Theo PetroTimes - Nga và Ukraine đang trong giai đoạn đầu của các cuộc đàm phán do Qatar làm trung gian; OPEC và các đồng minh không có khả năng khôi phục sản lượng dầu trong năm nay... là những sự kiện nổi bật trên bức tranh thị trường năng lượng tuần qua:
Ảnh minh họa
1. Nga và Ukraine đang trong giai đoạn đầu của các cuộc đàm phán do Qatar làm trung gian về việc ngừng tấn công vào các cơ sở năng lượng và cơ sở hạ tầng của nhau, theo Financial Times.
Trong năm qua, Nga đã tấn công các cơ sở năng lượng của Ukraine, nhắm vào các nhà máy điện. Về phần mình, Ukraine cũng nhắm vào các kho chứa dầu, cảng và nhà máy lọc dầu.
2. Litasco, công ty giao dịch và vận chuyển dầu quốc tế thuộc sở hữu của tập đoàn dầu mỏ Lukoil của Nga, đang tìm cách xây dựng lại hoạt động kinh doanh của mình tại Châu Mỹ bằng cách sắp xếp các hạn mức tín dụng và tách mình khỏi các hoạt động giao dịch dầu mỏ của Nga và công ty mẹ, theo Reuters.
Litasco và Lukoil chưa bị Mỹ trừng phạt như một phần trong các lệnh trừng phạt mở rộng đối với các công ty năng lượng của Nga.
3. Theo Rystad Energy, OPEC và các đồng minh không có khả năng khôi phục sản lượng dầu trong năm nay vì các nhà khai thác đang "kiếm được rất nhiều tiền" từ các sản phẩm tinh chế.
Các nhà đầu tư đang tập trung vào việc liệu OPEC+ có khôi phục sản lượng vào tháng 12 hay không, một động thái sẽ giúp đẩy thị trường tiến gần hơn đến tình trạng dư cung trong năm tới.
4. Khi Ả Rập Xê-út chuẩn bị đấu thầu 44 gigawatt (GW) các dự án năng lượng tái tạo, nước này khẳng định sẽ tiếp tục duy trì tiềm năng khai thác dầu để đảm bảo an ninh năng lượng toàn cầu, các quan chức của Vương quốc cho biết tại diễn đàn đầu tư thường niên ở Riyadh hôm 29/10.
Ả Rập Xê-út, nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, sẽ duy trì công suất bền vững tối đa là 12,3 triệu thùng/ngày trong tương lai.
5. Tập đoàn dầu khí nhà nước PetroChina có kế hoạch đóng cửa nhà máy lọc dầu lớn nhất Trung Quốc vào năm 2025 sau nhiều năm cân nhắc chuyển cơ sở chế biến sang địa điểm nhỏ hơn, các nguồn tin giấu tên nói với Reuters.
Nhà máy lọc dầu ở trung tâm thành phố Đại Liên, công suất 410.000 thùng mỗi ngày, chiếm khoảng 3% tổng sản lượng lọc dầu của Trung Quốc.
6. BP và Eni đã trở lại Libya sau mười năm. Theo tuyên bố của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya, Eni của Ý đã nối lại hoạt động khoan thăm dò ở lưu vực Ghadames vào cuối tuần trước.
Eni đã mua lại 85% cổ phần của BP tại lưu vực Ghadames vào năm 2018. Vào thời điểm đó, công ty đã lên kế hoạch bắt đầu khoan tại địa điểm này ngay sau khi mua lại nhưng tình hình chính trị bất ổn ở quốc gia Bắc Phi đã thay đổi kế hoạch đó.
TH