Tin tức

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 7/5/2023

08/05/2023, 10:02
Chia sẻ:

EVN khuyến cáo sử dụng điện an toàn, tiết kiệm; Nga sẽ tăng xuất khẩu dầu thô để đáp ứng nhu cầu của châu Á; Thủ tướng Đức khẳng định năng lượng tái tạo là chìa khóa giảm giá điện cho công nghiệp… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 7/5/2023.

nhip-dap-thi-truong-nang-luong-ngay-752023-20230507180453                                                                           Một cơ sở lọc dầu của Nga. Ảnh: The Moscow Times

EVN khuyến cáo sử dụng điện an toàn, tiết kiệm

 

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, hệ thống điện trong tháng 5 vận hành rất căng thẳng khi nền nhiệt độ ở cả 3 miền bắt đầu tăng cao. TP Hồ Chí Minh liên tiếp ghi nhận kỷ lục mới trong tiêu thụ điện, còn Hà Nội và các tỉnh miền Bắc, miền Trung cũng trải qua đợt nắng nóng đầu mùa kỷ lục.

 

Theo tính toán của EVN, hệ thống điện miền Bắc đứng trước nguy cơ thiếu 1.600-4.900 MW trong tháng 5 và 6. Khu vực này bắt đầu bước vào mùa nắng nóng từ tháng 4, nhưng sản lượng điện đã tăng cao. Sản lượng điện trung bình trong tuần giữa tháng 4 (16-21/4) là 823 triệu kWh/ngày, tăng gần 5% so với kế hoạch cấp, vận hành hệ thống điện năm nay được Bộ Công Thương phê duyệt.

 

Căn cứ tính toán cập nhật về kế hoạch cung cấp điện cho các tháng tới, EVN cho hay, cơ bản năm 2023 sẽ không thiếu điện để phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong cả nước. Tuy nhiên trong trường hợp nhu cầu phụ tải tăng cao đột biến trong các ngày thời tiết cực đoan nắng nóng kéo dài hoặc sự cố xếp chồng các nhà máy điện lớn, đường dây truyền tải quan trọng, khu vực miền Bắc có nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu hụt công suất đỉnh tại một số giờ cao điểm.

 

EVN khuyến cáo người dân, các cơ quan công sở và nơi sản xuất cần chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, đặc biệt vào các giờ cao điểm trưa và tối. Đồng thời chú ý sử dụng hợp lý điều hòa nhiệt độ (đặt ở mức 26-27 độ trở lên, sử dụng kết hợp với quạt) và chú ý không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn.

 

Nhà đầu tư điện gió đề xuất lên Chính phủ 3 phương án giá tạm

 

23 nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời vừa cầu cứu Thủ tướng gỡ vướng, sau khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra mức giá tạm tính trong lúc chờ đàm phán. Các doanh nghiệp cho biết, để tránh lãng phí nguồn lực khi thời gian đàm phán kéo dài, EVN đưa ra mức giá tạm thời là tối đa 50% giá trần khung giá phát điện tại Quyết định số 21 (tương đương mức giá cho điện mặt trời mặt đất là 592,45 đồng/kWh; điện mặt trời nổi là 754,13 đồng/kWh; điện gió trong đất liền là 793,56 đồng/kWh; điện gió trên biển là 907,97 đồng/kWh).

 

Tuy nhiên, các doanh nghiệp đánh giá: "Mức giá trên đi ngược lại hoàn toàn với chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo và các cam kết của Chính phủ về cắt giảm khí thải carbon thông qua phát triển năng lượng tái tạo". Vì thế, các nhà đầu tư tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo khắc phục những bất cập trong cơ chế đàm phán giá phát điện và đề xuất có cơ chế huy động tạm thời các dự án, góp phần giảm áp lực chi phí, dòng tiền cho các nhà đầu tư.

 

Trong thời gian huy động tạm thời, các nhà đầu tư đề xuất 3 phương án giá tạm: Phương án 1, giá tạm bằng 90% giá trần của khung giá theo Quyết định 2, trong thời gian từ khi huy động đến khi các bên mua bán thống nhất giá cuối cùng, không hồi tố; Phương án 2, giá theo đề xuất của EVN, nhưng sau khi thống nhất giá cuối cùng, EVN sẽ phải hồi tố thanh toán bằng mức giá đã thống nhất cho toàn bộ thời gian từ thời điểm dự án được huy động sản lượng; Phương án 3, giá theo đề xuất của EVN và không hồi tố cho giai đoạn tạm thời. Nhưng thời gian huy động tạm này không tính vào thời gian 20 năm hợp đồng mua bán điện chính thức sẽ ký giữa EVN và chủ đầu tư.

 

Nga sẽ tăng xuất khẩu dầu thô để đáp ứng nhu cầu của châu Á

 

Trong tháng 5, Nga dự kiến tăng xuất khẩu dầu thô bằng đường biển từ các cảng phía Tây của nước này lên mức cao nhất trong 4 năm. Động thái này nhằm đáp ứng nhu cầu nhập khẩu của châu Á.

 

Theo Hellenshippingnews, dầu thô của Nga hiện được giao dịch dưới mức 60 USD/thùng, mức trần giá do các nước phương Tây áp đặt. Điều này khiến loại năng lượng này trở nên hấp dẫn hơn đối với người mua châu Á. Trong tháng này, xuất khẩu dầu thô từ các cảng chính phía Tây của Nga dự kiến đạt tổng cộng 2,42 triệu thùng/ngày (bpd), tăng nhẹ so với 2,38 triệu thùng/ngày của tháng trước, theo tính toán của Reuters.

 

Các nhà máy lọc dầu của Nga dự kiến sẽ tăng công suất hoạt động trong tháng 6 khi các nhà máy này bắt đầu được bảo dưỡng và khối lượng dầu thô sẵn có để xuất khẩu có khả năng giảm. Trong tháng 5, mức xuất khẩu cao đã đẩy giá cước vận tải tăng lên, làm tăng chi phí cho những người tham gia thị trường. Giá trên thị trường giao ngay cũng đang tăng, được thúc đẩy bởi sự nhiệt tình mua của người châu Á.

 

Thủ tướng Đức khẳng định năng lượng tái tạo là chìa khóa giảm giá điện cho công nghiệp

 

Ngày 6/5, Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định tăng sản xuất điện từ năng lượng tái tạo, chứ không phải là trợ giá điện, chính là chìa khóa để giảm giá điện cho lĩnh vực công nghiệp.

 

Theo Thủ tướng, để mở rộng điều này ra toàn nước Đức, cần nỗ lực để tăng các mạng lưới chuyển đổi điện và sản xuất điện từ năng lượng tái tạo. Ông Scholz cho biết thêm: “Chúng ta đã biết rằng giá điện sẽ giảm hơn nếu đạt mục tiêu các loại năng lượng tái tạo chiếm ưu thế trong ngành sản xuất điện ở Đức".

 

Trước tình hình các công ty công nghiệp tại Đức cho biết giá điện Đức quá cao so với các nước khác, khiến ngành công nghiệp nặng nước này ở thế bất lợi so với các trung tâm sản xuất khác như Trung Quốc, Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck thuộc đảng Xanh đã công bố một kế hoạch trợ giá điện 6 xu/kWh cho đến năm 2030. Tuy nhiên, ngày 5/5, Bộ Tài chính đã lập tức phản đối cơ chế trợ giá này, viện dẫn lý do không có ngân sách để thực hiện.

 

IAEA cảnh báo về nguy cơ đối với nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia

 

Ngày 6/5, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi cảnh báo tình hình xung quanh nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia, hiện do Nga kiểm soát, đã trở nên "nguy hiểm," đồng thời kêu gọi các biện pháp để đảm bảo cho cơ sở này hoạt động an toàn.

 

Cuối tháng Ba vừa qua, ông Grossi cũng 3 thanh sát viên IAEA đã tới thị sát nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia. Khi đó, ông bày tỏ lo ngại rằng các hoạt động quân sự tại khu vực này đang gia tăng, do vậy cần thực hiện mọi biện pháp ngăn các cuộc tấn công vào nhà máy.

 

Trong vài tháng qua, Tổng Giám đốc IAEA đã tiến hành tham vấn với cả chính quyền Kiev và Moskva nhằm thiết lập một khu vực bảo vệ xung quanh nhà máy, nhưng các cuộc đàm phán dường như rơi vào đình trệ. Tổng giám đốc Grossi nhiều lần cảnh báo giao tranh trực diện hoặc sự cố an toàn có thể gây ra thảm họa.

Theo https://petrotimes.vn/

Ý kiến của bạn