Thủ tướng giao loạt nhiệm vụ để bảo đảm cung ứng điện, giữ vững an ninh năng lượng; Nga - Trung Quốc ký kết 20 thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực dầu khí; Canada thực hiện kế hoạch trở thành nhà xuất khẩu LNG… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 22/10/2023.
Ảnh minh họa
Thủ tướng giao loạt nhiệm vụ để bảo đảm cung ứng điện, giữ vững an ninh năng lượng
Văn phòng chính phủ vừa có Văn bản số 8144/VPCP-CN ngày 19/10/2023 truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm cung ứng điện, giữ vững an ninh năng lượng.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu Khí Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tập trung chỉ đạo thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao về bảo đảm cung ứng điện, giữ vững an ninh năng lượng quốc gia trong thời gian tới.
Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 trước ngày 25/10, chủ trì hoàn thiện đề xuất về việc ban hành quy định về điện mặt trời áp mái trước ngày 25/10; Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện báo cáo thẩm định chủ trương đầu tư các dự án đường dây 500 kV từ Quảng Trạch (Quảng Bình) ra Phố Nối (Hưng Yên) để có thể khởi công dự án trong tháng 10/2023; Bộ Công Thương phối hợp các bộ liên quan báo cáo về việc xem xét ban hành Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn trước ngày 25/10.
Nga - Trung Quốc ký kết 20 thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực dầu khí
Tập đoàn dầu mỏ Rosneft ngày 21/10 cho biết Nga và Trung Quốc đã ký khoảng 20 thỏa thuận trong khuôn khổ diễn đàn kinh doanh năng lượng Nga - Trung Quốc tổ chức tại Bắc Kinh. Thông cáo viết: “Bên lề diễn đàn, các cuộc gặp song phương đã được tổ chức giữa doanh nghiệp hai nước và khoảng 20 thỏa thuận đã được ký kết”.
Tại Diễn đàn, theo Rosneft, Phó Thủ tướng Trung Quốc Đinh Tiết Tường đã đưa ra 3 đề xuất nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác năng lượng. Theo quan điểm của ông, hai nước cần tiếp tục tích cực phát triển các liên kết cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực năng lượng, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và phát triển ít carbon, đồng thời kiên quyết bảo vệ sự cởi mở và liên kết của thị trường năng lượng toàn cầu.
Theo người đứng đầu Rosneft, Igor Sechin, các doanh nghiệp tham gia diễn đàn chiếm tổng cộng hơn 45% thương mại giữa Nga và Trung Quốc. Ông Sechin lưu ý rằng Nga muốn củng cố và tăng cường hợp tác với Trung Quốc dọc theo toàn bộ chuỗi giá trị về năng lượng và các lĩnh vực liên quan, bao gồm công nghệ, cung cấp thiết bị và tài trợ dự án.
Về phần mình, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak, người tham dự lễ khai mạc, cho biết Nga nhìn thấy tiềm năng lớn trong việc tăng nguồn cung năng lượng cho Trung Quốc. Theo ông Novak, xuất khẩu năng lượng của Nga sang Trung Quốc năm 2023 tăng 17% so với cùng kỳ năm 2022.
Trung Quốc giữ vững “ngôi vương” nhập khẩu dầu thô
Theo báo cáo hàng tuần mới nhất của nhà trung gian môi giới đường biển của Italy Banchero Costa, Trung Quốc vẫn là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, chỉ nhỉnh hơn Liên minh châu Âu (EU) một chút. Trong 9 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu vào Trung Quốc tăng mạnh trở lại 22,7% so với cùng kỳ lên 384,6 triệu tấn, thực tế thậm chí còn cao hơn mức kỷ lục 370,4 triệu tấn trong cùng kỳ năm 2020.
Trong giai đoạn 9 tháng đầu năm, Trung Quốc đã nhập khẩu 59,8 triệu tấn dầu thô từ Ả Rập Xê-út, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong cùng thời gian, nhập khẩu từ Iraq sang Trung Quốc tăng 13,5% so với cùng kỳ lên 41,6 triệu tấn và từ UAE tăng 30% so với cùng kỳ lên 28,9 triệu tấn. Khối lượng từ Oman tăng 15,5% so với cùng kỳ lên 29,8 triệu tấn, trong khi từ Kuwait giảm 21,6% xuống 16,8 triệu tấn.
Các chuyến hàng trực tiếp từ Nga tăng 33,6% so với cùng kỳ lên 41,5 triệu tấn trong giai đoạn này. Tuy nhiên, Nga vẫn chiếm chưa đến 11% tổng lượng dầu thô nhập khẩu bằng đường biển của Trung Quốc. Nhập khẩu từ ASEAN tăng 57,7% so với cùng kỳ lên 37,6 triệu tấn và từ Nam Mỹ tăng 70,5% so với cùng kỳ lên 32,1 triệu tấn.
Canada thực hiện kế hoạch trở thành nhà xuất khẩu LNG
Canada đang tiếp tục xây dựng một cơ sở xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) mới quy mô lớn để phục vụ kế hoạch trở thành nhà xuất khẩu LNG, với tiềm năng hỗ trợ sự thống trị của Bắc Mỹ trong ngành khí đốt toàn cầu, theo Oil Price.
Giám đốc điều hành của tập đoàn dầu mỏ Enbridge của Canada, ông Greg Ebel tin rằng xuất khẩu khí đốt của Canada có thể thay thế than được sử dụng ở các nước khác để giúp giảm lượng khí thải. Ông nói: “Ngay cả với sự mở rộng của Mỹ, vẫn còn nhiều cơ hội để Canada trở thành một nhà cung cấp quan trọng”.
Canada hiện đang đặt mục tiêu trở thành nhà xuất khẩu LNG lớn trong những năm tới. LNG Canada, một liên doanh của Shell, PETRONAS, PetroChina, Mitsubishi Corporation và Korea Gas Corporation, đang phát triển cơ sở xuất khẩu LNG đầu tiên của Canada tại British Colombia. Tập đoàn đã thông báo vào tháng 6 rằng việc xây dựng dự án đã hoàn thành hơn 80% và họ đang chuẩn bị bắt đầu hoạt động. Dự kiến, nhà máy sẽ có công suất sản xuất 14 triệu tấn/năm và có tiềm năng mở rộng trong tương lai.
Việc xây dựng cơ sở xuất khẩu LNG đầu tiên của Canada có thể hỗ trợ sự phát triển nhanh chóng năng lực khí đốt tự nhiên của Mỹ để đưa khu vực Bắc Mỹ lên vị trí dẫn đầu chuỗi cung ứng LNG. Trong năm qua, một số công ty dầu khí lớn đã công bố các dự án LNG mới nhằm củng cố an ninh năng lượng của Mỹ và cung cấp chuỗi cung ứng khí đốt mới sau cuộc xung đột Nga-Ukraine và các lệnh trừng phạt sau đó với năng lượng của Nga.
Pháp đầu tư 1,7 tỷ euro vào uranium
Công ty năng lượng hạt nhân Orano (Pháp) đang đầu tư 1,7 tỷ euro để tăng công suất làm giàu uranium và giảm sự phụ thuộc vào Nga. Hội đồng quản trị của Orano mới đã phê duyệt việc tăng công suất sản xuất 30% cho nhà máy Tricastin ở miền Nam nước Pháp - địa điểm công nghệ hạt nhân lớn nhất châu Âu.
Ông Claude Imauven, Chủ tịch hội đồng quản trị của Orano, cho biết trong một tuyên bố: “Trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, mục đích của việc tăng cường năng lực làm giàu uranium là nhằm củng cố chủ quyền năng lượng của phương Tây ở Paris”.
Công ty đa quốc gia của Pháp, chuyên về chu trình nhiên liệu hạt nhân, cho biết năng lực sản xuất uranium tăng lên của họ sẽ cho phép họ cung cấp năng lượng cho 120 triệu hộ gia đình.
Theo https://petrotimes.vn/