ADB và Green Yellow ký thỏa thuận về điện mặt trời áp mái tại Việt Nam; Mỹ tăng mức kỷ lục công suất năng lượng mặt trời vào năm 2023; Đức thông qua Luật loại bỏ hệ thống sưởi bằng khí đốt và dầu… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 11/9/2023.
Ảnh: Công viên năng lượng mặt trời Benban ở Ai Cập
ADB và Green Yellow ký thỏa thuận về điện mặt trời áp mái tại Việt Nam
Ngày 11/9, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết vừa ký một hiệp định vay trị giá 13,8 triệu USD để tài trợ cho Công ty Green Yellow Smart Solutions Việt Nam (Green Yellow) triển khai hệ thống quang điện mặt trời áp mái nhằm giúp tăng nguồn cung năng lượng sạch với giá cả phù hợp cho các khách hàng kinh doanh và sản xuất ở Việt Nam. Khoản vay này sẽ hỗ trợ việc xây dựng và vận hành các hệ thống quang điện đặt trên mái của các cơ sở kinh doanh và sản xuất trên khắp cả nước.
Gói tài trợ bao gồm khoản vay loại A trị giá 3 triệu USD từ quỹ nguồn vốn thông thường của ADB và các khoản vay song song trị giá 10,8 triệu USD từ FMO, Quỹ ResponsAbility và Socíeté Générale, do ADB là bên chủ trì thu xếp. Một khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 3 triệu USD cũng sẽ được cung cấp từ Quỹ Đổi mới khí hậu và phát triển (CIDF) do ADB quản lý.
Đây là khoản tài trợ đầu tiên của ADB trong danh mục đầu tư điện mặt trời áp mái dành cho phân khúc kinh doanh và sản xuất tại Việt Nam. Việc áp dụng hình thức này trong phân khúc khách hàng gặp trở ngại do chi phí đầu tư cao và các kênh tài trợ hạn chế. Với tổng công suất lắp đặt theo kế hoạch lên tới 32,3 MW lúc cao điểm, dự kiến dự án sẽ tăng nguồn cung năng lượng sạch cho phân khúc này thêm ít nhất 31,5 GW/giờ mỗi năm, giảm 15.530 tấn khí thải CO2 vào năm 2025.
Mỹ tăng mức kỷ lục công suất năng lượng mặt trời vào năm 2023
Ngành công nghiệp năng lượng mặt trời của Mỹ dự kiến sẽ tăng công suất sản xuất kỷ lục thêm 32 gigawatt (GW) trong năm nay, tăng 53% so với công suất mới vào năm 2022, theo Báo cáo của Hiệp hội Công nghiệp Năng lượng Mặt trời (SEIA) và Wood Mackenzie.
Báo cáo ước tính tổng công suất năng lượng mặt trời đang hoạt động, sẽ tăng từ 153 GW hiện nay lên 375 GW vào năm 2028, khi những thách thức về chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 gây ra và các hạn chế trong chính sách thương mại giảm bớt. Wood Mackenzie cho biết, việc tăng đầu tư vào sản xuất trong nước có thể giúp sản lượng mô-đun năng lượng mặt trời của Mỹ tăng gấp 10 lần vào năm 2026, nếu tất cả các kế hoạch nhà máy mới thành hiện thực.
Michelle Davis, người đứng đầu bộ phận năng lượng mặt trời toàn cầu tại Wood Mackenzie cho biết: “Kể từ khi được thông qua, IRA (Đạo luật giảm lạm phát) chắc chắn đã gây ra làn sóng lạc quan trong ngành năng lượng mặt trời”. Đạo luật Giảm lạm phát năm 2022 của chính quyền Biden phân bổ khoảng 370 tỷ USD cho các nỗ lực về biến đổi khí hậu và năng lượng sạch, bao gồm các ưu đãi nhằm thúc đẩy năng lượng mặt trời và năng lượng gió.
Nhu cầu uranium cho các lò phản ứng sẽ tăng 28% vào năm 2030
Nhu cầu về uranium trong các lò phản ứng hạt nhân dự kiến sẽ tăng 28% vào năm 2030 và gần gấp đôi vào năm 2040 khi các nước tăng cường công suất điện hạt nhân để đáp ứng mục tiêu không phát thải carbon, Hiệp hội Hạt nhân Thế giới (WNA) cho biết trong một báo cáo mới đây.
Báo cáo nhiên liệu hạt nhân 2 năm một lần của WNA cho biết thêm, sự quan tâm đến năng lượng hạt nhân cũng tăng lên kể từ khi xung đột ở Ukraine và nhiều quốc gia muốn có nguồn cung cấp năng lượng thay thế cho nguồn cung năng lượng từ Moscow. Theo báo cáo này: “Từ đầu thập kỷ tới, các mỏ đã quy hoạch và các mỏ tiềm năng sẽ cần phải được đưa vào khai thác”.
Báo cáo cho biết sản lượng uranium toàn cầu đã giảm 1/4 xuống còn 47.731 tấn trong giai đoạn 2016-2020 và phục hồi nhẹ lên 49.355 tấn vào năm ngoái. Công suất hạt nhân toàn cầu tính đến cuối tháng 6/2023 là 391 gigawatt điện (GWe) từ 437 lò phản ứng, cùng với công suất 64 GWe khác đang được xây dựng. Công suất hạt nhân dự kiến sẽ tăng 14% vào năm 2030 và tăng 76% lên 686 GWe vào năm 2040.
Đức thông qua Luật loại bỏ hệ thống sưởi bằng khí đốt và dầu
Với với 399 phiếu thuận, 275 phiếu chống và 5 phiếu trắng, Quốc hội Đức đã thông qua Đạo luật Năng lượng cho các tòa nhà sửa đổi, hay còn gọi là 'luật sưởi ấm', sau nhiều tháng tranh cãi. Đây là một phần trong nỗ lực của Đức trở thành nước trung lập với khí hậu vào năm 2045.
Với luật mới, từ năm 2024, mọi hệ thống sưởi ấm lắp đặt mới phải được vận hành với ít nhất 65% năng lượng xanh, đồng thời cắt giảm lượng khí thải nhà kính trong lĩnh vực xây dựng của Đức, nơi chịu trách nhiệm cho 112 triệu tấn khí nhà kính vào năm ngoái, tương đương 15% tổng lượng khí thải của cả nước. Việc chuyển đổi này sẽ được chính phủ hỗ trợ tài chính.
Ngoài ra, luật mới cũng vạch ra kế hoạch thực hiện giai đoạn chuyển tiếp, cũng như các quy định nghiêm ngặt liên quan… Tuy nhiên, các chuyên gia môi trường cho rằng, các lựa chọn được đưa ra nhằm thay thế cho các máy bơm nhiệt năng lượng tái tạo như hydro hay sinh khối là quá đắt đỏ và rủi ro đối với người tiêu dùng.
Giá khí đốt Nga bán cho Trung Quốc chênh lệch lớn so với châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ
Hãng tin Bloomberg trích nội dung báo cáo triển vọng kinh tế 2026 được nộp lên Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin ngày 8/9 cho thấy, năm 2024, giá khí đốt trung bình bán cho Trung Quốc dự kiến là 271 USD/1.000 m3. Giá khí đốt mà Moscow dự kiến bán cho các khách hàng tại châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ cùng thời điểm là 481 USD/1.000 m3. Mức chênh lệch này dự kiến duy trì đến năm 2026.
Các ước tính trên đã hé lộ thêm thông tin về dự án trị giá 400 tỷ USD giữa đại gia khí đốt Nga Gazprom và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC). Đây là dự án lớn nhất đến nay của Gazprom, cung cấp khí đốt qua đường ống Power of Serbia.
Tổng thống Nga Vladimir Putin thông tin, giá khí đốt sẽ được thiết lập dựa trên giá dầu thô. Năm nay, Nga dự kiến bán khí đốt cho Trung Quốc với giá trung bình 297 USD/1.000 m3. Giá bán cho châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ là 501 USD/1.000 m3. Năm ngoái, Nga bán khí đốt cho Trung Quốc với giá trung bình 277 USD/1.000 m3. Giá bán cho châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ là 983 USD/1.000 m3.