4 nước EU lập “Vòng tròn đoàn kết” nhận khí đốt từ Azerbaijan; Hungary lên tiếng về đa dạng hóa nhập khẩu khí đốt của EU; Biên lợi nhuận của nhà máy lọc dầu toàn cầu suy giảm… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng ngày 26/4/2023.
Bulgaria, Hungary, Romania và Slovakia vừa ký kết với Azerbaijan một biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác trong lĩnh vực truyền tải khí đốt. Ảnh minh họa: AA
4 nước EU lập “Vòng tròn đoàn kết” nhận khí đốt từ Azerbaijan
Các nước Liên minh châu Âu (EU), bao gồm Bulgaria, Hungary, Romania và Slovakia, vừa ký kết với Azerbaijan một biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác trong lĩnh vực truyền tải khí đốt. Lễ ký kết đã diễn ra hôm 25/4 tại thủ đô Sofia của Bulgaria.
Theo trang web của Tổng thống Azerbaijan, bản ghi nhớ đưa ra phương hướng hợp tác giữa Công ty Dầu mỏ Nhà nước Cộng hòa Azerbaijan (SOCAR) và 4 nhà điều hành hệ thống phân phối, bao gồm Bulgartransgaz (Bulgaria), Transgaz (Romania), FGSZ (Hungary), Eustream (Slovakia), về cung cấp khí đốt bổ sung từ Azerbaijan đến Trung và Đông Nam Âu.
Lượng khí đốt bổ sung sẽ được cung cấp thông qua hệ thống mạng lưới truyền dẫn đã được nâng cấp của Bulgaria, Romania, Hungary và Slovakia, được gọi là “Vòng tròn đoàn kết”.
Hungary lên tiếng về đa dạng hóa nhập khẩu khí đốt của EU
Mặc dù có một mối quan hệ đặc biệt với Nga tuy nhiên ngày 25/4, Ngoại trưởng Hungary đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt là các quốc gia khu vực Trung - Đông Âu đa dạng hóa nhập khẩu khí đốt để giải quyết vấn đề khủng hoảng năng lượng hiện nay.
Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto đã lên tiếng ủng hộ các nỗ lực của EU nhằm mua nhiên liệu từ các nguồn khác ngoài Nga và vui mừng thông báo việc đạt được một thỏa thuận đa quốc gia về nhập khẩu khí đốt từ Azerbaijan.
Ông Szijjarto cũng nhấn mạnh việc phát triển cơ sở hạ tầng khí đốt ở khu vực Trung - Đông Âu sẽ là nhiệm vụ của nước này và EU cần có trách nhiệm tài trợ cho dự án để đảm bảo an ninh năng lượng nói chung.
Biên lợi nhuận của nhà máy lọc dầu toàn cầu suy giảm
Theo đánh giá của Reuters, biên lợi nhuận tinh chế từ dầu diesel ở châu Âu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2022 vào tuần trước xuống còn khoảng 13,70 USD/thùng, điều này là do áp lực bởi khối lượng nhập khẩu cao và việc khởi động lại các nhà máy lọc dầu của Pháp. Tương tự, biên lợi nhuận từ dầu diesel ở châu Á đã giảm 31% trong tháng 4 xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2022 và ở mức khoảng 14 USD/thùng vào tuần trước do lượng hàng tồn kho cao.
Lợi nhuận từ tinh chế một thùng dầu Brent tại một nhà máy lọc dầu điển hình của châu Âu đã giảm khoảng 71% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2022, còn 3,56 USD/thùng vào tháng 4/2023, trong khi tỷ suất lợi nhuận lọc dầu ở châu Á giảm khoảng 57% xuống còn 2,54 USD/thùng trong thời kỳ.
Các sản phẩm dầu mỏ của Nga ngoài hướng tới Ấn Độ và Trung Quốc còn được vận chuyển với số lượng lớn đến các trung tâm dầu mỏ để lưu trữ và tái xuất khẩu trên toàn thế giới; một số tổ hợp lọc dầu mới sẽ đi vào hoạt động trong năm nay ở Trung Đông và Trung Quốc, khiến cuộc cạnh tranh của các sản phẩm tinh chế gay gắt hơn, qua đó cũng góp phần làm giảm biên lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu.
Than nhiệt Australia vẫn được dự báo tăng
Báo cáo đánh giá quý I/2023 về Tài nguyên và Năng lượng, do Bộ Công nghiệp, Khoa học và Tài nguyên Australia công bố vào tháng 3 vừa qua, nhận định rằng “thương mại than nhiệt có thể đã qua giai đoạn đỉnh”.
Tuy nhiên, báo cáo vẫn dự báo mức tăng trưởng xuất khẩu than nhiệt của Australia là 12%, hoặc 22 triệu tấn đến năm 2026, mặc dù trên thực tế hoạt động chuyên chở than nhiệt xuất khẩu ở nước này đang thấp hơn so với những dự báo trước đó.
Dữ liệu mới nhất của bộ trên cho thấy than nhiệt của Australia chiếm 17% kim ngạch than nhiệt trên toàn cầu vào năm 2022 và con số này được dự báo vẫn sẽ tăng trong 3 năm nữa, lên 20% vào năm 2026.
Than cốc giá rẻ của Nga ồ ạt chảy vào Ấn Độ
Theo truyền thống, Ấn Độ nhập khẩu khoảng 75-80% than luyện cốc từ Australia, nhà cung cấp nguyên liệu thô chính lớn nhất cho sản xuất thép hàng năm. Nhưng trong 11 tháng đầu tiên của năm tài chính 2022, tính đến tháng 3/2023, thị phần của Australia đã giảm xuống 54% do Ấn Độ tăng nhập khẩu từ Hoa Kỳ và Nga, dữ liệu của chính phủ cho thấy.
Các nhà phân tích cho biết Moscow nổi lên là nhà cung cấp than luyện cốc lớn thứ tư cho Ấn Độ trong khoảng thời gian từ tháng 4/2022 đến tháng 2/2023. Bằng cách xuất khẩu 3,9 triệu tấn, cao hơn gấp đôi so với một năm trước đó, trong năm nay, Nga có thể trở thành nhà cung cấp than cốc lớn thứ hai của quốc gia này.
Theo Rakesh Surana, đối tác của Deloitte Ấn Độ, ngoài giá cả hấp dẫn, dòng chảy thương mại tương đối suôn sẻ giữa Moscow và New Delhi cũng sẽ đẩy nhanh các chuyến hàng than luyện cốc đến Ấn Độ do sự hiện diện của một số công ty thương mại Nga.
Theo https://petrotimes.vn/