EU không gia hạn các biện pháp khẩn cấp đối phó khủng hoảng năng lượng; Giá dầu tăng có thể thúc đẩy châu Á tăng trưởng năng lượng xanh; Nga thay đổi chiến lược về LNG… là những tin tức nổi bật về năng lượng ngày 6/6/2023.
Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
EU không gia hạn các biện pháp khẩn cấp đối phó khủng hoảng năng lượng
Ủy ban châu Âu (EC) ngày 5/6 thông báo sẽ không gia hạn các biện pháp khẩn cấp được áp dụng hồi năm ngoái để bảo vệ người tiêu dùng trước giá năng lượng tăng vọt, đồng thời cho biết những biện pháp này đã giúp hạ nhiệt thị trường năng lượng châu Âu.
Cuối năm 2022, trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng do tác động của cuộc xung đột tại Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí áp giá trần khí đốt là 180 euro (khoảng 193 USD)/MWh sau các cuộc đàm phán kéo dài về việc điều chỉnh giá khí đốt vốn đã tăng lên các mức cao kỷ lục.
Theo cơ chế điều chỉnh này, mức giá trần trên được áp dụng khi giá khí đốt hợp đồng tương lai vượt mức 180 euro/MWh trong 3 ngày liên tiếp trên sàn giao dịch TTF. Cơ chế này cho phép EU vô hiệu hóa mọi giao dịch khí đốt cao hơn mức giá trên, đồng thời giúp ngăn các nhà cung cấp LNG từ bỏ châu Âu để quay sang các khách hàng trả tiền mua khí đốt với giá hấp dẫn hơn.
Giá dầu tăng có thể thúc đẩy châu Á tăng trưởng năng lượng xanh
Các nhà phân tích cho rằng quyết định cắt giảm sản lượng dầu 1 triệu thùng/ngày của Saudi Arabia từ tháng tới dự kiến sẽ ảnh hưởng đến quốc gia tiêu thụ nhiên liệu lớn nhất châu Á. Song động thái đó cũng có thể là “chất xúc tác” cho sự phát triển năng lượng tái tạo ở khu vực này.
Báo cáo của ANZ hôm 5/6 cho biết thị trường dầu mỏ dự kiến sẽ thắt chặt đáng kể trong nửa cuối năm nay và giá dầu Brent có khả năng đạt 100 USD/thùng vào cuối năm nay. Do đó, các nhà quan sát cho biết với rất ít lựa chọn thay thế, các quốc gia châu Á sẽ phải đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo.
Bà Christina Ng - Trưởng nhóm Nghiên cứu thị trường nợ và sự tham gia của các bên liên quan châu Á - Thái Bình Dương, tại Viện Phân tích Tài chính và Kinh tế Năng lượng (IEEFA) - cho rằng: “Điều đó sẽ khuyến khích các quốc gia châu Á tìm các nguồn thay thế, bằng cách tự sản xuất nhiều dầu hơn hoặc tăng tốc chuyển sang năng lượng tái tạo”. Song bà Christina nhận định thách thức đối với các quốc gia châu Á, trong ngắn hạn, là chuỗi cung ứng vẫn chưa hoàn thiện để thúc đẩy triển khai năng lượng tái tạo quy mô lớn.
Nga thay đổi chiến lược về LNG
Theo nhận định của Energy Intelligence Group, công ty chuyên về những vấn đề năng lượng toàn cầu của Mỹ, các kế hoạch của Novatek (nhà sản xuất khí đốt lớn thứ 2 của Nga) nhằm xây dựng một nhà máy LNG mới tại Murmansk ở Tây Bắc nước này cho thấy Nga đang thay đổi chiến lược xuất khẩu khí đốt để đáp ứng những thách thức mới do lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Báo Kommersant (Nga) đưa tin, nhà máy Murmansk LNG mới có công suất 20,4 triệu tấn đã được thảo luận tại cuộc họp do Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak chủ trì, phù hợp với kế hoạch của Moskva nhằm phát triển cơ sở hạ tầng mới để chuyển hướng xuất khẩu khí đốt sau khi mất thị trường châu Âu về khí đốt vận chuyển qua đường ống.
Nga coi LNG là một lựa chọn đa dạng hóa chính và tìm cách xuất khẩu 100 triệu tấn mỗi năm vào năm 2030, tăng so với 32,5 triệu tấn vào năm 2022. Dự kiến bắt đầu vào cuối năm 2027, Murmansk LNG có thể có chi phí xây dựng thấp hơn so với các dự án trên bán đảo Yamal và Gydan ở Bắc Cực, khu vực mở rộng LNG quan trọng của Novatek. Nó cũng có thể tránh được một số vấn đề do lệnh trừng phạt.
Nhật Bản huy động 107 tỷ USD phát triển nguồn cung hydro
Chính phủ Nhật Bản ngày 6/6 đã quyết định thực hiện kế hoạch huy động từ khu vực công và tư nhân 15.000 tỷ yen (107 tỷ USD) để đầu tư phát triển nguồn cung hydro trong giai đoạn 15 năm, nhằm thúc đẩy việc sử dụng nhiên liệu hydro và đẩy nhanh quá trình giảm phát thải carbon.
Trong sách trắng năng lượng mới nhất của Nhật Bản được phát hành cùng ngày, hydro được chỉ định là một nguyên liệu chủ chốt để thúc đẩy quá trình khử carbon trong nhiều lĩnh vực.
Theo Chiến lược Hydro Cơ bản sửa đổi, được thông qua tại cuộc họp giữa các bộ trưởng liên quan, Nhật Bản có kế hoạch tăng nguồn cung hydro đạt 3 triệu tấn vào năm 2030 và đạt khoảng 12 triệu tấn vào năm 2040. Đến năm 2050, nguồn cung hydro của Nhật Bản dự kiến sẽ đạt khoảng 20 triệu tấn, tức là gấp 10 lần so với mức 2 triệu tấn của hiện tại.
Trung Quốc đứng đầu thế giới 10 năm liên tiếp về công suất điện mặt trời lắp mới
Trung Quốc hiện đang là quốc gia dẫn đầu thế giới về năng lượng mặt trời. Dữ liệu của Hiệp hội Công nghiệp quang điện Trung Quốc cho thấy, năm 2013, công suất lắp mới của nước này là 10,95GW (Gigawatt), lần đầu tiên vượt Đức trở thành thị trường quang điện lớn nhất thế giới và liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng này cho đến nay. Năm 2022, con số này là 87,41GW, tăng 59,3% so với cùng kỳ, đưa Trung Quốc trở thành nước có công suất quang điện mới lắp đặt đứng đầu thế giới trong 10 năm liên tiếp.
Ngành công nghiệp quang điện của Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng tốc độ cao. Trong quý I năm nay, công suất lắp mới của nước này đạt 33GW, tương đương với nửa đầu năm ngoái. Ước tính, năm 2023, Trung Quốc sẽ đạt quy mô công suất phát điện năng lượng mặt trời khoảng 490 GW, lần đầu tiên vượt thủy điện, trở thành nguồn phát điện năng lượng phi hóa thạch số một ở nước này.
Chia sẻ tại Diễn đàn Trung Quan Thôn tổ chức tại Bắc Kinh cuối tháng 5, giáo sư Martin Green của Đại học New South Wales Australia, người được mệnh danh là “cha đẻ của năng lượng mặt trời” thế giới dự báo, ít nhất trong 5 năm tới, ngành công nghiệp quang điện thế giới sẽ phải phụ thuộc vào Trung Quốc.
Theo https://petrotimes.vn/