Tin tức

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 7/9/2023

08/09/2023, 11:26
Chia sẻ:

Bộ Công Thương bổ sung quy định tạo cơ sở phát triển lưới điện thông minh; G7 gác lại áp trần giá dầu của Nga; Châu Phi kêu gọi quốc tế giảm nợ để đầu tư vào năng lượng sạch… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 7/9/2023.

nhip-dap-nang-luong-20230508192223Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn
 

Bộ Công Thương bổ sung quy định tạo cơ sở phát triển lưới điện thông minh

Bộ Công Thương vừa có Tờ trình số 6068/TTr-BCT ngày 5/9/2023 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Đề án phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn 2045.

Bộ Công Thương đã bổ sung một số quy định tạo cơ sở pháp lý cho phát triển lưới điện thông minh tại các Thông tư. Trong đó, bổ sung cơ sở pháp lý để hình thành các trung tâm điều khiển, trung tâm thao tác xa, trạm biến áp không người trực, thực hiện điều khiển, đóng cắt từ xa các thiết bị trong hệ thống điện. Bổ sung cơ sở pháp lý để cho phép áp dụng, thực hiện đo đếm và thu thập số liệu đo đếm từ xa, đồng bộ và thống nhất các quy định kỹ thuật và trách nhiệm của các bên đối với công tác đo đếm trong hệ thống điện quốc gia.

Ngoài ra, ban hành các quy định thực hiện các chương trình điều chỉnh phụ tải, nghiên cứu phụ tải điện. Các quy định liên quan đến công tác điều độ, thao tác và xử lý sự cố đối với trung tâm điều khiển, trạm biến áp không người trực, điều khiển tần số, dịch vụ phụ, công tác điều độ, vận hành và phân cấp điều độ đối với các nhà máy năng lượng tái tạo.

G7 gác lại áp trần giá dầu của Nga

Theo các nguồn thạo tin tiết lộ với Reuters, Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và các đồng minh đã gác lại việc đánh giá thường xuyên về biện pháp trần giá với dầu Nga, mặc dù hầu hết dầu thô của nước này đang giao dịch trên mức giới hạn, do giá dầu toàn cầu tăng cao.

G7 cùng Liên minh châu Âu (EU) và Australia đã áp đặt cơ chế trần giá 60 USD/thùng đối với dầu của Nga vào tháng 12 năm ngoái. Sau đó sang tháng 2 năm nay, G7 cùng các nước đồng minh tiếp tục áp trần giá 45 USD/thùng đối với nhiên liệu nặng và 100 USD/thùng với nhiên liệu nhẹ như xăng và dầu diesel của Nga.

Ban đầu, các nước EU đồng ý xem xét lại mức trần giá 2 tháng một lần và điều chỉnh nếu cần thiết, trong khi phía G7 sẽ xem xét “khi phù hợp” bao gồm cả việc thực hiện và tuân thủ kế hoạch. Tuy nhiên, G7 đã không xem xét mức trần giá đó kể từ tháng 3/2023. Bốn nguồn tin quen thuộc với các chính sách của G7 cho biết, nhóm này hiện chưa có kế hoạch xem xét điều chỉnh kế hoạch này ngay lập tức.

Nga gấp rút triển khai phương án bán khí đốt cho châu Á

Nga đang hoàn thiện lộ trình của đường ống dẫn khí Power of Siberia 2 tới Trung Quốc, dự kiến ​​đi qua Mông Cổ, Phó Thủ tướng Alexander Novak viết trên tạp chí nội bộ của Bộ Năng lượng xuất bản hôm 6/9.

Nga muốn tăng lượng khí đốt cung cấp cho Trung Quốc thêm 50 tỷ mét khối (bcm) mỗi năm thông qua Power of Siberia 2. Đường ống sẽ vận chuyển khí đốt từ các mỏ khổng lồ trên Bán đảo Yamal ở phía tây Siberia đến Trung Quốc. Novak cho biết: “Quyết định về lộ trình của đường ống dẫn khí Power of Siberia 2 đang ở giai đoạn cuối cùng”.

Gazprom đã bắt đầu nghiên cứu tính khả thi của dự án vào năm 2020 và muốn bắt đầu cung cấp khí đốt vào năm 2030. Hiện Trung Quốc và Nga vẫn chưa thống nhất được các điều khoản vận chuyển khí đốt qua tuyến đường này, bao gồm cả giá cả. Theo các chuyên gia trong ngành, các cuộc đàm phán rất phức tạp, đặc biệt vì Trung Quốc dự kiến ​​sẽ không cần thêm khí đốt trước năm 2030.

Châu Phi kêu gọi quốc tế giảm nợ để đầu tư vào năng lượng sạch

Hội nghị Thượng đỉnh Khí hậu châu Phi tại Kenya ngày 6/9 đã ra tuyên bố chung nêu bật yêu cầu thay đổi toàn diện hệ thống tài chính toàn cầu và hối thúc cộng đồng quốc tế ủng hộ thúc đẩy năng lượng tái tạo. Châu Phi kêu gọi thực hiện các cải cách cần thiết giúp tạo ra cấu trúc tài chính mới, đáp ứng nhu cầu đầu tư, trong đó có các biện pháp tái cấu trúc và giãn nợ cho các nước này.

Châu Phi cần số vốn gấp 10 lần mức hiện tại để đầu tư cho năng lượng tái tạo trong 7 năm tới, khoảng 600 tỷ USD, qua đó đạt mục tiêu nâng sản lượng năng lượng tái tạo từ 56 GW trong năm 2022 lên tối thiểu 300 GW vào năm 2030.

Tổng thống Kenya William Ruto, chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh Khí hậu châu Phi, cho biết tổng số vốn các nước cam kết hỗ trợ cho châu lục tại hội nghị là 23 tỷ USD. Trong đó, riêng Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã cam kết hỗ trợ 4,5 tỷ USD để thúc đẩy châu Phi chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Dự báo nhu cầu xăng dầu của Trung Quốc xuống dốc

Sự bùng nổ xe điện của Trung Quốc đã khiến gã khổng lồ dầu mỏ Sinopec điều chỉnh dự báo nhu cầu dầu của mình, cho biết nhu cầu xăng trong nước đã đạt đỉnh và sẽ xuống dốc kể từ đây. Nếu dự báo kể trên chính xác, hậu quả sẽ mang tính toàn cầu vì Trung Quốc từ lâu đã là thị trường tăng trưởng lớn nhất cho các sản phẩm dầu mỏ.

Theo CNEV Post, người mua ô tô mới của Trung Quốc hiện đang lựa chọn "phương tiện sử dụng năng lượng mới" (xe hybrid chạy pin điện và plug-in) với tỷ lệ 37,8%, tăng từ mức chỉ 5,4% vào năm 2020. Trong khi các quốc gia Scandinavi như Na Uy (87,8%), Iceland (56,1%) và Thụy Điển (56,1%) dẫn đầu về việc áp dụng xe điện, thì Trung Quốc vẫn bán được nhiều xe điện hơn khoảng 10 lần so với cả ba nước đó cộng lại. Ngoài ra, Trung Quốc còn nhiều dư địa để tăng trưởng.

Sinopec hiện dự báo rằng từ năm 2024 trở đi, nhu cầu xăng sẽ giảm. Trong khi đó, các nhà phân tích khác đưa ra dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu ít bi quan hơn, nhưng vẫn đáng lo ngại.

Theo https://petrotimes.vn/

Ý kiến của bạn