Australia - Việt Nam thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng; OPEC+ nhất trí cắt giảm sản lượng dầu trong cả năm 2024; Giá dầu thô có thể tiến sát 100 USD… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 5/6/2023.
Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn
Australia - Việt Nam thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng
Ngày 5/6, Đối thoại chính sách Sáng kiến Tương lai ngành điện Việt Nam (FE-V) được Chính phủ Australia ra mắt với sự hỗ trợ của Ban Kinh tế Trung ương.
Theo đó, FE-V tập trung vào việc nâng cao kiến thức chuyên môn và hiệu quả trong nguồn phát điện, nhiên liệu cho phát điện, lưới điện, thị trường điện và nhu cầu điện. FE-V sẽ là cầu nối để Australia xây dựng mối quan hệ hợp tác lâu dài và tin cậy hơn trong lĩnh vực năng lượng với Việt Nam trong thời gian tới.
Trước đó, ngày 4/6, Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã công bố - nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam - khoản hỗ trợ 105 triệu AUD - nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam, trong đó chuyển dịch năng lượng là lĩnh vực then chốt.
Miền Bắc có nguy cơ thiếu đến 4.900 MW điện
Theo báo cáo mới nhất từ Bộ Công Thương, tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống quốc gia năm 2023 lũy kế đến hết ngày 30/5/2023 đạt 110,6 tỷ kWh, cao hơn 1,1% so với cùng kỳ năm 2022. Cơ cấu sản lượng điện sản xuất của các nguồn điện như: thủy điện chiếm 23,4%, nhiệt điện than chiếm 48%, turbine khí chiếm 12,1%, năng lượng tái tạo chiếm 10,5%, nguồn nhập khẩu chiếm 1,3%, nhiệt điện dầu chiếm 0,32%.
Báo cáo cho biết, trong trường hợp nắng nóng kéo dài, nhu cầu điện có thể tăng cao đột biến trong ngắn hạn, hệ thống điện quốc gia, đặc biệt là hệ thống điện miền Bắc trong cao điểm mùa khô sắp tới (các tháng 6-7) dự kiến sẽ vận hành trong tình trạng căng thẳng. Trong kịch bản cực đoan, hệ thống điện miền Bắc sẽ gặp tình trạng không đáp ứng được phụ tải đỉnh của hệ thống với công suất thiếu hụt lớn nhất lên tới khoảng 1.600-4.900 MW. Trong khi đó, công suất và sản lượng điện nhập khẩu từ Trung Quốc khó tăng thêm khi phía Trung Quốc thông báo về khó khăn thiếu nguồn cung cấp điện.
Do đó, Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị phải nghiêm túc thực hiện kế hoạch cung cấp nhiên liệu và cung cấp than phục vụ cho phát điện đã được Bộ Công Thương phê duyệt và các chỉ đạo của Bộ Công Thương, mục tiêu cao nhất là đảm bảo cung cấp điện cho đất nước. Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần tập trung mọi nỗ lực trong vận hành hệ thống điện, có giải pháp cấp bách, trong bất cứ hoàn cảnh nào, hệ thống điện quốc gia phải được đảm bảo...
OPEC+ nhất trí cắt giảm sản lượng dầu trong cả năm 2024
Tại cuộc họp ở Vienna (Áo) ngày 4/6, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC và các đối tác (gọi chung là OPEC+) đã nhất trí điều chỉnh sản lượng khai thác ở mức 40,46 triệu thùng/ngày trong cả năm 2024, bắt đầu từ ngày 1/1/2024 cho đến ngày 31/12/2024”.
Theo các cam kết sửa đổi trên bảng số liệu do OPEC công bố, Saudi Arabia sẽ duy trì sản lượng dầu thô ở mức 10,478 triệu thùng/ngày, trong khi Nga sẽ cắt giảm sản lượng hàng ngày thêm 650.000 thùng xuống còn 9,828 triệu thùng/ngày kể từ tháng 1/2024.
Theo ước tính, các cam kết sửa đổi của OPEC+ sẽ giảm sản lượng khai thác ở mức tổng cộng khoảng 1,4 triệu thùng/ngày trong năm 2024. Cùng ngày, Bộ Năng lượng Saudi Arabia thông báo trong tháng 7/2023, nước này sẽ giảm sản lượng khai thác ở mức 1 triệu thùng/ngày và có thể tiếp tục kéo dài khoảng thời gian cắt giảm nếu Riyadh thấy cần thiết.
Một số quốc gia khác trong khuôn khổ OPEC+ gồm Iraq, Oman, Algeria, Kuwait, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng tuyên bố tự nguyện cắt giảm thêm sản lượng khai thác dầu ở các mức lần lượt là 211.000 thùng/ngày, 40.000 thùng/ngày, 48.000 thùng/ngày, 128.000 thùng/ngày, 144.000 thùng/ngày cho tới cuối năm 2024.
Nga cắt giảm sản lượng 500.000 thùng dầu/ngày đến cuối năm 2024
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak ngày 4/6 cho biết, Nga sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 500.000 thùng mỗi ngày cho đến hết năm 2024. Theo ông Alexander Novak, đây là biện pháp phòng ngừa theo thỏa thuận với các quốc gia tham gia thỏa thuận Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+), những nước đã tuyên bố cắt giảm tự nguyện vào tháng 4.
Phó Thủ tướng Alexander Novak cho hay, quyết định gia hạn thỏa thuận hiện tại đến năm 2024 của các quốc gia OPEC+ cùng với việc một số quốc gia tự nguyện cắt giảm sản lượng sẽ giúp dự báo tình hình thị trường dầu trong 18 tháng tới dễ dàng hơn.
Nga bắt đầu cắt giảm sản lượng 500 nghìn thùng dầu/ngày từ tháng 3. Phó Thủ tướng Alexander Novak nói rằng đây là quyết định tự nguyện giảm sản lượng của Nga, không tham khảo ý kiến của các nước OPEC+. Điều này sẽ giúp khôi phục quan hệ thị trường. Theo ông Alexander Novak, việc cắt giảm sẽ chỉ ảnh hưởng đến sản lượng dầu, không bao gồm khí đốt. Hạn ngạch sản xuất sẽ được phân bổ đồng đều giữa các công ty dầu mỏ tùy thuộc vào năng suất sản xuất.
Giá dầu thô có thể tiến sát 100 USD
Giới phân tích cho rằng động thái giảm sản lượng dầu của Arab Saudi và các thành viên còn lại trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) bao gồm cả Nga sẽ khiến nguồn cung thắt chặt, giúp thiết lập giá sàn 70 USD một thùng cho giá dầu. Dù vậy, việc Arab Saudi giảm sản xuất không kéo giá lên cao ngay lập tức, do hàng tồn kho sẽ phải mất một thời gian nữa mới sụt giảm.
"Với việc Arab Saudi tìm cách bảo vệ giá dầu để không xuống quá thấp, chúng tôi cho rằng khả năng các thị trường dầu thiếu cung cuối năm nay đang lên cao. Giá dầu Brent có thể lên 85 USD một thùng trong quý IV/2023, kể cả nếu nhu cầu tại Trung Quốc yếu", Vivek Dhar - nhà phân tích tại Commonwealth Bank of Australia cho biết.
Các nhà phân tích tại Goldman Sachs cũng dự báo giá dầu tháng 12/2023 là 95 USD một thùng. ANZ thì nhận định: "Nhà đầu tư sẽ đặt cược giá tăng, vì họ tin rằng Arab Saudi và OPEC+ sẽ hỗ trợ nếu thị trường gặp thách thức". Dự báo của họ với giá dầu Brent cuối năm nay là 100 USD một thùng. Tuy nhiên, mức tăng này cũng có thể bị kìm hãm trong ngắn hạn, cho đến khi các dấu hiệu thiếu cung trên thị trường vật chất xuất hiện.
Theo https://petrovietnam.petrotimes.vn/