Ngày 2/4, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+), cam kết cắt giảm sản lượng thêm 1,16 triệu thùng/ngày. Trong đó, Saudi Arabia là nước dẫn đầu nỗ lực giảm sản lượng này, với mức cắt giảm 500.000 thùng/ngày.
Ảnh minh họa - Reuters
Các nhà phân tích trong ngành cho biết việc cắt giảm sản lượng dầu bất ngờ của OPEC có thể dẫn đến giá dầu tăng vọt, đồng thời thúc đẩy nhu cầu dầu ở châu Á và châu Âu lên cao và một số nhà sản xuất khác tăng sản lượng để bù đắp nhu cầu của thị trường.
Ngay lập tức trong phiên giao dịch ngày 3/4, giá dầu đã tăng hơn 6% với hợp đồng dầu tương lai của Mỹ đạt mức 80 USD/thùng.
Giàn khoan dầu thô của Mỹ
Ông Matt Hagerty, quản lý cấp cao tại Công ty tư vấn năng lượng BTU Analytics (thuộc sở hữu của công ty của FactSet) ước tính việc hạn chế của các nhà sản xuất Trung Đông sẽ khiến thị trường thiếu hụt trung bình 2,3 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm 2023.
Còn theo Jorge Leon, Phó Chủ tịch cấp cao của Công ty nghiên cứu thị trường Rystad Energy cho biết: “Chúng tôi có thể thấy thêm sản lượng bổ sung 200.000 thùng/ngày vào cuối năm nay từ các nhà sản xuất Mỹ". Ông hy vọng rằng những thùng dầu này có thể sẽ được xuất khẩu sang châu Âu.
Theo dữ liệu mới nhất từ Chính phủ, Mỹ đã bơm gần 12,5 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 1. Công ty công nghệ năng lượng Enverus ước tính, sản lượng tại lưu vực đá phiến lớn nhất của Mỹ sẽ tăng 400.000 thùng mỗi ngày trong năm nay, bằng khoảng 1/2 mức của năm 2019 - thời điểm trước khi đại dịch xảy ra.
Ông Mike Oestmann, Giám đốc điều hành của Tall City Exploration cho biết các công ty giao dịch công khai có thể sẽ giữ mức sản lượng ngay cả với giá dầu thô kỳ hạn trên 80 USD/thùng, nhưng các công ty tư nhân sẽ có động cơ thúc đẩy hoạt động để hưởng lợi giá dầu tăng cao.
Theo một cuộc khảo sát của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Dallas, hoạt động dầu khí của Mỹ bị đình trệ trong quý trước và triển vọng của các công ty khoan trở nên tiêu cực. Chi phí hoạt động tăng, lãi suất cao hơn và giá dầu thô và khí đốt tự nhiên thấp hơn đã cắt giảm dòng tiền của họ.
Việc cắt giảm của OPEC sẽ làm tăng nhu cầu đối với dầu thô của Mỹ do dầu thô của Trung Đông trở nên đắt đỏ hơn, những người tham gia thị trường cho biết. Giá dầu thô giao ngay của Mỹ tăng mạnh vào thứ Hai, với Mars Sour - một loại dầu ngọt nhẹ tăng 50 cent và với mức chiết khấu 1,40 USD so với dầu thô kỳ hạn WTI.
Châu Á và Châu Âu đã yêu cầu thêm dầu thô của Mỹ sau khi Nga xảy ra xung đột với Ukraine, nhu cầu dầu từ 2 châu lục này đã luôn ở mức cao. Dữ liệu của Vortexa cho thấy xuất khẩu dầu thô bằng đường biển của Mỹ trong tháng trước đạt 4,74 triệu thùng/ngày, đây là mức cao nhất hàng tháng kể từ tháng 1/2020.
Rohit Rathod, nhà phân tích thị trường dầu mỏ cao cấp cho biết: "Sự phát triển này sẽ là tín hiệu tốt cho xuất khẩu dầu thô vốn đã mạnh của Mỹ. Nhu cầu trong tương lai sẽ còn tăng cao với người mua châu Âu vốn đang "khát" dầu sau khi mất đi nguồn cung từ Nga. Bên cạnh đó, các lô hàng dầu chua vừa và nặng cũng sẽ tăng mạnh để cung cấp cho thị trường toàn cầu vốn đã thiếu dầu chua".
Theo Reuters, Bloomberg