Huy động mọi nguồn lực để thực hiện chuyển đổi năng lượng; Nguồn cung dư thừa, giá khí đốt giảm sâu; Thị trường dầu diesel toàn cầu đang có dấu hiệu suy thoái… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 17/4/2023.
Tình trạng dư thừa nguồn cung đang duy trì tại châu Âu và châu Á. Ảnh minh họa: Euractiv
Huy động mọi nguồn lực để thực hiện chuyển đổi năng lượng
Sáng 17/4, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp ông Chris Taylor, Đặc phái viên biến đổi khí hậu của Vương quốc Anh; ông Tibor Stelbaczky, Cố vấn chính về Ngoại giao Năng lượng của Liên minh châu Âu (EU), nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng cảm ơn Chính phủ Anh, EU và các đối tác Quốc tế IPG khác (Pháp, Đức, Mỹ, Italy, Canada, Nhật, Na Uy và Đan Mạch) đã cùng các cơ quan Việt Nam đàm phán, thông qua Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) với Việt Nam.
Theo đó, Chính phủ Việt Nam đang triển khai các cam kết giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 với nguồn lực trong nước và hỗ trợ quốc tế. Việt Nam coi JETP là kênh quan trọng chủ yếu để nhận được hỗ trợ công nghệ, tài chính từ các nước phát triển và định chế tài chính để chuyển đổi năng lượng công bằng.
Nguồn cung dư thừa, giá khí đốt giảm sâu
Khí tự nhiên đang trở nên dư thừa ở cả châu Âu lẫn châu Á, ít nhất là trong vài tuần tới khi nguồn cung nhiên liện này tràn ngập, đẩy giá xuống thấp hơn trong bối cảnh nhu cầu yếu trong thời gian qua và dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài trong ít nhất vài tuần tới, theo Bloomberg.
Tại Tây Ban Nha, nơi có nhiều kho cảng LNG nhất ở châu Âu, công suất lưu trữ đã đầy 85%, có thể nhanh chóng chuyển sang trạng thái dư thừa, gây áp lực lên giá giao ngay, ngân hàng RBC Capital Markets nhận định. Tại Phần Lan, các điểm nhập khẩu LNG cho giai đoạn mùa hè giảm từ 14 xuống còn 10, một phần do nhu cầu dự kiến giảm.
Trong khi đó, xuất khẩu LNG toàn cầu tăng trở lại trong tháng 3, lên mức cao nhất trong lịch sử một phần nhờ vào công suất LNG của Mỹ phục hồi. Nguồn cung bổ sung đang đẩy giá khí đốt đi xuống khi các thương nhân chật vật tìm khách hàng.
Dự báo hệ lụy từ quyết định cắt giảm sản lượng bất ngờ của OPEC+
Quyết định cắt giảm sản lượng bất ngờ hồi đầu tháng này của các thành viên chủ chốt trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (còn gọi là OPEC+), được dự báo sẽ gây thêm khó khăn cho kinh tế thế giới, vốn đang đối mặt với triển vọng ảm đạm, đồng thời có nguy cơ gây ra những hệ lụy cho chính thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Theo đánh giá của giới phân tích, quyết định của OPEC+ sẽ khiến thị trường dầu mỏ toàn cầu ngày càng thắt chặt hơn, qua đó đẩy giá dầu tăng mạnh trong một vài tháng tới; có khả năng đẩy thị trường vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung ngay trong quý II/2023; sẽ đẩy giá dầu lên trên 100 USD/thùng trong thời gian còn lại của năm 2023, với giá dầu Brent có thể chạm mốc 110 USD vào mùa hè này...
Các chuyên gia cho rằng, quyết định của OPEC+ có thể sẽ kéo lùi đà tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, quyết định cắt giảm sản lượng bổ sung của OPEC+ cũng có thể gây ra những hệ lụy cho chính thị trường dầu mỏ cũng như nguồn thu của các nhà sản xuất.
Thị trường dầu diesel toàn cầu đang có dấu hiệu suy thoái
Từng là một trong những loại nhiên liệu quan trọng nhất thế giới sau khi Nga xung đột với Ukraine, giá dầu diesel đã giảm trong bối cảnh lo ngại nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới có con đường gập ghềnh phía trước.
Tại Trung Quốc, số lượng xe tải chạy trên đường cao tốc đã giảm đáng kể trong những tuần gần đây. Tại châu Âu, phí bảo hiểm của dầu diesel so với dầu thô gần đây đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một năm. Tại Mỹ, nhu cầu đang trên đà giảm 2% vào năm 2023, S&P Global cho biết.
Các nhà kinh tế cho biết, có 65% khả năng xảy ra suy thoái ở Mỹ và 49% khả năng xảy ra suy thoái ở châu Âu trong năm tới. Ở Trung Quốc, rủi ro thấp hơn nhưng sự phục hồi của quốc gia này sau những hạn chế khắc nghiệt trước đây do Covid-19 vẫn sẽ đòi hỏi niềm tin của người tiêu dùng phải được cải thiện rõ rệt và nhanh chóng.
Chính phủ Đức bảo vệ quyết định đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân
Bộ Môi trường Đức ngày 16/4 đã bác bỏ yêu cầu của bang Bavaria về việc cho phép tiếp tục vận hành các nhà máy điện hạt nhân, nêu rõ các cơ sở này thuộc thẩm quyền của chính phủ liên bang.
Chính quyền bang Bavaria muốn chính phủ liên bang thay đổi luật về loại bỏ điện hạt nhân để cho phép bang này tiếp tục vận hành các nhà máy điện hạt nhân theo thẩm quyền của bang. Giới chức bang Bavaria cho rằng cho đến khi cuộc khủng hoảng năng lượng kết thúc và quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo diễn ra thành công, Đức vẫn cần phải sử dụng mọi nguồn năng lượng đến cuối thập niên này.
Đức đã đóng cửa 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng của nước này vào ngày 15/4, qua đó chấm dứt chương trình phát triển điện hạt nhân kéo dài 6 thập niên qua để thúc đẩy kế hoạch chuyển sang sản xuất điện tái tạo hoàn toàn vào năm 2035. Các nhà máy nói trên gồm Isar II, Emsland và Neckarwestheim II, trong đó nhà máy Isar II nằm ở bang Bavaria và có thể đáp ứng nhu cầu điện cho một đô thị.
Theo https://petrotimes.vn/