồn doanh thu quan trọng cho kho bạc quốc gia trong bối cảnh chi tiêu quân sự ngày càng tăng và các khoản thanh toán cho người lao động trong khu vực công trước cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra vào tháng 3.

Trong những tháng gần đây, Moscow đã được hưởng lợi từ giá dầu toàn cầu tăng, một phần do sự hạn chế nguồn cung từ liên minh OPEC+ do Ả Rập Xê-út và Nga dẫn đầu. Điều đó đã nâng giá dầu thô của Nga vượt xa mức trần do Nhóm G7 đặt ra, đồng thời thu hẹp mức chênh lệch so với chuẩn dầu Brent toàn cầu.

Chỉ có Qatar, Nga, Mỹ mới có khả năng đảm bảo đáp ứng nhu cầu LNG toàn cầu

Giám đốc điều hành của Novatek - Leonid Mikhelson cho biết, nhu cầu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) ngày càng tăng trên toàn cầu chỉ có thể được đáp ứng bởi các cơ sở tài nguyên của Qatar, Nga và Mỹ. Ông nói: “Nhu cầu toàn cầu sẽ tăng lên và chỉ có ba cơ sở tài nguyên có thể đáp ứng được nhu cầu đó - Qatar, Nga và Mỹ. Hơn 70% sản lượng hóa lỏng toàn cầu hiện được lên kế hoạch dựa trên các cơ sở này”.

Mikhelson lưu ý rằng cơ sở tài nguyên của Qatar mang lại lợi nhuận cao và nhiều quyết định hiện đã được đưa ra nhằm tối đa hóa việc mở rộng các dự án LNG. Ông nói: “Trong năm 2026-2027, một số dự án mới sẽ được triển khai ở Qatar, do đó, chúng tôi tin rằng tình hình giá khí đốt sẽ ổn định”. Ông lưu ý rằng các công ty châu Âu hiện đang tích cực ký hợp đồng với Qatari LNG. Ông nói thêm: “Xin lưu ý rằng các hợp đồng gần đây đã được ký với thời hạn sau năm 2050”.

Qatar đang triển khai dự án mở rộng mỏ Severnoye, dự án sẽ nâng công suất sản xuất của nước này từ 77 triệu lên 126 triệu tấn LNG mỗi năm vào năm 2026. Khối lượng LNG đầu tiên trong dự án dự kiến ​​sẽ được sản xuất vào thời điểm này.

Niger vẫn vận hành đường ống dẫn dầu khổng lồ đến Bénin Bất chấp khủng hoảng

Đài truyền hình nhà nước Niger hôm 3/11, đưa tin, Thủ tướng Ali Mahaman Lamine Zeine- người được quân đội chỉ định lên nắm quyền ở Niger, đã tham dự lễ khánh thành đường ống dẫn dầu khổng lồ - chuyên chở dầu thô từ các mỏ dầu ở phía đông nam đến nước láng giềng Bénin.

Biên giới giữa Niger và Bénin đã bị đóng cửa do các biện pháp trừng phạt nặng nề được áp dụng sau khi quân đội nước này lên nắm quyền ngày 26/7 bởi Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS).

Đường ống dẫn dầu dài gần 2.000 km này sẽ cho phép Niger - một trong những quốc gia nghèo của thế giới, lần đầu tiên bán dầu thô của họ trên thị trường quốc tế, thông qua cảng Sèmè của Bénin. Thủ tướng Ali Mahaman Lamine Zeine tuyên bố tại lễ khánh thành: "Nguồn tài nguyên từ việc khai thác đường ống trên sẽ được sử dụng để đảm bảo chủ quyền và sự phát triển của đất nước".

Theo https://petrotimes.vn/

Ý kiến của bạn