Năm chủ đầu tư dự án điện sạch đồng ý mức giá tạm bằng 50% khung giá phát điện; Ba Lan thiệt hại hàng tỉ USD vì lệnh cấm dầu Nga; Châu Âu sắp “tung đòn” mới… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 8/5/2023.
Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn
5 chủ đầu tư dự án điện sạch đồng ý mức giá tạm bằng 50% khung giá phát điện
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, Tập đoàn đã nhận được 27 hồ sơ đề nghị đàm phán giá điện theo khung giá phát điện chuyển tiếp; trong đó có 5 chủ đầu tư thống nhất mức giá tạm bằng 50% khung giá phát điện do Bộ Công Thương phê duyệt và không hồi tố trong giai đoạn các bên tiếp tục thực hiện đàm phán giá chính thức.
Đối với các khó khăn trong việc đàm phán giá điện của các nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp, EVN đã có văn bản số 1499/EVN-TTĐ+TCKT ngày 30/3/2023 báo cáo Bộ Công Thương, liên quan về các thông số đầu vào để tính toán giá điện của các dự án, tuy nhiên, hiện nay EVN vẫn chưa nhận được hướng dẫn của Bộ Công Thương.
Mới đây, 23 nhà đầu tư điện mặt trời, điện gió đã có văn bản gửi đến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà kiến nghị tiếp tục giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình đàm phán giá mua điện đối với các dự án đã hoàn thành đầu tư.
Ba Lan thiệt hại hàng tỉ USD vì lệnh cấm dầu Nga
Tờ Financial Times (FT) hôm 7/5 cho biết Ba Lan thiệt hại hàng tỉ USD vì lệnh cấm dầu mỏ của Nga. Theo FT, do buộc phải tìm kiếm nguồn cung cấp dầu mỏ đắt đỏ hơn, công ty dầu mỏ quốc doanh Ba Lan PKN Orlen đang thua lỗ 27 triệu USD mỗi ngày.
Giám đốc điều hành PKN Orlen xác nhận với FT về khoản thua lỗ trên, đồng thời nêu nguyên nhân là do sự chênh lệch nguồn cung cấp dầu mỏ giá rẻ của Nga so với nguồn cung cấp đắt đỏ hơn.
Hồi tháng 3 năm ngoái, Ba Lan cam kết sẽ ngừng nhập khẩu dầu mỏ của Nga vào cuối năm 2022. Đối với PKN Orlen, điều này có nghĩa là dầu mỏ họ mua hiện có giá cao hơn 30 USD/thùng so với trước đây, Giám đốc điều hành Daniel Obajtek thừa nhận. "Tôi sẽ không gọi đó là một sự mất mát mà là chi phí thị trường áp dụng cho mọi công ty không nhập khẩu dầu mỏ từ Nga" - ông Obajtek nói.
Châu Âu sắp “tung đòn” mới
Hãng tin Bloomberg tiết lộ, Liên minh châu Âu (EU) đang thảo luận về một cơ chế trừng phạt mới nhằm ngăn chặn các quốc gia hiện đang giúp đỡ Nga đối phó với các lệnh cấm vận và cắt đứt các kênh thương mại mà Moscow có thể sử dụng. Các biện pháp có thể sẽ tập trung vào các quốc gia ở Trung Á và các nước láng giềng của Nga. "Nếu cơ chế này không hiệu quả, bước tiếp theo sẽ là hạn chế có mục tiêu đối với các mặt hàng chủ chốt", hãng này đưa tin.
Hãng tin Bloomberg khẳng định, Ấn Độ mua dầu thô Nga giá rẻ, sau đó tinh chế thành dầu diesel và bán sang EU với giá cao. Xét về lĩnh vực kinh doanh dầu mỏ, quan hệ giữa Ấn Độ và Nga đã phá vỡ mọi kỷ lục trước đó giữa hai nước.
Theo số liệu từ nhà cung cấp dữ liệu Vortexa, vào tháng 4/2023, trung bình mỗi ngày Ấn Độ nhập khẩu 1,7 triệu thùng dầu thô từ Nga. Số liệu từ Kepler cũng cho thấy, trong tháng 4/2023, Ấn Độ xuất khẩu lượng các sản phẩm dầu khoáng sang châu Âu lớn hơn bao giờ hết, bình quân 365.000 thùng/ngày. Con số này đưa Ấn Độ trở thành nhà cung cấp nhiên liệu dầu mỏ tinh chế hàng đầu cho châu Âu. Năm ngoái, danh hiệu này thuộc về Nga.
Nga thay thế công nghệ, thúc đẩy xuất khẩu khí đốt
Nga muốn tăng gấp 3 lần xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) vào cuối thập niên này, một mục tiêu đầy tham vọng giúp nước này trở thành nhà cung cấp LNG chính của thế giới và quan trọng là cho phép nước nắm giữ trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới khai thác các thị trường tiêu dùng mới.
Để thực hiện điều này, Moscow đang tăng tốc phát triển các công nghệ hóa lỏng của riêng mình để cạnh tranh trực tiếp với các nhà sản xuất thiết bị khí hóa lỏng tốt nhất trên thế giới, từ Pháp đến Mỹ - tất cả đều rời Nga sau khi nước này phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine vào tháng 2/2022.
Công nghệ đáng chú ý của Nga mới đây là bằng sáng chế cho công nghệ hóa lỏng khí “Arctic Cascade Modified” của Novatek PJSC - nhà xuất khẩu LNG tư nhân của Nga, đã nhận được vào tháng 4. Một thử nghiệm khác sắp được triển khai là dự án khí hóa lỏng Sakhalin-2 ở vùng Viễn Đông của Nga, trong đó lần đầu tiên Nga sẽ tiến hành bảo dưỡng turbine hàng năm mà không có bất kỳ nhà thầu nước ngoài nào…