Rủi ro từ khí đốt tự nhiên gia tăng trở lại; Năng lượng xanh bắt đầu tăng giá; Iraq đảm bảo vị trí thứ 5 toàn cầu về trữ lượng dầu… là những tin tức nổi bật về năng lượng ngày 14/8/2023.
Ảnh minh họa
Rủi ro từ khí đốt tự nhiên gia tăng trở lại
Khí đốt tự nhiên đang trở lại như một rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu khi các cuộc đình công tiềm tàng ở nhà sản xuất lớn là Úc đã đe dọa phá vỡ sự cân bằng mong manh của nguồn cung toàn cầu. “Nếu hành động đình công tại các nhà máy LNG ở Gorgon, Wheatstone và North West Shelf của Úc kéo dài một tháng, 3 triệu tấn nguồn cung có thể bị ảnh hưởng, loại bỏ khoảng 44 lô hàng LNG khỏi thị trường”, Claudio Steuer, Giám đốc SyEnergy Consulting cho biết.
Tác động có thể là đáng kể. Theo dữ liệu từ công ty tình báo thị trường Independent Commodity Intelligence Services, mỗi thị trường Nhật Bản, Thái Lan và Đài Loan (Trung Quốc) đã nhận được khoảng 1/4 nguồn cung từ các cơ sở đó trong năm nay. Các cơ sở khí đốt này cũng đã cung cấp 14% hàng nhập khẩu của Trung Quốc và 28% của Singapore. Thay vào đó, những người mua thông thường có thể buộc phải tìm kiếm nhiên liệu trên thị trường giao ngay, vì nguồn cung LNG phần lớn vẫn còn hạn chế.
Nguồn cung ở những nơi khác cũng đang chịu áp lực. Xuất khẩu LNG của Nga đã bị cắt giảm trong những tuần gần đây do bảo trì tại hai cơ sở lớn nhất của nước này. Trinidad & Tobago có một nhà máy ngừng hoạt động theo kế hoạch trong hầu hết tháng 8 và Ai Cập đã ngừng gần như tất cả các hoạt động xuất khẩu trong khi thời tiết nắng nóng hỗ trợ nhu cầu trong nước. Nguồn cung của Nigeria hoạt động kém hiệu quả trong bối cảnh các vấn đề an ninh và khí đốt kéo dài.
Năng lượng xanh bắt đầu tăng giá
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), từ năm 2010 đến năm 2021, chi phí trọn đời của các dự án điện gió trên bờ giảm khoảng 63%, trong khi chi phí ở các dự án năng lượng mặt trời giảm 87%. Sự sụt giảm đó giúp chi phí sản xuất điện từ năng lượng mặt trời và gió trong hầu hết các trường hợp đều rẻ hơn so với điện sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch.
Xu hướng giảm của chi phí điện sạch bắt đầu khựng lại khi đại dịch Covid-19 làm gián đoạn hoạt động sản xuất và vận chuyển ở châu Á, nơi sản xuất hầu hết các thiết bị năng lượng sạch của thế giới, khiến chi phí hàng hóa tăng vọt. Chi phí năng lượng sạch tăng thêm sau khi chiến sự Ukraine gây ra tình trạng thiếu nhiên liệu hóa thạch, đẩy giá năng lượng lên cao.
Tại Mỹ, báo cáo của Công ty dịch vụ tài chính Lazard’s ghi nhận chi phí năng lượng tái tạo lần đầu tiên tăng trong năm nay kể từ khi công ty bắt đầu theo dõi dữ liệu gần 15 năm trước. Các nhà phát triển năng lượng tái tạo ở Mỹ chịu tổn thương nặng nề. Họ đã đàm phán lại hợp đồng bán điện để duy trì hoạt động. Mức giá mà các nhà phát triển này đang tính cho người mua điện dài hạn đã tăng gấp đôi kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19 và tăng gần 30% chỉ trong năm qua.
Iraq đảm bảo vị trí thứ 5 toàn cầu về trữ lượng dầu
Iraq đã đảm bảo vị trí là quốc gia lớn thứ 5 trên toàn thế giới về trữ lượng dầu mỏ, theo tuyên bố của tập đoàn dầu mỏ Eni của Ý. Dữ liệu của Eni tiết lộ Iraq có trữ lượng dầu đáng kể là 145,019 tỷ thùng vào năm 2022, phản ánh tốc độ tăng trưởng là 0,1%.
Dẫn đầu danh sách, Venezuela khẳng định vị trí dẫn đầu với trữ lượng dầu mỏ là 303,375 tỷ thùng. Ả Rập Xê-út theo sát với 272,904 tỷ thùng, đảm bảo vị trí thứ 2, trong khi Iran đứng thứ 3 với trữ lượng 208,600 tỷ thùng. Canada lọt vào top 4 với tổng trữ lượng dầu mỏ là 161,678 tỷ thùng.
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đảm bảo vị trí thứ 6 với 115,150 tỷ thùng, trong khi Nga giữ vị trí thứ 7 với 107,804 tỷ thùng. Kuwait chiếm vị trí thứ 7 với trữ lượng 101,500 tỷ thùng và Libya đứng thứ 9 với 48,363 tỷ thùng. Hoa Kỳ kết thúc danh sách ở vị trí thứ 10, với trữ lượng dầu được báo cáo là 44,720 tỷ thùng.
Eni nhấn mạnh tổng trữ lượng dầu của 10 quốc gia lên tới con số đáng kinh ngạc là 1,509,123 nghìn tỷ thùng. Ngược lại, trữ lượng dầu của tất cả các quốc gia khai thác dầu toàn cầu khác, ngoại trừ 10 quốc gia hàng đầu này, ở mức 237,295 tỷ thùng. Do đó, trữ lượng dầu của thế giới lên đến đỉnh điểm là 1.746,418 nghìn tỷ thùng.
Xuất khẩu dầu của Iran tăng lên 1,4 triệu thùng/ngày
Xuất khẩu dầu thô từ Iran đã tăng lên 1,4 triệu thùng/ngày, một quan chức chính phủ cấp cao cho biết, được Mehr News Agency trích dẫn. Davoud Mansour, người đứng đầu Tổ chức Kế hoạch và Ngân sách của Iran, phát biểu trước Quốc hội cho biết, nước này đã vượt quá lượng dầu được xuất khẩu trong năm tài chính hiện tại được quy định trong ngân sách.
“Vì vậy, chúng tôi (Chính phủ) xin phép Quốc hội xuất khẩu dầu vượt quá quy định và sử dụng nguồn tiền từ việc xuất khẩu đó để phát triển cơ sở hạ tầng và hoàn thành các dự án còn dang dở”, ông Mansour nói. Ngoài ra, Bộ trưởng Dầu mỏ Javad Owji cho biết sản lượng dầu thô của Iran ở mức 3,18 triệu thùng/ngày và sắp tăng lên 3,3 triệu thùng/ngày trong 10 ngày tới, Mehr đưa tin.
Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho biết trong báo cáo thị trường dầu hằng tháng mới nhất, sản lượng của Iran đạt trung bình 2,83 triệu thùng/ngày. Dữ liệu cho thấy con số này tăng 68.000 thùng/ngày so với tháng trước.
Kazakhstan tìm nhà điều hành cho 5 mỏ dầu khí và 6 lô thăm dò
Kazakhstan đã công bố kế hoạch tìm nhà điều hành mới cho 5 mỏ dầu khí và 6 lô thăm dò ở các vùng Aktyubinsk, Mangistau, Tây Kazakhstan và Atyrau, trong một cuộc đấu giá trực tuyến sẽ diễn ra vào ngày 20/10 tới.
Hầu hết các tài sản này trước đây đã được chào bán cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế trong các cuộc đấu giá tương tự, được tổ chức định kỳ kể từ năm 2021, nhưng nhận được phản hồi mờ nhạt.
Đứng đầu danh sách là mỏ dầu Saigak ở khu vực Aktyubinsk của Kazakhstan. Mỏ có giá khởi điểm cao nhất trong phiên đấu giá sắp tới, gần 119 triệu tenge, là mỏ Daryinskoye ở phía tây Kazakhstan. Theo Energy Monitor, trong số các khối hứa hẹn nhất được cung cấp là Bozoba West, cũng nằm ở khu vực Aktyubinsk.
Theo https://petrotimes.vn/