Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi năng lượng công bằng; Các nước phương Tây tìm cách tránh lệnh cấm dầu thô Nga; Anh tìm ra cách để giữ lại nguồn cung LNG của Nga… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng ngày 20/4/2023.
Anh sẽ duy trì trạng thái đảm bảo được nguồn cung năng lượng, thậm chí còn dư thừa đến mức xuất khẩu sang cho châu Âu. Ảnh minh họa: Theguardian
Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi năng lượng công bằng
Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc (LHQ) cùng Phái đoàn thường trực Indonesia tại LHQ và Ủy ban Kinh tế xã hội LHQ khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP) ngày 19/4 đã tổ chức sự kiện “Thiết kế tài chính cho chuyển đổi năng lượng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bài học của Việt Nam và Indonesia về thiết lập đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng” tại Trụ sở LHQ.
Tại sự kiện, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam khẳng định, chuyển đổi năng lượng, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là con đường tất yếu để đạt được phát triển bền vững. Vì vậy, Việt Nam đã cùng các đối tác quốc tế thiết lập Quan hệ Đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) để huy động ban đầu 15,5 tỷ USD trong vòng 3 đến 5 năm tới phục vụ nỗ lực chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.
Đại sứ kêu gọi các đối tác quốc tế thực hiện cam kết và cung cấp nguồn lực, tài chính, chuyển đổi năng lượng như tài trợ không hoàn lại, xây dựng năng lực, chia sẻ những tiến bộ, nghiên cứu tiềm năng của năng lượng tái tạo, hỗ trợ và đầu tư vào các chương trình, dự án góp phần phát triển bền vững...
Các nước phương Tây tìm cách tránh lệnh cấm dầu thô Nga
Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) cho biết, các nước phương Tây bên ngoài vẫn tuyên bố thực hiện lệnh trừng phạt đối với dầu thô Nga nhưng lại gián tiếp mua dầu từ Moskva thông qua các nước thứ ba. Liên minh châu Âu (EU), Australia và hầu hết Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã nhập khẩu tổng cộng 45,9 tỷ USD sản phẩm dầu thô từ các nước mua dầu thô và các sản phẩm tinh chế của Nga trong một năm qua.
Theo CREA, trong liên minh các quốc gia tham gia áp trần giá dầu Nga thì EU là nơi nhập khẩu lớn nhất các sản phẩm dầu từ các quốc gia thứ ba với giá trị ước tính lên đến 19,4 USD, kể từ tháng 2/2022 đến nay. Tiếp theo là Mỹ với 7,2 tỷ USD, Anh với 5,5 tỷ USD và Nhật Bản với 5,2 tỷ USD. Tỷ lệ sản phẩm dầu nhập khẩu của các quốc gia trên là dầu diesel (29%), nhiên liệu máy bay (23%) và xăng (13%).
Báo cáo của CREA dựa trên dữ liệu theo dõi tàu chở dầu và chở hàng cũng như hợp đồng thương mại công khai giữa các bên. Theo đó EU và Mỹ đã tăng cường nhập khẩu các sản phẩm dầu tinh chế từ Trung Quốc lên 94%, Thổ Nhĩ Kỳ 43%, UAE 23%, Singapore 33% và Ấn Độ là 2%. Báo cáo này cũng chỉ ra 56% lượng dầu xuất khẩu của Nga được vận chuyển đến các nước thứ ba đều do các đội tàu thuộc sở hữu hoặc được công ty phương Tây bảo hiểm.
Anh tìm ra cách để giữ lại nguồn cung LNG của Nga
Các chuyên gia của OilPrice dự đoán Vương quốc Anh sẽ được cung cấp đầy đủ khí đốt trong thời kỳ cao điểm tiêu thụ vào mùa hè năm 2023 thông qua các giếng ở Biển Bắc, cũng như từ Na Uy. Ngoài ra, cân bằng năng lượng của Vương quốc sẽ được bổ sung bằng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu, chủ yếu đến từ Nga.
Theo một dự báo cho năm 2023 từ Công ty Vận chuyển Khí đốt Quốc gia của Anh, London sẽ duy trì trạng thái đảm bảo được nguồn cung năng lượng, thậm chí còn dư thừa đến mức họ xuất khẩu sang cho châu Âu. Tuy nhiên, năm nay do chính sách thắt lưng buộc bụng và hậu quả của cuộc khủng hoảng, nhu cầu đối với hàng xuất khẩu từ Anh sẽ không cao như năm ngoái.
Vào thời khắc cao điểm của mùa hè và mùa đông, quốc đảo này sẽ có thêm nguồn cung cấp nguyên liệu thô từ Nga, đồng thời được bảo vệ với lý do lượng khí này cũng cần thiết để đưa sang Liên minh châu Âu (EU). Vấn đề là khí đốt sẽ tích tụ trong vùng đệm và chỉ khi cần thiết mới được bơm sang những quốc gia láng giềng, nhưng đây vẫn không phải là chế độ bắt buộc. Rất có thể phần lớn hàng nhập khẩu nằm trong kho hải quan của Foggy Albion và London sẽ sử dụng chúng cho mục đích riêng của họ.
Iran khẳng định đàm phán với IAEA đang tiến triển
Ngày 19/4, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI), ông Mohammad Eslami, thông báo các cuộc đàm phán giữa nước này và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) đang tiến triển.
Ông Eslami cho biết các phái đoàn chuyên gia và kỹ thuật của hai bên đang liên lạc chặt chẽ và báo cáo tiến độ đàm phán hằng ngày. Kết quả đàm phán sẽ sớm được công bố.
Đầu tháng trước, Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi đã có chuyến thăm 2 ngày tới Iran nhằm giải quyết một số vấn đề liên quan tới chương trình hạt nhân của Tehran. Theo tuyên bố chung sau chuyến thăm, Iran cho phép IAEA thực hiện các hoạt động giám sát và kiểm tra phù hợp tiếp theo. Hai bên cũng cam kết tăng cường hợp tác để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng.
IAEA thanh sát các nhà máy điện hạt nhân ở Ukraine
Ngày 19/4, Cơ quan Giám sát hạt nhân nhà nước Ukraine cho hay các chuyên gia của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã tiến hành các cuộc kiểm tra không báo trước tại các nhà máy điện hạt nhân Rivne và Khmelnytskyi của Ukraine để xác nhận rằng tất cả vật liệu hạt nhân tại các cơ sở này đều đã được khai báo.
Thông báo của cơ quan trên nêu rõ: “Ngày 18/4, IAEA đã tiến hành các cuộc kiểm tra không báo trước tại Nhà máy điện hạt nhân Rivne và Nhà máy điện hạt nhân Khmelnytskyi theo thỏa thuận giữa Ukraine và IAEA về việc áp dụng các biện pháp bảo vệ liên quan Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân”.
Cũng theo tuyên bố, các chuyên gia của IAEA đã nhận được sự hỗ trợ của các thanh sát viên của Cơ quan Giám sát hạt nhân nhà nước Ukraine và mục đích của cuộc kiểm tra là để xác nhận không có vật liệu phân hạch nào ở đó chưa được khai báo.
Theo https://petrotimes.vn/