Dự án điện gió ngoài khơi cần được áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt; Tiêu thụ than toàn cầu đạt mức cao kỷ lục trong năm 2023; Mozambique lập quỹ quốc gia từ tiền bán khí đốt tự nhiên… là những tin tức nổi bật về năng lượng ngày 16/12/2023.
Dự án điện khí LNG Thái Bình trị giá gần 2 tỉ USD được trao giấy chứng nhận đầu tư
Sáng 16/12, trong khuôn khổ chuyến công du Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản phối hợp với Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức. Tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chứng kiến lễ trao 30 thỏa thuận, văn kiện hợp tác giữa các bộ ngành, cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản.
Trong đó, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Nhà máy điện khí LNG cho liên danh 3 nhà đầu tư gồm Công ty Tokyo Gas, Công ty Điện lực Bắc Kyuden của Nhật Bản và Tập đoàn Trường Thành của Việt Nam. Với công suất 1.500 MW, dự án điện khí này có tổng vốn đầu tư 1,99 tỉ USD.
Bên cạnh đó, đại diện Công ty Vinfast và Marubeni trao thỏa thuận hợp tác phát triển hệ kinh tế tuần hoàn cho pin xe điện. Công ty Năng lượng xanh DEEP và Nippon Sanso Việt Nam, Mitsubishi Việt Nam trao thỏa thuận hợp tác nghiên cứu khả thi về sản xuất hydro xanh tại Khu công nghiệp Deep C Hải Phòng…
Dự án điện gió ngoài khơi cần được áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt
Ngày 15/12, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp bàn giải pháp thúc đẩy triển khai thực hiện các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII. Hội nghị thảo luận một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án điện khí, điện gió ngoài khơi và thống nhất cần sớm báo cáo Chính phủ để kiến nghị với Quốc hội có nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc thù để triển khai các dự án. Riêng dự án điện gió ngoài khơi cần đưa vào danh mục dự án quan trọng quốc gia, áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt.
Để thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án điện khí và điện gió ngoài khơi, Bộ trưởng Công Thương yêu cầu Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Điện lực dầu khí (PV Power); Tổng công ty khí Việt Nam (PV GAS) khẩn trương rà soát các quy định của pháp luật và căn cứ vào tình hình thực tế triển khai các dự án cũng như tham khảo kinh nghiệm của các nước có thế mạnh về phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi để có đề xuất, báo cáo cụ thể với Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương trước ngày 20/12.
Bên cạnh đó, Bộ giao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, trên cơ sở báo cáo của các đơn vị, tổng hợp báo cáo Chính phủ để kiến nghị Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết chuyên đề về các cơ chế chính sách đặc thù trong triển khai thực hiện các dự án điện khí và điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII.
Tiêu thụ than toàn cầu đạt mức cao kỷ lục trong năm 2023
Ngày 15/12, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố báo cáo mới nhất, cho biết việc sử dụng than toàn cầu dự kiến sẽ đạt mức cao kỷ lục trong năm 2023 do nhu cầu ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển vẫn còn mạnh.
Theo IEA, nhu cầu về than dự kiến sẽ tăng 1,4% vào năm 2023, lần đầu tiên vượt 8,5 tỉ tấn do mức sử dụng ở Ấn Độ dự kiến sẽ tăng 8% và ở Trung Quốc tăng 5% do nhu cầu điện tăng và sản lượng thủy điện yếu.
IEA lưu ý rằng tổng mức sử dụng than dự kiến sẽ không giảm cho đến năm 2026, khi việc mở rộng đáng kể công suất tái tạo trong 3 năm tới sẽ giúp giảm mức sử dụng 2,3% so với mức năm 2023, ngay cả khi không có chính sách năng lượng sạch mạnh mẽ hơn. Báo cáo cho biết mức tiêu thụ toàn cầu được dự báo sẽ duy trì ở mức trên 8 tỉ tấn vào năm 2026.
Mozambique lập quỹ quốc gia từ tiền bán khí đốt tự nhiên
Mozambique, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, ngày 15/12 đã phê duyệt việc thành lập một quỹ có chủ quyền sẽ được tài trợ từ các khoản thu liên quan đến việc khai thác khí đốt tự nhiên.
Quốc hội đã thông qua việc thành lập quỹ này với 165 phiếu thuận và 39 phiếu chống. Quỹ sẽ được tài trợ bởi hơn 91 tỉ USD doanh thu mà chính phủ dự kiến sẽ kiếm được từ khí đốt tự nhiên. Luật quy định rằng 40% doanh thu từ tài nguyên hàng năm sẽ được chuyển vào Quỹ Chính phủ Mozambique và 60% vào ngân sách nhà nước trong thời gian 15 năm.
Việc thành lập quỹ này là một điều kiện của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khi cấp khoản tín dụng 456 triệu USD cho Mozambique vào năm ngoái, quốc gia đang ngập trong nợ nần do bê bối tài chính, nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế và giảm nợ công.
Theo https://petrotimes.vn/