G7 tiếp tục duy trì mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu mỏ của Nga; 5 nước hợp lực loại Nga khỏi thị trường năng lượng hạt nhân quốc tế; Ấn Độ bỏ ngỏ khả năng mua dầu Nga cao hơn mức giá trần của phương Tây… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng ngày 18/4/2023.
Nhà máy điện hạt nhân Cruas ở Ardèche, Pháp. Ảnh: Investigate-europe
G7 tiếp tục duy trì mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu mỏ của Nga
Ngày 17/4, Liên minh giá trần gồm Nhóm các nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) và Australia cho biết, sẽ giữ nguyên mức giá 60 USD/thùng đối với dầu mỏ vận chuyển qua đường biển của Nga sau khi xem xét tình hình kinh tế toàn cầu.
Quyết định trên đưa ra dù giá dầu thô toàn cầu đang tăng sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) tuyên bố cắt giảm sản lượng và nhu cầu tiêu dùng tại Trung Quốc phục hồi, trong khi một số quốc gia kêu gọi hạ mức giá trần để làm giảm nguồn thu của Nga.
Trong ngày 17/4, giá dầu Brent và dầu thô Mỹ hợp đồng tương lai được giao dịch trên 80 USD/thùng. Một quan chức trong liên minh nhận định, giá dầu thô Nga được bán thấp hơn khoảng 30 USD so với dầu Brent, chứng tỏ quyết định áp giá trần đã có hiệu quả trong việc hạn chế nguồn thu của Nga mà vẫn đảm bảo ổn định thị trường năng lượng toàn cầu.
Đức yêu cầu trừng phạt vào năng lượng hạt nhân Nga
Bộ Kinh tế Đức hôm 17/4 cho biết đã yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) áp các biện pháp trừng phạt đối với ngành năng lượng hạt nhân của Nga. Do các thành viên bị chia rẽ về ý tưởng này, Liên minh châu Âu (EU) cho đến nay vẫn kiềm chế không đưa nhiên liệu hạt nhân vào các gói trừng phạt chung.
“Chính phủ liên bang đã trao đổi với EC ủng hộ việc đưa lĩnh vực hạt nhân dân sự vào gói trừng phạt tiếp theo của khối", Bộ Kinh tế Đức cho biết, nhấn mạnh EU không nên “né tránh hành động quyết đoán trong lĩnh vực này”.
Đức đã đóng cửa 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng vào cuối tuần trước, bất chấp những lời kêu gọi mở rộng hoạt động trong bối cảnh chi phí năng lượng tăng cao.
5 nước hợp lực loại Nga khỏi thị trường năng lượng hạt nhân quốc tế
Trong thỏa thuận đạt được tại Nhật Bản, bên lề cuộc họp của Nhóm các nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) ngày 17/4, Anh, Mỹ, Canada, Nhật Bản và Pháp đã nhất trí sử dụng các nguồn lực và tiềm năng về ngành năng lượng hạt nhân của mỗi quốc gia để làm suy yếu quyền kiểm soát của Nga đối với chuỗi cung ứng.
Theo đó, các nước đồng minh của Ukraine sẽ hợp tác cung cấp nhiên liệu ổn định theo nhu cầu tiêu thụ hiện nay, cũng như đảm bảo việc phát triển và sử dụng nhiên liệu an toàn cho các lò phản ứng tiên tiến trong tương lai.
Thỏa thuận này được lên kế hoạch nhằm làm cơ sở để đánh bật Nga ra khỏi thị trường nhiên liệu hạt nhân nhanh nhất có thể. Mục đích sau cùng của nó là để cắt đứt các nguồn thu của Moskva. Trước đó, chính phủ Đức cũng đã lên tiếng ủng hộ việc Liên minh châu Âu (EU) đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với ngành công nghiệp hạt nhân của Nga, liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Ấn Độ bỏ ngỏ khả năng mua dầu Nga cao hơn mức giá trần của phương Tây
Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman mới đây cho biết quốc gia Nam Á này có thể mua dầu thô của Nga cao hơn mức giá trần do Nhóm các nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) áp đặt nếu việc cắt giảm sản lượng gần đây của Tổ chức các nước xuất khấu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) làm tăng chi phí năng lượng.
“Chúng tôi sẽ phải liên tục tính toán làm sao có được thỏa thuận tốt nhất vì việc nhập khẩu dầu rất quan trọng cho nền kinh tế Ấn Độ”, bà Sitharaman cho biết trong một cuộc phỏng vấn ngày 17/4, đồng thời nhấn mạnh thêm rằng nước này sẽ xem xét “giá cả phải chăng” để phục vụ dân số đông đảo của mình.
Được biết, 80% lượng dầu thô mà Ấn Độ sử dụng đều là nhập khẩu từ các nước khác. Ấn Độ và Trung Quốc vốn là hai khách hàng mua dầu thô chính của Nga sau khi các nước phương Tây cấm vận dầu của Nga.
Theo: https://petrotimes.vn/