Tin tức

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 11/4/2023

12/04/2023, 08:16
Chia sẻ:

Đức sẽ đóng cửa các nhà máy hạt nhân còn lại vào ngày 15/4; Thổ Nhĩ Kỳ phát hiện lượng khí đốt tự nhiên trị giá 500 tỷ USD; EU đối mặt chi phí năng lượng tăng cao vào mùa đông… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng ngày 11/4/2023.

nhip-dap-thi-truong-nang-luong-ngay-1142023-20230411194300                                        Từ năm 2002, Đức đã tìm cách loại bỏ dần năng lượng hạt nhân. Ảnh minh họa: Dailysabah

EVN cung ứng điện an toàn, liên tục trong quý đầu năm

 

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đã đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trong quý I. Hệ thống điện đáp ứng yêu cầu phụ tải và có dự phòng.

 

Trong tháng 3/2023, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 23,22 tỷ kWh, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế cả quý I, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 61,83 tỷ kWh - giảm 1,6% so với cùng kỳ.

 

Tỷ lệ huy động một số loại hình nguồn điện trên tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống như sau: Thủy điện đạt 15,38 tỷ kWh, chiếm 24,9%; nhiệt điện than huy động đạt 28,03 tỷ kWh, chiếm 45,3%; turbine khí đạt 7,14 tỷ kWh, chiếm 11,6%; năng lượng tái tạo đạt 10,22 tỷ kWh, chiếm 16,5% (trong đó điện mặt trời đạt 6,45 tỷ kWh, điện gió đạt 3,47 tỷ kWh); điện nhập khẩu đạt 953 triệu kWh, chiếm 1,5%.

 

Đức sẽ đóng cửa các nhà máy hạt nhân còn lại vào ngày 15/4

 

Ngày 15/4 tới Đức sẽ đóng cửa 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng của nước này, trong nỗ lực thực hiện tăng trưởng xanh mà không cần năng lượng nguyên tử, bất chấp cuộc khủng hoảng năng lượng do tác động của cuộc xung đột tại Ukraine.

 

Từ năm 2002, Đức đã tìm cách loại bỏ dần năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, kế hoạch chấm dứt năng lượng hạt nhân của Đức gây nhiều tranh cãi sau khi Nga cắt nguồn cung khí đốt giá rẻ liên quan cuộc xung đột tại Ukraine vào tháng 2/2022, khiến Đức rơi vào cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng nhất từ trước đến nay.

 

Theo kế hoạch ban đầu, 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng của Đức đóng cửa vào ngày 31/12/2022. Tuy nhiên, trước sự phản đối của dư luận, Chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz đã đồng ý kéo dài tuổi thọ của các nhà máy này đến ngày 15/4. Kể từ năm 2003, Đức đã đóng cửa 16 lò phản ứng hạt nhân.

 

Thổ Nhĩ Kỳ phát hiện lượng khí đốt tự nhiên trị giá 500 tỷ USD

 

Chia sẻ với đài CNN, Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên thiên nhiên Thổ Nhĩ Kỳ Fatih Dönmez nói rằng quốc gia này đã tìm thấy khối lượng khí đốt tự nhiên ở Biển Đen, trị giá hơn 500 tỷ USD. Lượng khí đốt khổng lồ này sẽ đủ để cung cấp cho tất cả các hộ gia đình trong nước trong 35 năm tới hoặc để trang trải tổng mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên của Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm cả từ ngành công nghiệp, trong 15-20 năm.

 

Công ty Dầu khí Thổ Nhĩ Kỳ (TPAO) mới đây cho biết trên Twitter rằng việc lắp đặt các đường ống nối cơ sở năng lượng ở Biển Đen với mỏ khí đốt Sakarya đã được hoàn thành. Công ty tuyên bố lễ khánh thành bắt đầu vận chuyển khí đốt từ mỏ Sakarya dự kiến diễn ra vào ngày 20/4, cùng với sự chứng kiến của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

 

Mỏ khí đốt Sakarya ban đầu được thiết lập để sản xuất khoảng 10 triệu mét khối mỗi ngày, trước khi đạt mức cao nhất trong vòng ba năm để bơm khoảng 40 triệu mét khối mỗi ngày vào năm 2025, Dönmez nói với CNN. Việc khánh thành mỏ có thể là khởi đầu cho kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt tự nhiên, chiếm 99% lượng tiêu thụ hiện nay.

 

EU đối mặt chi phí năng lượng tăng cao vào mùa đông

 

Theo hãng tin Reuters (Anh), Liên minh châu Âu (EU) đã không đảm bảo đủ các hợp đồng dài hạn về khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) để thay thế nguồn cung khí đốt đã bị cắt từ Nga. Hiện các nước EU đang phải đối mặt với khả năng chi phí năng lượng tăng cao hơn vào mùa đông tới do nhu cầu gia tăng ở Trung Quốc.

 

Năm 2022, khối 27 quốc gia thành viên đã cố gắng giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga bằng cách tăng cường nhập khẩu LNG từ các nhà cung cấp khác lên 121 triệu tấn, tăng 60% so với năm 2021.

 

Phần lớn trong số này được EU mua trên thị trường giao ngay, nơi giá LNG cao hơn đáng kể so với chi phí được đàm phán theo các hợp đồng dài hạn. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), giá LNG đã tăng gấp hơn 3 lần vào năm 2022 và khối này đã chi khoảng 190 tỷ USD cho khí đốt siêu lạnh. Đối tác cấp cao của công ty tư vấn Morten Frisch Consulting Morten Frisch tin rằng, EU nên mua khoảng 70-75% lượng LNG thông qua các hợp đồng mua bán dài hạn (SPA).

Theo https://petrotimes.vn/

Ý kiến của bạn