Úc công bố hỗ trợ Việt Nam 105 triệu AUD chuyển đổi năng lượng; OPEC+ xem xét giảm sản lượng dầu; Sản lượng điện mặt trời châu Âu lần đầu vượt điện than… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 4/6/2023.
Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn
Úc công bố hỗ trợ Việt Nam 105 triệu AUD chuyển đổi năng lượng
Sáng 4/6, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Úc Anthony Albanese, đích thân Thủ tướng Úc đã công bố với báo chí các khoản hỗ trợ mới cho Việt Nam, sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính sáng 4/6.
Trong đó, Thủ tướng Úc Albanese tuyên bố tiếp tục giúp đỡ quá trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam và cho biết Úc sẽ cung cấp gói hỗ trợ 105 triệu AUD (69,5 triệu USD) cho quy hoạch cơ sở hạ tầng bền vững, cũng như phát triển các nguồn năng lượng sạch và phát triển ngành khai khoáng Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn Thủ tướng Australia, cho biết khoản hỗ trợ sẽ dành cho hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực.
OPEC+ xem xét giảm sản lượng dầu
Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) gồm 13 thành viên dự kiến sẽ tham vấn với 10 quốc gia sản xuất dầu mỏ khác, bao gồm cả Nga, để xem xét chính sách sản lượng trong tương lai của tổ chức. Các cuộc họp trực tiếp của OPEC+ diễn ra tại Vienna (Áo) từ 8h (GMT) tức khoảng 15h chiều 4/6 (giờ Việt Nam).
Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy các nhà sản xuất dầu lớn do Saudi Arabia và Nga dẫn đầu - đang xem xét tiếp tục cắt giảm sản lượng khi họ gặp nhau ngày 4/6 trong nỗ lực ngăn chặn sụt giá. Giới phân tích đã kỳ vọng các nhà sản xuất OPEC+ sẽ duy trì chính sách hiện tại của họ, nhưng các dấu hiệu đã xuất hiện hôm 3/6 rằng, việc duy trì chính sách này có thể không đủ để ổn định thị trường dầu mỏ.
Theo một nguồn thạo tin, các bên đang thảo luận cắt giảm sản lượng khoảng từ 700.000 thùng/ngày đến 1 triệu thùng/ngày. Hai nguồn tin từ OPEC+ cập nhật thông tin cho biết, nhóm này đang thảo luận về một thỏa thuận "trọn gói" liên quan đến việc cắt giảm sản lượng đợt mới và điều chỉnh các mức sản lượng cơ sở của các quốc gia cho đến năm 2024. Các nguồn tin cho biết UAE sẽ nhận được mức cơ sở mới và cao hơn nếu đạt được thỏa thuận. Mức cơ sở là mức sản xuất dầu mà từ đó việc cắt giảm được thực hiện. Bộ trưởng năng lượng của UAE tự tin OPEC+ sẽ đạt được thỏa thuận.
Sản lượng điện mặt trời châu Âu lần đầu vượt điện than
Tháng 5 đánh dấu lần đầu tiên sản lượng điện mặt trời vượt qua nhiệt điện than ở châu Âu, dù cao điểm hè chưa đến. Đầu tháng 5, sản lượng điện mặt trời toàn khối đạt 27,9 Twh, trong khi tất cả nhà nhiệt điện sản xuất được 19,8 Twh. Từ tháng 12/2022, điện than có tổng công suất 42,1 Twh và giảm dần cho đến nay. Ngược lại, sau chu kỳ sản lượng thấp do mùa đông, sản lượng điện mặt trời từ mức 4,5 Twh đã gia tăng liên tục.
Mặc dù sản lượng điện mặt trời và gió đạt kỷ lục đã giúp loại bỏ các nhà máy điện than và khí đốt với tốc độ ấn tượng trong năm nay, EU vẫn còn một chặng đường dài phía trước để đạt mục tiêu không phát thải ròng vào năm 2050. Để thích ứng tốt hơn với sản lượng điện biến động thất thường của năng lượng tái tạo, châu Âu cần một hệ thống điện có khả năng linh hoạt hơn.
Joke Steinwart, nhà phân tích tại Aurora Energy Research dự báo sản lượng điện mặt trời sẽ nhiều chưa từng có vào mùa hè này và có xu hướng làm tăng sự biến động của giá điện. "Điều này mang đến những cơ hội lớn cho các công nghệ linh hoạt như pin", ông nói.
Xuất khẩu dầu diesel của Nga giảm mạnh
Trong tháng 5, xuất khẩu dầu diesel và gasoil vận chuyển bằng đường biển của Nga đã giảm 21%, xuống còn 3,1 triệu tấn. Bảo trì nhà máy lọc dầu và nhu cầu trong nước tăng cao là hai lý do chính khiến hoạt động xuất khẩu năng lượng nêu trên của xứ sở bạch dương sụt giảm, dữ liệu mới của Refinitiv Eikon trích dẫn.
Nga có khoảng 5 triệu tấn công suất lọc dầu không hoạt động trong tháng 5, so với kế hoạch 4,5 triệu tấn, do một số nhà máy lọc dầu kéo dài thời gian bảo trì theo lịch trình. Lượng dầu diesel vận chuyển đi quốc tế đều tụt giảm đáng kể. Hầu hết trong số 3,1 triệu tấn đến Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil, với châu Phi nhận 500.000 tấn.
Reuters cho biết khoảng 200.000 tấn dầu diesel được vận chuyển từ Nga trong tháng 5 chưa có điểm đến được xác nhận. Bên cạnh đó, khoảng 325.000 tấn dầu diesel được dành cho các chuyến bốc hàng STS gần Kalamata (Hy Lạp) mà không có điểm đến được công bố - các thương nhân dự đoán rằng số hàng này có khả năng hướng đến châu Á hoặc Trung Đông.
Lực đẩy năng lượng tái tạo ở châu Âu
Theo nghiên cứu mới được công bố của tổ chức tư vấn Ember, Liên minh châu Âu (EU) đã tiết kiệm được 12 tỷ euro (12,96 tỷ USD) chi phí mua khí đốt kể từ khi xung đột bùng phát tại Ukraine, nhờ tăng cường sản xuất năng lượng mặt trời và năng lượng gió.
Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, châu Âu đã lần đầu tiên sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo nhiều hơn từ khí đốt vào năm ngoái. Chủ tịch Viện Tài nguyên Thế giới, Ani Dasgupta, cho rằng cuộc khủng hoảng năng lượng đã đưa các nhà lãnh đạo châu Âu lại gần nhau, giúp chính sách năng lượng của khu vực thống nhất hơn bao giờ hết và cũng tham vọng hơn.
Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Fatih Birol, cho rằng xung đột tại Ukraine có thể đánh dấu sự chuyển đổi căn bản trong cách thức các nước ở châu Âu và các khu vực khác đánh giá về an ninh năng lượng và có thể thúc đẩy năng lượng tái tạo.
Theo https://petrovietnam.petrotimes.vn/