Nhóm đối tác quốc tế thông qua kế hoạch huy động 15,5 tỷ USD hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi năng lượng; Trung Quốc mở rộng hệ thống đường ống khí đốt; Sản lượng nhiệt điện than toàn cầu ước tính đạt đỉnh trong năm nay… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 5/12/2023.
Nhóm đối tác quốc tế thông qua kế hoạch huy động 15,5 tỷ USD hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi năng lượng
Thông tin từ COP28 UAE, ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Biến đổi khí hậu, Môi trường và Năng lượng của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tại hội nghị này.
Theo đó, Nhóm đối tác quốc tế (IPG) gồm Liên minh châu Âu (EU), Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Ý, Canada, Đan Mạch và Na Uy đã thông qua kế hoạch huy động nguồn lực 15,5 tỷ USD trong vòng 3 - 5 năm tới để giải quyết nhu cầu cấp bách, mang tính xúc tác cho chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam. Các khoản vốn này được IPG cam kết huy động với điều kiện vay vốn hấp dẫn, hỗ trợ tư nhân thông qua các khoản đầu tư.
Để đạt được sự đồng thuận nảy của IPG, những ngày qua, trong các cuộc tiếp xúc song phương, đa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết sẽ sớm cụ thể các chính sách cho phát triển năng lượng tái tạo. Đặc biệt, sẽ chuẩn hóa hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn. Đây là cam kết hết sức quan trọng mà các doanh nghiệp, tập đoàn mong đợi từ lâu.
“Đây là dấu mốc quan trọng để Việt Nam đàm phán các khoản vay, các khoản đóng góp cụ thể để khoản 15,5 tỷ USD này giúp Việt Nam chuyển đổi năng lượng và dùng nó như đòn bẩy huy động các nguồn lực tư nhân trong chuyển đổi năng lượng, góp phần thực hiện kinh tế tuần hoàn. kinh tế số, kinh tế xanh”, ông Đào Xuân Lai nhận định.
Trung Quốc mở rộng hệ thống đường ống khí đốt
Chủ tịch Viện nghiên cứu kinh tế khu vực Trung Quốc - Nga Song Kui cho biết, nhu cầu về khí đốt của Nga ở Trung Quốc sẽ tăng lên trong bối cảnh mạng lưới khí đốt của nước này được mở rộng và chuyển sang các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường.
Tờ Global Times dẫn lời ông Song Kui: “Ngày càng nhiều thành phố của Trung Quốc chuyển sang sử dụng khí đốt tự nhiên thân thiện với môi trường, từ bỏ than và dầu, tìm cách giảm mức carbon tối đa và đạt mức trung tính về carbon”, “Việc xây dựng đường ống dẫn khí đến các thành phố ở đồng bằng sông Dương Tử và Thượng Hải sẽ khiến nhu cầu về khí đốt của Nga tăng cao hơn nữa”.
Ông Song Kui kỳ vọng những nỗ lực chung trong lĩnh vực năng lượng sẽ vẫn là “trọng tâm của tương tác kinh tế và thương mại” giữa hai nước. Ông cũng nhấn mạnh rằng các dự án song phương trong lĩnh vực khí đốt tự nhiên sẽ là “sự hợp tác vô cùng sống động”.
50 công ty dầu mỏ cam kết khử carbon vào năm 2030
Là một phần của COP 28, diễn ra từ ngày 30/11 đến ngày 12/12, 50 công ty dầu mỏ, chiếm khoảng 40% sản lượng toàn cầu đã ký kết “điều lệ khử carbon trong dầu khí”. Theo đó, công ty này, bao gồm các công ty nhà nước châu Phi như Công ty Dầu khí Quốc gia Libya (NOC), Sonangol của Angola cùng các công ty đa quốc gia như TotalEnergies, ExxonMobil, Shell và BP, phải khử carbon trong hoạt động sản xuất vào năm 2050, trong trung hạn phải đạt được độ trung hòa carbon và lượng khí thải mêtan gần như bằng 0 vào năm 2030.
Sáng kiến do Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ả Rập Saudi dẫn đầu, trong đó các công ty dầu mỏ đại chúng Adnoc và Saudi Aramco là các bên liên quan, huy động số lượng lớn các công ty quốc gia tham gia vào sáng kiến khử carbon cho đến nay.
Tuy nhiên, đây là một cam kết tối thiểu, điều lệ trong đó chỉ đề cập đến phát thải khí nhà kính từ các hoạt động khai thác và sản xuất. Trên thực tế, nó không bao gồm lượng khí thải liên quan đến việc sử dụng dầu khí được bán. Hơn nữa, cam kết tự nguyện này về cơ bản là không mang tính ràng buộc.
Saudi Arabia không đồng thuận việc loại bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với hãng tin Bloomberg bên lề COP28, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman tuyên bố Saudi Arabia - nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới - sẽ không đồng thuận với đề xuất loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, cho rằng đây là mục tiêu đầy thách thức.
Theo ông, Saudi Arabia cũng đang trong quá trình chuyển đổi năng lượng, đầu tư vào năng lượng tái tạo và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng khi nước này nỗ lực hướng tới phát triển nền kinh tế phát thải ít carbon từ nay đến năm 2030. Tuy nhiên, mục tiêu này không bao gồm việc cắt giảm phát thải carbon trong quá trình Sauri Arabia sản xuất 8,9 triệu thùng dầu mỗi ngày.
Trong khi đó, phát biểu tại COP28, ông Yasir Al-Rumayyan - Chủ tịch tập đoàn dầu mỏ Aramco của Saudi Arabia - cho rằng quá trình chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch ở mỗi nước có những lộ trình khác nhau. Theo ông, các nước đang phát triển và kém phát triển khó có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng, trong bối cảnh các lựa chọn thay thế cho nhiên liệu hóa thạch vẫn chưa dồi dào.
Sản lượng nhiệt điện than toàn cầu ước tính đạt đỉnh trong năm nay
Sản lượng nhiệt điện than toàn cầu dự kiến đạt đỉnh trong năm nay khi công suất mới của các nguồn năng lượng tái tạo và carbon thấp tiếp tục mở rộng nhanh chóng, theo nhận định của hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy.
Báo cáo của Rystad Energy, công bố hôm 4/12, ước tính các nhà máy nhiệt điện than trên thế giới sản xuất khoảng 10.373 TWh điện trong năm nay, sau đó giảm xuống còn 10.332 TWh trong năm tới. Dù mức suy giảm sản lượng điện than không lớn nhưng sự thay đổi này đánh dấu một kỷ nguyên mới. Các mô hình dự báo của Rystad Energy chỉ ra rằng hoạt động đốt than để sản xuất điện sẽ bước vào đà suy giảm trong dài hạn kể từ năm 2024 khi sản lượng điện gió và mặt trời ngày càng tăng.
Theo Rystad Energy, nguồn cung điện từ các nguồn năng lượng tái tạo dự kiến vượt mức tăng trưởng sản lượng tổng thể của ngành điện, khiến nhiệt điện than bắt đầu bị thay thế vào năm sau và sự thay thế này tăng tốc trong những năm tiếp theo.
Theo https://petrotimes.vn/