Tin tức

Nhịp đập năng lượng ngày 10/5/2023

11/05/2023, 10:04
Chia sẻ:

Cung cấp điện gặp khó do nhiều hồ thủy điện thiếu nước; UAE lo ngại thiếu nguồn cung dầu; EU có thể từ bỏ hoàn toàn khí đốt của Nga vào năm 2028… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 10/5/2023.

20200630-2a20230405084543
 

Cung cấp điện gặp khó do nhiều hồ thủy điện thiếu nước

Ngày 10/5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông tin tới báo chí, tình hình thủy văn tại các hồ thủy điện đang thấp hơn đáng kể so với trung bình nhiều năm. Trong 4 tháng đầu năm, lưu lượng nước về các hồ thủy điện ở phía Bắc chỉ bằng 60-70% trung bình nhiều năm, nhiều hồ thủy điện khu vực miền Trung và miền Nam cũng có lượng nước về kém. Đến đầu tháng 5/2023, nhiều hồ thủy điện đã xuống mực nước thấp, có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh sản xuất và cung cấp điện trong thời gian tới.

Phía EVN tính toán, trong các tháng cao điểm nắng nóng của mùa hè năm 2023, có thể xảy ra các tình huống cực đoan như: công suất cực đại (Pmax) ở miền Bắc tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm 2022 (những ngày nắng nóng kéo dài); sự cố tổ máy hoặc chậm tiến độ sửa chữa, đưa vào vận hành nguồn mới; mức nước tại các hồ thủy điện lớn giảm sâu... Khi đó, hệ thống điện miền Bắc sẽ có tình trạng “rất khó khăn về nguồn điện” trong các tháng 5 và 6, nhất là vào các giờ tiêu thụ điện cao điểm. Nếu tình trạng hạn hán nghiêm trọng trên diện rộng, không có lũ hoặc lũ về ở mức thấp thì tình hình cung cấp điện có thể tiếp tục còn khó khăn trong các tháng tiếp theo.

Để ứng phó với tình hình vận hành hệ thống điện quốc gia có nhiều khó khăn trong mùa hè năm nay, EVN tiếp tục đề nghị người dân triệt để sử dụng điện tiết kiệm, nhất là vào các giờ cao điểm trưa và tối. Cụ thể, buổi trưa từ 11 giờ 30 đến 14 giờ 30, buổi tối từ 20 giờ đến 22 giờ. Đồng thời, chú ý sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ (đặt ở mức 26-27 độ trở lên, sử dụng kết hợp với quạt) và không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn.

Mỹ hỗ trợ Việt Nam thực hiện dự án thí điểm hệ thống lưu trữ năng lượng

Ngày 9/5, Công ty Cổ phần AMI AC Renewables, thông qua công ty thành viên-AMI Khánh Hòa, đã ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Honeywell cùng hợp tác thực hiện dự án thí điểm hệ thống lưu trữ năng lượng tại tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam.

Với khoản đồng tài trợ 3 triệu USD từ phái đoàn ngoại giao Mỹ, dự án thí điểm này sẽ cho thấy hệ thống lưu trữ năng lượng có thể góp phần hỗ trợ Việt Nam tích hợp nhiều năng lượng tái tạo hơn vào hệ thống năng lượng quốc gia nhằm đạt những mục tiêu về khí hậu.

Được công bố lần đầu tiên tại Đối thoại thường niên an ninh năng lượng Mỹ-Việt Nam, dự án dự kiến sẽ sử dụng và lắp đặt hệ thống lưu trữ năng lượng Honeywell tại nhà máy năng lượng mặt trời AMI Khánh Hòa với tổng công suất 50MWp. Lưu trữ năng lượng đóng vai trò quan trọng trong tiến trình chuyển tiếp lên sản xuất năng lượng tái tạo và lộ trình giảm phát thải các hệ thống năng lượng toàn cầu. Đây là một yếu tố then chốt trong quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) được ký giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế nhằm hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình chuyển đổi sang năng lượng sạch và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

UAE lo ngại thiếu nguồn cung dầu

Ngày 9/5, Bộ trưởng Năng lượng và cơ sở hạ tầng Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) Suhail Al Mazrouei khẳng định, việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất liên minh, còn gọi là OPEC+, đưa ra quyết định tự nguyện cắt giảm sản lượng bổ sung vào tháng 4/2023 là nhằm cân bằng thị trường dầu mỏ.

Phát biểu trước báo giới bên lề một sự kiện quốc tế diễn ra ở Abu Dhabi, ông Suhail Al Mazrouei bày tỏ lo ngại về nguy cơ thiếu hụt nguồn cung dầu trong tương lai do tình trạng thiếu đầu tư vào ngành dầu mỏ. Bộ trưởng của UAE nói thêm: "Tôi không quá lo lắng về ngắn hạn. Chúng ta có thể xoay sở để cân bằng giữa cung và cầu. Nhưng tôi lo ngại hơn về mức đầu tư cần thiết cho những năm tới".

Trong một động thái bất ngờ vào tháng trước, các thành viên OPEC+ đã tuyên bố tự nguyện cắt giảm 1,16 triệu thùng dầu mỗi ngày từ tháng 5/2023 đến cuối năm nay, như một biện pháp phòng ngừa để hỗ trợ sự ổn định của thị trường. OPEC cho hay, khối sẽ tiếp tục xem xét các động lực của thị trường và có kế hoạch tổ chức cuộc họp vào ngày 4/6 tại Áo để quyết định hướng hành động tiếp theo.

EU có thể từ bỏ hoàn toàn khí đốt của Nga vào năm 2028

Kể từ khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine hồi tháng 2/2022, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã thực hiện các chính sách khẩn cấp như “RePowerEU”, gói biện pháp nhằm giảm sự phụ thuộc của EU vào khí đốt của Nga vào năm 2028. Một phân tích mới từ Tập đoàn Tài chính Bền vững Oxford được công bố hôm 9/5 tập trung xem xét chi phí thay thế hoàn toàn khí đốt để sản xuất điện và sưởi ấm bằng năng lượng sạch, hơn là thay thế bằng nhiên liệu hóa thạch từ các quốc gia khác.

Theo báo cáo, bằng cách đầu tư vào công nghệ xanh, EU có thể thay thế hoàn toàn khí đốt của Nga vào năm 2028. Ngoài các khoản đầu tư được lên kế hoạch theo Thỏa thuận xanh châu Âu, sẽ cần 512 tỷ euro để hoàn thành quá trình chuyển đổi này. Do đó, tổng cộng 811 tỷ euro sẽ được đầu tư, được phân chia cho năng lượng tái tạo (706 tỷ euro) và máy bơm nhiệt (105 tỷ euro). Các khoản đầu tư quan trọng có thể được thu hồi một phần nhờ thực hiện các khoản tiết kiệm.

Theo ông Gireesh Shrimali, đồng tác giả của báo cáo và Trưởng phòng Nghiên cứu Tài chính chuyển đổi tại Tập đoàn Tài chính bền vững Oxford, việc chuyển đổi từ khí đốt của Nga sang năng lượng sạch không chỉ khả thi mà còn mang lại nhiều lợi ích. Theo ông, việc thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga có thể làm giảm bớt các vấn đề từ an ninh năng lượng, lạm phát chi phí sinh hoạt cho đến khủng hoảng khí hậu.

Theo https://petrotimes.vn/

Ý kiến của bạn